Học sinh không nên quá lo lắng chuyện thi cử

- Phóng viên:
Học sinh không nên quá lo lắng chuyện thi cử

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố phương án 1 kỳ thi quốc gia tổ chức trong năm 2015 với mục đích “2 trong 1”: vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ để xét tuyển vào ĐH-CĐ, dư luận vẫn còn nhiều băn khoăn. Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) về những điểm mà dư luận đang quan tâm về kỳ thi này.

Học sinh không nên quá lo lắng chuyện thi cử ảnh 1

Ông Mai Văn Trinh

- Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, việc tổ chức kỳ thi quốc gia chưa chắc đã giảm áp lực, tiết kiệm mà có thể làm phát sinh tốn kém so với các kỳ thi hiện nay. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

>> Ông MAI VĂN TRINH: Trong kỳ thi THPT quốc gia, chúng tôi tổ chức 2 loại cụm thi. Thí sinh chỉ thi vì mục đích tốt nghiệp THPT thì chỉ cần dự thi ở địa phương. Còn thí sinh có nguyện vọng sử dụng kết quả thi với 2 mục đích phải di chuyển đến các cụm thi như tuyển sinh ĐH-CĐ những năm trước đây. Tuy nhiên, so với chi phí cần cho việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và 3 đợt thi ĐH-CĐ trước đây cùng với chi phí cho hàng triệu lượt dịch chuyển của thí sinh và người nhà mỗi mùa thi, thì tổng chi phí của kỳ thi THPT quốc gia sẽ giảm đi rất nhiều.

Đối với hầu hết thí sinh, từ năm 2014 trở về trước phải tham dự 2 kỳ thi liền nhau, đặc biệt kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ thì các thí sinh phải di chuyển rất xa đến các tỉnh/thành phố để dự thi. Năm nay, với việc chỉ tham dự 1 kỳ thi được tổ chức thành nhiều cụm thi sẽ giảm bớt nhiều chi phí cho thí sinh dự thi. Trước đây, nếu thí sinh tham dự cả 2 kỳ thi thì ít nhất phải làm bài với 7 lượt môn thi (gồm 4 môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp và 3 môn thi tuyển sinh ĐH hoặc CĐ); nhiều thí sinh tham dự 3 đợt thi với 10 lượt môn thi (gồm 4 môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp, 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 1 và 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 2); có những thí sinh tham dự tất cả 4 đợt thi với 13 lượt môn thi (gồm 4 môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp, 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 1, 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 2 và 3 môn thi trong đợt tuyển sinh CĐ). Nhưng trong kỳ thi THPT quốc gia mỗi thí sinh chỉ phải dự thi 4 môn thi tối thiểu, nhiều nhất là 8 môn thi và phổ biến sẽ là 5 hoặc 6 môn thi; với các thí sinh tự do (đã tốt nghiệp THPT từ 2014 về trước) thì số môn thi còn giảm đi, do vậy áp lực thi cử sẽ giảm đi rất nhiều. Thí sinh, gia đình và xã hội cũng sẽ giảm được chi phí cho kỳ thi.

Với kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT chỉ phải xây dựng một bộ đề thi chứ không phải xây dựng nhiều bộ đề thi như trước đây (ít nhất là 4 bộ đề thi cho kỳ thi tốt nghiệp và 3 đợt thi ĐH-CĐ) nên cũng sẽ giảm rất nhiều chi phí cho công tác này.

- Những thí sinh đăng ký dự thi tại cụm thi địa phương có còn cơ hội để vào học ở các trường ĐH-CĐ hay không, thưa ông?

Với các thí sinh chỉ đăng ký thi để xét công nhận tốt nghiệp, không có nguyện vọng lấy kết quả thi để dự tuyển vào các trường ĐH-CĐ các em sẽ thi ở cụm thi các địa phương, do các sở GD-ĐT chủ trì. Những thí sinh thi tại cụm thi địa phương chỉ thi 4 môn tối thiểu để xét tốt nghiệp THPT, nhưng các em vẫn có thể được xét tuyển vào ĐH-CĐ. Tuy nhiên, cơ hội sẽ hạn chế hơn, phụ thuộc vào quy định của các trường ĐH-CĐ. Do đó các em cần cân nhắc kỹ trước khi đăng ký tham dự kỳ thi phù hợp với nguyện vọng, năng lực cá nhân và điều kiện của gia đình.

Mặt khác, ngoài việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để làm căn cứ tuyển sinh, các trường ĐH-CĐ được quyền tuyển sinh riêng theo Đề án tuyển sinh của trường. Do đó, với các thí sinh dự thi tại các cụm thi địa phương vẫn có cơ hội để vào học ở các trường ĐH-CĐ không sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh. Các em cần theo dõi thông tin tuyển sinh của các trường (thông qua Đề án tuyển sinh riêng được các trường công bố rộng rãi) để tham gia tuyển sinh vào các trường này, tận dụng được những cơ hội để vào học tại các trường ĐH-CĐ phù hợp với nguyện vọng, năng lực cá nhân và điều kiện của gia đình.

- Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với nhiều giải pháp mới, trong khi chương trình giáo dục phổ thông lại vẫn như cũ. Phải chăng ở đây đang có sự mâu thuẫn? Và thực tế là học sinh, phụ huynh đang hoang mang?

Không có mâu thuẫn. Vì trong thực tế những năm qua, việc đổi mới thi cử đã bắt đầu có tác dụng nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học dù chương trình giáo dục vẫn là chương trình hiện hành. Ở kỳ thi nào, đề thi cũng phải dựa trên khảo sát kết quả học tập của đại trà học sinh để đảm bảo yêu cầu phân hóa được thí sinh, phải đảm bảo học sinh nào giỏi thì sẽ làm bài tốt hơn, ai học yếu thì sẽ làm bài kém hơn. Vì vậy, học sinh nên tập trung nỗ lực học tốt, không quá lo lắng về chuyện thi cử thế nào.

- Đề thi được thiết kế như thế nào để đạt được mục đích của kỳ thi và đánh giá được toàn diện thí sinh, thưa ông?

Đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia sẽ có định dạng tương tự đề thi tốt nghiệp THPT tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014 nhưng sẽ tăng các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở theo định hướng đánh giá năng lực của thí sinh.

- Một điều mà nhiều người cũng rất quan tâm và băn khoăn là liệu việc tổ chức một kỳ thi quốc gia chung sẽ mâu thuẫn và chồng chéo với Đề án tuyển sinh riêng của các trường ĐH-CĐ. Ông có thể giải thích rõ hơn?

Tự chủ trong tuyển sinh là quyền của các cơ sở giáo dục đại học được quy định trong Luật Giáo dục đại học. Điều quan trọng là phải tổ chức kỳ thi THPT quốc gia sao cho kết quả có sự phân hóa và độ tin cậy cao để nhiều trường ĐH-CĐ sử dụng trong tuyển sinh. Có thể những năm đầu chưa có nhiều cơ sở giáo dục ĐH sử dụng kết quả kỳ thi trong tuyển sinh, nhưng về lâu dài sẽ ngày càng có nhiều trường ĐH-CĐ sử dụng kết quả kỳ thi trong tuyển sinh. Chỉ khi đó, kỳ thi THPT quốc gia mới thực hiện được “sứ mệnh” của nó.

Với việc kế thừa, phát triển những gì tốt nhất của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức “3 chung” để tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, các trường ĐH-CĐ có cơ sở để yên tâm sử dụng kết quả kỳ thi vào tuyển sinh. Cùng với sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia, căn cứ vào đặc điểm của ngành đào tạo của trường, yêu cầu đặc thù của công tác tuyển chọn thí sinh vào trường, các cơ sở giáo dục ĐH có thể chủ động căn cứ quy chế tuyển sinh để sử dụng thêm các hình thức kiểm tra năng lực khác như: phỏng vấn, viết luận, kiểm tra năng khiếu… Còn đối với các trường không sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh thì sẽ thực hiện tuyển sinh riêng theo đề án tuyển sinh riêng của trường. Đây là việc các trường ĐH-CĐ thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh của mình theo Luật Giáo dục đại học. Như vậy, có thể thấy việc tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia chung hoàn toàn không mâu thuẫn và chồng chéo với Đề án tuyển sinh riêng của các trường ĐH-CĐ.

- Xin cảm ơn ông!

Đối với thí sinh, việc đăng ký dự tuyển sau khi đã có kết quả thi sẽ giúp các em tránh được rủi ro là đạt điểm cao nhưng vẫn có thể trượt ĐH như những năm trước đây, các em lựa chọn được những trường ĐH-CĐ phù hợp với năng lực của mình, đáp ứng tốt hơn tính đa dạng về ngành nghề của giáo dục đại học; cho phép các trường tuyển được các thí sinh có năng lực sát hơn với ngành nghề đào tạo.

LÂM NGUYÊN thực hiện

Tin cùng chuyên mục