Để học sinh hào hứng với lễ khai giảng

Chúng tôi có hai con đang học lớp 9 và lớp 11. Năm nào cũng vậy, sau khi đón các con dự lễ khai giảng năm học trở về tôi thường hỏi các con cảm nhận về lễ khai giảng có gì vui thì nhận được câu trả lời: “Bình thường mẹ ạ. Chẳng có gì vui ngoại trừ gặp lại bạn bè, thầy cô…”.

Từng có thời gian tham gia ban đại diện phụ huynh của lớp, của trường - nơi con tôi học và dự lễ khai giảng đầu năm học mới, tôi hiểu cảm nhận “chẳng có gì ấn tượng” của các con là đúng. Năm nào cũng vậy, các trường học đều duy trì hình thức tổ chức buổi lễ khai giảng rập khuôn mẫu. Vì thế, nó xơ cứng, nặng nề ở phần lễ nghi và nhẹ ở phần hội. Không những thế, để buổi lễ diễn ra chu toàn, nhiều trường còn bắt học sinh tập dượt cho lễ khai giảng chính thức như bắt đi đứng, hô, chào, vẫy tay, vẫy cờ…

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều học sinh không còn hào hứng đi dự lễ khai giảng vì biết rõ năm nào cũng bao nhiêu đó nội dung, trình tự. Cụ thể là sau lễ chào cờ, phút truyền thống, vỗ tay đón đại biểu, đọc thư của Chủ tịch nước là đến diễn văn chào mừng năm học mới, tiếng trống khai trường, phát động thi đua và cuối cùng là chương trình văn nghệ… Trong khi phần nghi lễ kéo dài, nặng nề về hình thức, báo cáo dài dòng, kèm theo nhiều vị đại biểu không kiệm lời, dặn dò học trò hơi nhiều đã khiến không ít học sinh ngồi ngáp dài, chỉ mong lễ khai trường sớm kết thúc. Ở nhiều trường thiếu bóng cây xanh hoặc mái che thì học sinh còn bị nếm trải cái nóng nắng gay gắt, mồ hôi nhễ nhại. Vì thế, trên khán đài, thầy, cô hiệu trưởng có nói gì, dặn dò thật nhiều, các em cũng không thấm bao nhiêu. Như thế, việc nhiều trường cố gắng tổ chức lễ khai giảng sao cho “hoành tráng”, đúng thủ tục trang nghiêm nhưng sẽ mang lại điều gì cho học trò?

Thực tế cho thấy, để ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường có ý nghĩa và học sinh được xem là nhân vật trung tâm của buổi lễ thì các trường hãy chuẩn bị lễ khai giảng sinh động, mới mẻ về hình thức nhưng vẫn đảm bảo sự ấm cúng và phù hợp với từng bậc học. Đừng bắt học trò - lứa tuổi thơ ngây phải tuân theo sự cứng nhắc, khuôn mẫu của người lớn chỉ vì ngại làm khác, ngại đổi mới. Nếu không có tư duy sáng tạo, chủ động đổi mới từ ngày lễ khai trường thì làm sao tạo đà hứng khởi, đột phá trong các hoạt động dạy và học của nhà trường trong năm học mới?

Hy vọng mùa khai trường năm học mới này sẽ để lại nhiều ấn tượng cho học trò - những thiên thần áo trắng đang khát khao, chờ đợi ngày tựu trường với nhiều niềm vui, niềm hạnh phúc mới. Khi đó, các em mới trở thành nhân vật trung tâm đón nhận sự quan tâm, sự chào đón của thầy cô, nhà trường.

THỤY VÂN

Tin cùng chuyên mục