TPHCM: Nghịch lý thừa, thiếu giáo viên

Kẻ ăn không hết, người lần không ra
TPHCM: Nghịch lý thừa, thiếu giáo viên

Chỉ còn vài ngày nữa, lễ khai giảng năm học 2014 - 2015 chính thức bắt đầu nhưng ở thời điểm hiện tại, công tác tuyển dụng giáo viên (GV) tại các quận, huyện vẫn chưa hoàn tất. Trong khi hai bậc mầm non và tiểu học còn thiếu hàng trăm GV thì hai bậc THPT và THCS, các ứng viên phải giành giật nhau từng vị trí với tỷ lệ chọi không thua gì tuyển sinh ĐH. Vì sao?

Nghề giáo cần nhiều chế độ đãi ngộ phù hợp hơn để các thầy cô yên tâm bám trụ với nghề.

Kẻ ăn không hết, người lần không ra

Theo thống kê của Phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT TPHCM, tính đến hết ngày 27-8, vẫn còn 7 quận, huyện chưa nhận đủ số lượng hồ sơ đăng ký của các ứng viên dự tuyển vào bậc mầm non. Cụ thể, quận 1 trong năm học 2014 - 2015 cần tuyển thêm 51 GV mầm non nhưng hiện mới có 30 hồ sơ đăng ký; quận 9 có 21 hồ sơ trên tổng số 44 chỉ tiêu; các quận 4, 11, Bình Tân và huyện Củ Chi mới đạt hơn 50% chỉ tiêu đăng ký. Căng thẳng nhất là quận Tân Phú với 94 chỉ tiêu nhưng hiện mới nhận được 36 hồ sơ. Bà Trần Thị Kim Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, kết thúc tuyển dụng đợt 1, TP mới tuyển được 480 GV mầm non. Dự báo đợt 2 cần tuyển thêm 455 GV nữa mới đáp ứng được nhu cầu của các quận, huyện. Hiện lo ngại kết quả tuyển dụng không được như mong muốn, nhiều địa phương đã tính đến các phương án như tăng sĩ số học sinh/lớp, bố trí GV dạy choàng lớp, hợp đồng thêm GV thời vụ…

Trong khi đó ở bậc THCS, nhiều quận, huyện không đăng ký chỉ tiêu tuyển dụng nhưng vẫn nhận được hồ sơ đăng ký. Đơn cử quận 9 năm học này không có nhu cầu tuyển GV các môn Lý, Hóa nhưng vẫn nhận được 9 bộ hồ sơ đăng ký. Tương tự, quận Gò Vấp không có chỉ tiêu tuyển GV tiếng Anh nhưng có 19 ứng viên nộp hồ sơ. Quận Phú Nhuận không tuyển thêm GV Ngữ văn nhưng cũng có 10 hồ sơ đăng ký. Song trong khi một số môn có thừa ứng viên đăng ký thì các môn khác như âm nhạc, mỹ thuật, công nghệ mặc dù năm nào cũng có nhu cầu tuyển dụng nhưng không có ứng viên nào nộp hồ sơ. Tại quận Bình Tân, hai môn Âm nhạc và Mỹ thuật cần tuyển thêm 22 vị trí nhưng mới nhận được 4 hồ sơ, cá biệt môn Công nghệ chưa có hồ sơ nào dù chỉ tiêu cần thêm 8 người. Chị L., một trong những ứng viên vừa trượt vị trí GV Vật lý đợt 1 ở quận Bình Tân, cho biết: “Nhu cầu tuyển dụng môn Vật lý ở quận năm học này là 7 người. Kết quả kỳ thi tuyển dụng đợt 1, tổng điểm bài kiểm tra lý thuyết và phỏng vấn trực tiếp của tôi đứng thứ 5 theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp. Lẽ ra tôi đã có tên trong danh sách trúng tuyển nhưng do có quá nhiều hồ sơ đăng ký, địa phương lại ưu tiên xét tuyển các ứng viên tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm, trong khi tôi chỉ có chứng chỉ sư phạm nên cuối cùng vẫn bị loại”, chị L. buồn rầu cho biết.

Riêng bậc THPT, năm học 2014-2015, TP cần tuyển thêm 371 GV nhưng có tới 960 hồ sơ đăng ký phỏng vấn. Một số môn Toán, Lý, Sử và Thể dục có tỷ lệ chọi từ 1/3 đến 1/6 khiến nhiều ứng viên bông đùa với nhau rằng “thi tuyển dụng GV chẳng khác gì thi tuyển sinh ĐH”.

Quan trọng là cơ chế đãi ngộ

Thiếu GV lớp nhỏ, thừa GV lớp lớn đã và đang xảy ra hơn chục năm qua ở TPHCM nhưng bài toán vẫn chưa có lời giải. Riêng đối với bậc mầm non, ông Bùi Ngọc Âu, Phó phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, hiện nay trên địa bàn TP có 3 đơn vị đào tạo GV mầm non là Trường ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Sài Gòn và CĐ Sư phạm Trung ương TPHCM. Hàng năm trung bình 2 trường ĐH nói trên tuyển hơn 200 chỉ tiêu GV mầm non, CĐ Sư phạm Trung ương TPHCM tuyển gần 600 chỉ tiêu. “Nếu cộng gộp lại thì tổng chỉ tiêu tuyển sinh của 3 đơn vị này chưa đến 1.000 SV nhưng đào tạo GV cho cả nước chứ không riêng gì TPHCM”, ông Âu cho biết. Trước khó khăn đó, Sở GD-ĐT TP đã ký thỏa thuận hợp tác với 9 đơn vị đào tạo gồm 6 trường ĐH và 3 trường CĐ có đào tạo khối ngành sư phạm. Theo đó, những đơn vị này có trách nhiệm đào tạo, cung ứng GV cho các bậc học từ mầm non đến tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn TP. Sở GD-ĐT TP chịu trách nhiệm cung cấp thông tin, nhu cầu tuyển dụng của các địa phương, đồng thời giới thiệu trường phổ thông để các trường đưa giáo sinh đến thực tập.

Giáo viên Trường THCS Nguyễn Vĩnh Nghiệp, quận 12, TPHCM hướng dẫn học sinh lớp 9 ôn thi môn Toán. Ảnh: MAI HẢI

Tuy nhiên theo nhận xét của nhiều người, đó mới chỉ là giải pháp ở phần ngọn. Bởi thực tế đã chứng minh, nhiều SV ra trường không làm đúng chuyên ngành được đào tạo, nhất là SV ở các ngành năng khiếu như âm nhạc, mỹ thuật. “Giáo sinh trẻ ra trường không chịu nổi áp lực ở bậc mầm non đã đành, ngay cả những em được nhận về dạy ở trường phổ thông, cứ ngỡ đã có việc làm ổn định nhưng chỉ bám trụ được vài năm cũng “bỏ của chạy lấy người” do thu nhập không đủ sống”, một giảng viên (yêu cầu không nêu tên) của Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho biết. Từ thực tế đau lòng đó, có thể thấy bài toán tuyển hoài vẫn không đủ GV tồn tại nhiều năm qua của TP có một phần nguyên nhân xuất phát từ chế độ đãi ngộ chưa phù hợp. Không thể phủ nhận tình trạng “chảy máu” GV từ khu vực trường công qua các trường ngoài công lập nhưng trước những đòi hỏi khắt khe của thời buổi cơm, áo, gạo, tiền, nếu không sớm tạo ra cơ chế đãi ngộ hợp lý, dù có kêu gọi, khuyến khích, thiếu GV vẫn hoàn thiếu!

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam

"Năm học 2014 - 2015, TPHCM cần tuyển thêm 1.087 GV mầm non, 1.647 GV tiểu học, 1.414 GV THCS, 500 GV THPT và 158 GV khối trung cấp, cao đẳng. Kết quả tuyển dụng đợt 1 cuối tháng 7 vừa qua, Sở GD-ĐT TP tuyển được hơn 410 GV THPT. Sắp tới, sở sẽ tham mưu UBND TP thực hiện cơ chế tuyển dụng GV quanh năm nhằm có nguồn bổ sung GV thường xuyên, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng GV của các quận, huyện, đồng thời kiến nghị tăng chỉ tiêu tuyển sinh các ngành sư phạm dành riêng cho địa bàn TP…"

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục