Thí điểm đề án sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng: Cần sự đồng thuận cao của xã hội

(SGGPO).- Chiều 18-8, Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức hội thảo “ Sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng dành cho học sinh tiểu học lớp 1,2,3” với sự tham gia của đông đảo   các chuyên gia trong ngành giáo dục, công nghệ thông tin (CNTT), các phòng GD-ĐT quận, huyện, hiệu trưởng trường tiểu học trên địa bàn TPHCM. Đây là đề án thí điểm mô hình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 năm học 2014-2015 tại TPHCM.

(SGGPO).- Chiều 18-8, Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức hội thảo “ Sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng dành cho học sinh tiểu học lớp 1,2,3” với sự tham gia của đông đảo   các chuyên gia trong ngành giáo dục, công nghệ thông tin (CNTT), các phòng GD-ĐT quận, huyện, hiệu trưởng trường tiểu học trên địa bàn TPHCM. Đây là đề án thí điểm mô hình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 năm học 2014-2015 tại TPHCM.

Hội thảo đã giới thiệu xu hướng toàn cầu về ứng dụng CNTT vào cải cách giáo dục và kinh nghiệm thành công của các nước trong việc đầu tư cho sách giáo khoa (SGK) điện tử , máy tính bảng, tạo môi trường học tập thông minh, hiệu quả cao.

Phát biểu tại hội thảo, nhiều ý kiến đồng tình với chủ trương đẩy mạnh cải cách giáo dục thông qua việc áp dụng CNTT vào trường học, số hóa sách giáo khoa, trang bị máy tính bảng cho học sinh bậc tiểu học. Mô hình trường học thông minh-“lấy học sinh làm trung tâm” sẽ giúp người học  năng động, hứng thú học tập , tính tương tác cao, chủ động tìm tòi tư liệu, nâng cao kiến thức, giảm bớt việc học thêm.

Không những thế, mô hình này còn giúp cho phụ huynh có thể tương tác với con cái và giáo viên để tăng cường hiệu quả giáo dục…Tuy nhiên, cũng giống như hội thảo lần đầu tổ chức vào tháng 7-2014, nhiều ý kiến còn băn khoăn về tính khả thi của đề án hiện đại hóa trường học. Cụ thể như, kinh phí đầu tư  cho SGK  điện tử, máy tính bảng được thực hiện theo phương án xã hội hóa như thế nào thì phù hợp. Nếu thực hiện thí điểm thì chọn trường nào, lớp nào và có nên hình thành lớp học VIP trong trường công. Cần đầu tư cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa trường học; tập huấn đội ngũ giáo viên thích ứng với việc sử dụng thiết bị…Trước thực tế còn nhiều khó khăn, một số ý kiến đề nghị đầu tư thiết bị phục vụ lớp học thông minh theo kiểu “liệu cơm gắp mắm”, không nên làm trọn gói. 

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở  GD-ĐT TPHCM kết luận rằng  ngành GD-ĐT TPHCM sẽ tiếp thu tất cả những ý kiến đóng góp của các chuyên gia giáo dục, các nhà quản lý, các trường để hoàn thiện đề án trước khi trình UBND TPHCM phê duyệt. Theo đó, sẽ tính toán cụ thể về lộ trình thực hiện, phương thức xã hội hóa, kèm các giải pháp về kỹ thuật, nội dung chương trình, huấn luyện giáo viên... Tổng kinh phí thực hiện đề án này dự kiến là 4.000 tỷ đồng và giá thành một máy tính bảng là 5 triệu đồng. Vì thế, cần có sự đồng thuận cao từ phụ huynh, học sinh và toàn xã hội.

Theo khuyến nghị của các chuyên gia quốc tế,  để thực hiện thành công đề án này cần lựa chọn đơn vị điều phối có năng lực tài chính, kèm các giải pháp tốt, thiết bị đạt tiêu chuẩn cao, đảm bảo chất lượng, độ bền cao…

Khánh Bình

Tin cùng chuyên mục