Chất lượng đại học kém vì buông lỏng đầu ra

Chất lượng đại học kém vì buông lỏng đầu ra

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã lưu ý, trong bối cảnh hiện nay, vấn đề đổi mới thi cử đang rất nóng, nhưng đó chưa phải là vấn đề số 1 đối với giáo dục đại học (GDĐH), mà việc đổi mới căn bản, toàn diện GDĐH mới là hàng đầu. Đổi mới để tạo ra những sản phẩm đầu ra chất lượng, tạo nên những kỹ năng, phẩm chất của con người lao động Việt Nam mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đó là yêu cầu bức thiết của xã hội hiện nay đối với GDĐH.

Hệ thống GDĐH đã bị quá tải

Bộ GD-ĐT cho biết, những yếu kém hiện nay của các trường ĐH-CĐ về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ giảng viên... đã tác động đến chất lượng của công tác đào tạo. Qua rà soát các trường đại học năm 2013 cho thấy, nhiều trường có tỷ lệ sinh viên/giảng viên (SV/GV) vượt quá quy định (quy định là 25 SV/GV). Trong đó, 45 trường có từ 30 - 50 SV/GV, 9 trường có trên 50 SV/GV. Đặc biệt, tỷ lệ sinh SV/GV tính theo ngành đào tạo còn có biến động rất lớn. Trong 3.575 ngành ĐH-CĐ được khảo sát, trên 500 ngành có số sinh viên vượt quá 30 SV/GV quy đổi, trong đó gần 100 ngành có tỷ lệ SV/GV lên tới trên 100 (chủ yếu tập trung ở khối ngành kinh tế - quản lý, luật và giáo dục)…

Sinh viên Khoa Công nghệ Sinh học Trường Đại học KH-TN thực tập trong phòng thí nghiệm. Ảnh: MAI HẢI

Bên cạnh đó, tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ có xu hướng tăng trưởng nóng, vượt năng lực hướng dẫn của đội ngũ giảng viên, một số chuyên ngành bị quá tải trầm trọng về giảng viên hướng dẫn ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo thạc sỹ; đặt lớp đào tạo thạc sĩ bên ngoài cơ sở đào tạo, tổ chức đào tạo theo hình thức cuốn chiếu. Kết quả thẩm định hồ sơ và luận án tiến sĩ năm 2013-2014 cho thấy việc quản lý hồ sơ đào tạo nghiên cứu sinh trong giai đoạn đầu chưa tốt, nhiều hồ sơ không đầy đủ, chưa đảm bảo quy trình bảo vệ luận án (89,13% số hồ sơ thẩm định phải bổ sung, rút kinh nghiệm); chất lượng luận án chưa cao, (trong số các luận án thẩm định, 79% luận án phải chỉnh sửa bổ sung).

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, thực tế hiện nay là hệ thống GDĐH đã bị quá tải, trong khi hệ thống dạy nghề khó tuyển người học; phân luồng khó thực hiện. Sinh viên có xu hướng chọn những ngành nghề nhẹ nhàng như kinh tế, quản trị, tài chính, ngân hàng... Trong khi các ngành khoa học, công nghệ khó tuyển được thí sinh có chất lượng. Điều này ảnh hưởng đến cơ cấu nguồn nhân lực cần thiết cho sự nghiệp phát triển của đất nước. Đặc biệt, suất đầu tư trên đầu sinh viên còn rất khiêm tốn so với một số nước trong khu vực.

Buông lỏng đầu ra

Tất cả những hạn chế yếu kém này đã được Bộ GD-ĐT thẳng thắn thừa nhận đồng thời đưa ra các giải pháp để khắc phục, từ giải pháp chuẩn hóa cơ cấu hệ thống, tăng cường kiểm định chất lượng, đổi mới công tác tuyển sinh đến đổi mới chương trình đào tạo, cơ chế tài chính, năng lực quản trị đại học... Thế nhưng, theo nhiều chuyên gia giáo dục, điều căn bản nhất trong công cuộc đổi mới GDĐH là các trường ĐH-CĐ phải xây dựng mục tiêu chiến lược phát triển nhà trường.

Mặc dù mục tiêu chiến lược phát triển các cơ sở GDĐH đã được Bộ GD-ĐT yêu cầu công bố từ lâu nhưng một số trường cho đến nay vẫn chưa có bản kế hoạch hoàn chỉnh hoặc có nhưng chưa thể hiện được mục tiêu dài hạn cũng như kế hoạch phát triển trong từng giai đoạn. Thực hiện đổi mới GDĐH lần này theo tinh thần Nghị quyết TƯ 29, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường phải có bản kế hoạch phát triển cụ thể, trong đó phải nêu được mục tiêu đào tạo, chất lượng đào tạo qua từng giai đoạn thể hiện rõ qua chuẩn đầu ra, quy mô sinh viên đi kèm với kế hoạch phát triển đội ngũ và cơ sở vật chất tương ứng. Nếu thực hiện được yêu cầu này trong toàn hệ thống thì mới mong GDĐH thực sự chuyển biến trong giai đoạn tới.

Chuẩn đầu ra là một vấn đề cốt lõi trong chiến lược phát triển của một trường đại học. Đó cũng là cam kết về chất lượng của trường đối với xã hội. Thế nhưng thực tế thì chưa có nhiều trường thực sự quan tâm. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, sau nhiều lần “giục” các trường báo cáo về việc công bố chuẩn đầu ra thì đến nay cũng mới chỉ có 71 trường đại học nộp báo cáo. Ngoài các trường chưa xây dựng và công bố công khai chuẩn đầu ra thì trong số các trường đã công bố, đa số vẫn mới chỉ xây dựng và công bố chuẩn đầu ra còn mang tính hình thức. “Chuẩn đầu ra của các trường hầu như không gắn với chương trình đào tạo, cách thức tổ chức đào tạo và đánh giá kết quả học tập của người học cũng như các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo khác”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga phàn nàn. Việc xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của các trường vì vậy mà chưa gắn trách nhiệm với người học cũng như trách nhiệm xã hội của các trường.

Ông Nguyễn Đình Tư, Phó Hiệu trưởng Đại học Thành Tây chỉ ra rằng, GDĐH Việt Nam đang chỉ lo cạnh tranh đầu vào, bằng chứng là việc cả ngành giáo dục, cả xã hội chỉ dành sự quan tâm hàng đầu cho công tác tuyển sinh. “Hãy để các trường tuyển đầu vào, còn Bộ GD-ĐT giám sát cách đào tạo của nhà trường, giám sát đầu ra”, ông Nguyễn Đình Tư đề xuất.

Nhiều chuyên gia giáo dục đã từng cảnh báo về thực trạng GDĐH Việt Nam, đó là đầu vào cực khó còn đầu ra cực dễ. Học sinh bước vào cánh cửa đại học với bao áp lực nặng nề, nhưng sau đó thì có thể vừa học vừa chơi và tốt nghiệp ra trường nhẹ nhàng. Xã hội cũng đã rất bức xúc là ngành giáo dục đang quá chú trọng quản lý đầu vào đại học mà thả lỏng đầu ra.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục