Không thể vội vàng

Theo chỉ đạo của UBND TPHCM, Đề án “Thí điểm sách giáo khoa điện tử” dành cho lớp 1, 2, 3 bậc tiểu học ở TPHCM sẽ chính thức triển khai lấy ý kiến phụ huynh từ đầu năm học 2014 - 2015. Nếu nhận được sự đồng tình từ dư luận xã hội, đề án sẽ tổ chức thí điểm trong cùng năm học. Không thể phủ nhận những cố gắng của TP trong việc nâng cao chất lượng dạy và học, xóa bỏ gánh nặng mang vác sách vở và tối ưu hóa quyền lợi của học sinh. Song, khi chúng tôi thực hiện một cuộc phỏng vấn bỏ túi đối với giáo viên, đa số ý kiến đều thể hiện sự băn khoăn, lo lắng.

Một giáo viên lớp 3, Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (quận Bình Thạnh) bày tỏ: “Chúng tôi hiểu ngành giáo dục đang dành rất nhiều tâm huyết để cải tiến chất lượng dạy và học. Nhưng trong điều kiện ngân sách còn eo hẹp, phải kêu gọi sự đóng góp của phụ huynh, trong khi bảng tương tác vừa mới đưa vào sử dụng, nay lại đến sách giáo khoa (SGK) điện tử. Liệu có gấp gáp quá không?”. Mặt khác, cô Nguyễn Thị Hồng Yến, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận 1) nhận định: “Bất kỳ thiết bị công nghệ thông tin nào cũng có mặt tốt và xấu. Đưa vào sử dụng thì dễ nhưng vấn đề là đào tạo đội ngũ giáo viên thế nào để sử dụng công cụ một cách hiệu quả”. Đồng quan điểm, Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Phú Trần Trọng Khiêm cảnh báo: “Nếu làm không tốt công tác bồi dưỡng giáo viên sẽ tạo nên tâm lý chán nản, bị “vẽ” thêm việc khiến các thầy cô không còn nhiệt tình cống hiến”. Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thị Tốt, Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Thủ Đức, muốn cải tiến hoàn toàn chất lượng dạy và học ở bậc tiểu học, phải có sự đầu tư, cải tiến chương trình từ các trường ĐH sư phạm. “Muốn đưa công nghệ hiện đại vào giảng dạy thì lẽ ra sinh viên khoa giáo dục tiểu học ở các trường sư phạm phải là đối tượng tiếp xúc đầu tiên”, bà Tốt nhấn mạnh.

Ở góc độ khác, ông Hà Hữu Phúc, Giám đốc cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM cho biết: “Sử dụng SGK điện tử mới chỉ là bước đầu tiên đổi mới phương pháp giảng dạy. Nếu nội dung chương trình không thay đổi thì mục tiêu đổi mới cơ bản, toàn diện giáo dục tiểu học ở TPHCM vẫn khó thực hiện”. Do đó, theo đề xuất của ông Phạm Quang Bảng, Phó Vụ trưởng Cơ quan đại diện phía Nam của Ban Tuyên giáo trung ương, trước khi quyết định triển khai đề án SGK điện tử, TPHCM cần “nghe ngóng” sự thay đổi chương trình SGK từ phía Bộ GD-ĐT. Nếu không tính toán kỹ lộ trình thực hiện, một khi chương trình SGK của Bộ GD-ĐT thay đổi thì SGK điện tử sẽ tốn thời gian chỉnh sửa lại, tạo nên sự lãng phí.

Như vậy, chưa đến nói con số kinh phí khổng lồ theo dự trù của những người tổ chức đề án (hơn 4.000 tỷ đồng/năm học), dư luận quan tâm nhiều hơn đến tính hiệu quả và công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Bên cạnh đó, trong điều kiện chi trả lương cho giáo viên ở hệ thống trường công còn hạn chế, các chế độ, chính sách phụ cấp cho người có thâm niên hoặc trình độ tiếng Anh đạt chuẩn chưa được công nhận thì mỗi yêu cầu “vẽ rồng thêm phượng” đều khó nhận được sự đồng tình từ phía giáo viên. Đó là chưa kể với những giáo viên lớn tuổi, hiểu biết về CNTT hạn chế, việc học cách sử dụng các ứng dụng công nghệ hiện đại không “khó ăn” bằng việc xử lý các tình huống trục trặc do các thiết bị gây nên. “Một giờ lên lớp hiện nay kéo dài từ 40 - 45 phút. Giáo viên và học sinh phải bở hơi tai chạy đua cho kịp giáo án. Nếu khi sử dụng các thiết bị công nghệ, đường truyền dữ liệu bị trục trặc hoặc đứt dây, cúp điện, nội dung bài giảng bị ảnh hưởng, chúng tôi biết đổ lỗi cho ai?”, một nữ giáo viên ở quận Gò Vấp lo lắng.

Từ những thực trạng đó, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Trần Thị Bình Minh kiến nghị nên có cuộc khảo sát về năng lực sử dụng các thiết bị CNTT của giáo viên, đặc biệt đối với những giáo viên lớn tuổi cần được lắng nghe tâm tư, nguyện vọng trước khi chính thức triển khai đề án. Bởi nếu làm không khéo, hiệu quả thí điểm sẽ chỉ dừng ở mức “được chăng hay chớ”, vừa lãng phí tiền bạc vừa tạo sự bất bình ở các giáo viên.

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục