4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của ngành GD-ĐT năm học 2014-2015

Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành chỉ thị về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp. Theo đó, Bộ nêu rõ: năm học 2014 - 2015, toàn ngành tập trung triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Bộ đề ra 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

(SGGPO). – Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành chỉ thị về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp. Theo đó, Bộ nêu rõ: năm học 2014 - 2015, toàn ngành tập trung triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Bộ đề ra 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, về công tác quản lý GD-ĐT, sẽ  triển khai công tác dự báo, quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội. Tiếp tục thực hiện phân cấp quản lý Nhà nước về giáo dục theo quy định của Chính phủ; thực hiện giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục một cách đồng bộ và hiệu quả. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giáo dục các cấp; nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra nội bộ của cơ sở giáo dục. Tăng cường thanh tra quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, xử lý nghiêm các sai phạm và thông báo công khai trước công luận. Ngành giáo dục sẽ chủ động báo cáo, đề xuất, tham mưu với các cấp ủy đảng, chính quyền, phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội để xây dựng môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp trong và ngoài nhà trường, xóa bỏ các hiện tượng tiêu cực gây bức xúc trong nhân dân; phòng chống tội phạm, bạo lực, tệ nạn xã hội trong học sinh.

Thứ hai, về tổ chức hoạt động giáo dục, sẽ tập trung giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; tăng cường công tác phân luồng, tư vấn hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp trong các trường phổ thông.. Trong đó, đáng chú ý về giáo dục mầm non sẽ tăng cường quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, các nhóm/lớp mầm non độc lập, tư thục ở các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung. Giáo dục phổ thông sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới giáo dục phổ thông theo mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất học sinh; nâng cao kỹ năng ngoại ngữ, tin học; rèn luyện năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn; phát triển năng lực sáng tạo và tự học. 

Tiếp tục triển khai đổi mới phương pháp dạy và học gắn với đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục theo hướng đánh giá năng lực người học; kết hợp đánh giá trong quá trình với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học. Tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông trên phạm vi cả nước và ở những địa phương có điều kiện để đề xuất các chính sách, giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

 Thứ ba, về phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, sẽ tập trung xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm 2016. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách cho các cơ sở đào tạo giáo viên, cho đội ngũ nhà giáo và sinh viên học ngành sư phạm.

Thứ tư, tăng nguồn lực đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính giáo dục. Ngành giáo dục sẽ tiếp tục thực hiện đổi mới cơ chế tài chính giáo dục; tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường lớp, kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020 phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương…

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục