Coi trọng đánh giá năng lực học sinh

- Phóng viên:
Coi trọng đánh giá năng lực học sinh

Đổi mới giáo dục phổ thông trong năm học mới

Năm học mới 2014-2015, ngành giáo dục sẽ thật sự bước vào đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Những đề án, dự định đổi mới lớn của ngành giáo dục sẽ được triển khai mạnh mẽ trong năm học này, nhất là đối với giáo dục phổ thông, trong đó có việc chuẩn bị để thực hiện Đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa (CT-SGK) phổ thông khi được Quốc hội thông qua nghị quyết. Đặc biệt, việc đổi mới thi cử trong năm học 2015 đang gây sự chú ý của toàn xã hội. Trước thềm năm học mới, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển.

Coi trọng đánh giá năng lực học sinh ảnh 1

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển

- Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, giáo dục phổ thông sẽ có nhiều đổi mới trong năm học mới, trong đó, ngành giáo dục sẽ đổi mới đồng bộ hình thức tổ chức và phương pháp dạy học, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông. Đến nay, tiền đề thực hiện việc đổi mới này đã vững chắc chưa?

>> Thứ trưởng NGUYỄN VINH HIỂN: Các thành tố của quá trình dạy học có tương quan chặt chẽ với nhau, vì vậy quá trình đổi mới tuy phải có trọng tâm nhưng vẫn phải bảo đảm tính đồng bộ. Việc đổi mới đồng bộ hình thức tổ chức và phương pháp dạy học, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông đã được triển khai thành công bước đầu trong vài năm học gần đây, nhất là năm học 2013 - 2014, là những thử nghiệm tốt cho quá trình xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cụ thể như dạy học tiếng Việt lớp 1 theo giải pháp công nghệ giáo dục đã được triển khai ở 34 tỉnh với 183.412 học sinh của 2.392 trường tiểu học tham gia. Năm học 2014 - 2015 đã có thêm 5 tỉnh đăng ký tham gia chương trình này. Ngành giáo dục cũng đã áp dụng phương pháp dạy học “bàn tay nặn bột” - phương pháp hướng dẫn học sinh học tập, tiếp thu kiến thức dựa trên các hoạt động tìm hiểu, trải nghiệm, tìm tòi khoa học, không học tập thụ động, máy móc theo lối truyền thống - ở 350 trường tiểu học của 63 tỉnh, thành phố và 120 trường THCS của 12 tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, thành công qua 2 năm tổ chức cuộc thi của giáo viên trung học về dạy các chủ đề tích hợp và cuộc thi của học sinh trung học về vận dụng kiến thức liên môn giải quyết các vấn đề của cuộc sống cho thấy một giải pháp mới và khả năng để tăng cường năng lực dạy và học tích hợp của giáo viên và học sinh.

Đặc biệt, mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) với định hướng lấy người học làm trung tâm đã triển khai ở 63/63 tỉnh, thành phố với 1.447 trường tiểu học trong dự án, năm học vừa qua có thêm 257 trường, năm học 2014 - 2015 có trên 1.000 trường sẽ tự nguyện áp dụng đã làm cho các hoạt động sư phạm trong nhà trường được đổi mới căn bản. Cùng với đó, ngành giáo dục đã tích cực đổi mới kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục như chỉ đạo đổi mới việc ra đề thi, kiểm tra theo hướng mở và áp dụng ma trận đề thi, kiểm tra phân hóa trình độ nhận thức nhằm đánh giá năng lực học sinh đã có kết quả tốt, được xã hội thừa nhận. Tham dự các kỳ đánh giá quốc tế trên diện rộng (PISA, PASEC) nhằm xác định mặt chất lượng giáo dục của các địa phương và cả nước.

Từ năm học 2013 - 2014, ngành giáo dục cũng đã triển khai thực hiện thí điểm phát triển chương trình giáo dục nhà trường. Đây thực chất là các trường phổ thông được giao quyền tự chủ trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với nhu cầu và điều kiện cụ thể của nhà trường, hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra, đánh giá. Với chương trình này, nhà trường và giáo viên được chủ động, tích cực và sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, như: rà soát CT-SGK hiện hành để loại bỏ thông tin lạc hậu, bổ sung, cập nhật thông tin mới; cấu trúc, sắp xếp lại nội dung dạy học của từng môn học theo hướng phát triển năng lực học sinh thành những bài học mới. Đồng thời tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, xây dựng các chủ đề dạy học liên môn trong chương trình các môn học hiện hành. Nhiều chủ đề liên môn, nhiều hoạt động trải nghiệm được giáo viên xây dựng và tổ chức cho học sinh hoạt động nhận thức gắn với vấn đề thời sự đất nước như biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai, giới và bình đẳng giới, an toàn giao thông, tìm hiểu về biển - đảo... Các hoạt động thí điểm chương trình giáo dục nhà trường đã góp phần đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh, đổi mới quản lý hoạt động dạy học… Những kết quả đạt được đó là tiền đề tích cực để thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông trong năm học 2014 - 2015 này.

- Năm học mới 2014 - 2015 tiếp tục thực hiện những nội dung này, ngành giáo dục có khó khăn gì không, thưa ông?

Hạn chế hiện nay là ở nhiều nơi, các cấp quản lý và ban giám hiệu nhà trường không quan tâm tìm hiểu, ngại đổi mới, không động viên, tạo điều kiện cho giáo viên hoặc nhà trường đổi mới. Vì vậy, trong năm học mới 2014 - 2015 này, Bộ GD-ĐT sẽ rút kinh nghiệm, bồi dưỡng, nhân rộng các giải pháp trên. Trong đó có các việc cụ thể như thực hiện cách đánh giá học sinh tiểu học mới; triển khai thực nghiệm mô hình VNEN cấp THCS ở 6 tỉnh. Đặc biệt là triển khai Đề án đổi mới kỳ thi quốc gia THPT theo tinh thần có một kỳ thi chung vừa để xét công nhận tốt nghiệp, vừa cung cấp dữ liệu cho tuyển sinh giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.

- Tình trạng dạy thêm, học thêm; lạm thu trong nhà trường; bệnh thành tích... vẫn còn và là nỗi bức xúc của các bậc phụ huynh mỗi khi bước vào năm học mới. Vậy Bộ GD-ĐT có giải pháp gì để chấn chỉnh?

Đa số UBND các tỉnh, thành phố đã ban hành các văn bản quy định và chỉ đạo quản lý về dạy thêm, thu góp trong nhà trường. Công tác quản lý ở các địa phương đã có nhiều tiến bộ, người dân đỡ bức xúc hơn. Các hiện tượng vi phạm quy chế thi tốt nghiệp THPT giảm hẳn. Tuy nhiên, vẫn còn khá phổ biến hiện tượng chạy theo “thành tích”, tạo ra không ít áp lực cho giáo viên và học sinh, không phản ánh đúng thực chất chất lượng giáo dục. Nhiều nơi học sinh không hát quốc ca, không tập thể dục giữa giờ, không được yêu cầu làm vệ sinh trường lớp. Không ít nơi vẫn còn tình trạng dạy thêm, học thêm, thu thêm trái quy định; tình trạng giáo viên phải có quá nhiều hồ sơ hành chính, cấp quản lý bắt ép nhà trường phải mua hồ sơ, tài liệu “ngoài luồng” còn khá phổ biến. Học sinh phải mua quần áo đồng phục đắt tiền vượt trên giá trị thật. Ở nhiều đô thị, trẻ em vẫn phải học viết, làm phép tính trước khi vào lớp 1...

Đó là thực tế vẫn còn tồn tại và trong năm học mới này, các cấp quản lý GD-ĐT sẽ tiếp tục phối hợp các ngành, đoàn thể tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra và sẽ xử lý nghiêm các vi phạm.

- Năm học 2014 - 2015 này, ngành giáo dục sẽ thực hiện phương án 1 kỳ thi THPT quốc gia để vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa cung cấp dữ liệu cho tuyển sinh ĐH-CĐ. Tuy ủng hộ nhưng xã hội vẫn thấy chưa yên tâm vì lo ngại tính trung thực của kỳ thi, Thứ trưởng có thể giải thích về điều này?

Thi cử lâu nay còn nghiêng về đo lường kết quả học được cái gì chứ chưa phải đánh giá học sinh vận dụng kiến thức như thế nào. Mặc dù kiến thức là cơ sở của năng lực nhưng kiến thức chưa phải là mục tiêu cuối cùng. Vì vậy, cần coi trọng đánh giá năng lực chứ không chỉ coi trọng kiến thức.

Đề thi phải đảm bảo học sinh nào giỏi sẽ làm bài tốt hơn, ai học yếu sẽ làm bài kém hơn. Vì vậy học sinh nên tập trung quan tâm làm sao để học tốt, không cần lo lắng nhiều về chuyện thi cử thế nào. Thời gian vừa qua, việc đánh giá chất lượng chưa coi trọng đánh giá quá trình dạy và học; chưa đánh giá các yếu tố đầu vào có ảnh hưởng đến quá trình dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục như thế nào mà chủ yếu chỉ là đo lường đầu ra. Vì vậy phải đổi mới thi cử, đổi mới đánh giá chất lượng giáo dục theo yêu cầu của Nghị quyết số 29 của Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT. Bộ sẽ tổ chức thành phần cán bộ coi thi, chấm thi gồm cả giảng viên trường đại học và sẽ thực hiện theo các cụm thi; giáo viên phổ thông không được coi thi, chấm thi học sinh trường mình. Giảng viên đại học cùng làm cán bộ coi thi, chấm thi thì tinh thần trách nhiệm cao hơn, tính khách quan của kỳ thi lớn hơn.

Bộ GD-ĐT hướng đến kỳ thi phải bảo đảm nghiêm túc, khách quan, công bằng, độ tin cậy của kết quả thi; bảo đảm tính liên tục của lộ trình đổi mới thi, chuyển dần từ yêu cầu kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực vận dụng kiến thức của người học; bảo đảm tính ổn định và phát triển, không gây xáo trộn lớn đối với giáo viên và học sinh.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!

PHAN THẢO (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục