Có thể áp dụng trong năm 2015

Vừa qua, Đại học Quốc gia TPHCM đã chủ trì buổi tọa đàm bàn về phương án tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ). Trong đó, nội dung chính được các chuyên gia tập trung phân tích các giải pháp, phương án cho việc tổ chức một kỳ thi quốc gia tốt nhất nhằm đạt 2 mục tiêu vừa đánh giá tốt nghiệp vừa làm căn cứ xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ.

Tiến tới một kỳ thi quốc gia

Vừa qua, Đại học Quốc gia TPHCM đã chủ trì buổi tọa đàm bàn về phương án tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ). Trong đó, nội dung chính được các chuyên gia tập trung phân tích các giải pháp, phương án cho việc tổ chức một kỳ thi quốc gia tốt nhất nhằm đạt 2 mục tiêu vừa đánh giá tốt nghiệp vừa làm căn cứ xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ.

Theo GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: “Tôi rất tâm đắc với chỉ đạo của Thủ tướng về việc cần tổ chức một kỳ thi chung từ năm 2015, không nên chần chừ nữa. Trước đây, lý do thường được nêu ra để phản đối việc hợp nhất 2 kỳ thi là mỗi kỳ thi có một mục tiêu khác nhau (để đánh giá đạt chuẩn tốt nghiệp phổ thông và để tuyển chọn vào đại học) nên không thể hợp nhất. Tuy nhiên, đây là lập luận hình thức vì thực tế 2 kỳ thi có cùng bản chất, đó là các đánh giá theo kết quả học tập nên có thể hợp nhất. Miễn thiết kế kỳ thi sao cho có phổ điểm trải rộng để có thể chọn mức điểm theo từng mục tiêu”.

Thực tế cho thấy, trong 3 phương án Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến của dư luận có sự nghịch lý: “Các trường ĐH chọn phương án 2 vì cho rằng tối ưu hơn nhưng Bộ GD-ĐT lại thích phương án 1 vì thực tế Bộ GD-ĐT chưa có cấu trúc lẫn khâu chuẩn bị phương án đề thi cho phương án 2”. Do đó, các ý kiến vẫn tập trung nhiều phân tích ở khâu kỹ thuật của đề thi. Theo GS Lâm Quang Thiệp, phương án 2 khoa học và tiến bộ hơn vì cho phép đánh giá bao quát chương trình phổ thông và giúp các trường ĐH dễ dàng dựa vào kết quả để xét tuyển. Nếu có, điều chỉnh phương án 2 chút ít sẽ hay hơn, như mọi thí sinh bắt buộc phải thi Toán và Ngữ văn, còn 3 môn sau cho phép họ chọn 2 hoặc thi cả 3 môn (đối với thí sinh có năng lực toàn diện và muốn có nhiều lựa chọn vào ĐH).

Ông Trần Phú Vinh, Trường ĐH Luật TPHCM, cho biết: “Nếu Bộ GD-ĐT tổ chức một kỳ thi chung quốc gia thì trường sẽ có phương án sơ tuyển khoảng 4.000 thí sinh, sau đó xét tuyển khoảng 1.500 đủ điều kiện vào trường để học. Cụ thể trường xét tuyển học bạ dựa trên kết quả THPT của 5 hoặc 6 học kỳ (chiếm 30% số điểm) của 3 năm học THPT, sau đó xét dựa trên kết quả kỳ thi chung (chiếm khoảng 70% số điểm). Ông Trần Ngọc Hỏi, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), nêu ý kiến: “Nếu thi tốt nghiệp phổ thông rồi mới đăng ký vào các trường ĐH thì cấu trúc đề thi phải thay đổi. Đề thi sẽ không còn thang điểm 10 mà có thể sẽ thay đổi thành phổ điểm 100 (rộng hơn) để các trường lựa chọn. Còn nếu tổ chức kỳ thi chung mà các trường ĐH vẫn tổ chức thi tuyển sinh nữa thì chẳng còn ý nghĩa gì. Do đó, theo tôi, kỳ thi chung quốc gia phải thay đổi cả về kỹ thuật và thật sự cải tiến về chất. Khi đó, phần đánh giá đạt tốt nghiệp THPT sẽ do Bộ GD-ĐT quyết định, còn việc dùng kết quả để chọn thí sinh là của các trường”. Chia sẻ thêm về ý kiến này, TS Trần Thế Hoàng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TPHCM, cho rằng: “Nếu phổ điểm thi tốt nghiệp THPT rộng thì mỗi trường hoàn toàn có thể lựa chọn một mức điểm để xét tuyển. Trong tương lai nếu Bộ GD-ĐT có sự phân cấp mạnh hơn nữa thì các trường sẽ có sự phối hợp, cụ thể là ĐH Quốc gia TPHCM, trong việc ra đề thi để dùng chung kết quả trong xét tuyển vào các trường”.

PGS-TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết: “Những ý kiến đóng góp của các chuyên gia sẽ được tập hợp và gửi Bộ GD-ĐT để hoàn thiện cho phương án chuẩn bị kỳ thi quốc gia”.

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục