Điều ước…

Giờ ra chơi tại phòng nghỉ dành cho giáo viên của Trường THCS X. Hai giáo viên chủ nhiệm, một lớp 6 và một lớp 8 đang ngồi nói chuyện với nhau.

- Cô A.: Lại sắp đến buổi họp phụ huynh học sinh đầu năm. Năm nào em cũng sợ nhất ngày này. Phần trao đổi với phụ huynh về nội quy trường lớp, thời khóa biểu, phương pháp giảng dạy chẳng ai thèm chú ý đến. Kêu gọi đóng góp ý kiến cũng chẳng ai thèm giơ tay. Vậy mà đến phần phổ biến các khoản thu, chừng ấy con người trong cái phòng học bé tí không đợi mời cứ nhao nhao cả lên. Nào là vì sao trường X, Y, Z không có khoản thu đó mà trường này lại có. Nào là đã gọi là tự nguyện sao bắt chúng tôi phải đóng một khoản giống nhau. Âu cũng là do lớp mới, trường mới nên phụ huynh có 1.001 thắc mắc. Họ đâu biết những câu hỏi đó năm nào chị em mình cũng phải nghe mòn tai, riết rồi ngay chính giáo viên chủ nhiệm cũng sợ họp phụ huynh.

- Cô B.: Em là giáo viên chủ nhiệm lớp đầu cấp nên khổ thế. Nhưng chị chủ nhiệm lớp 8 cũng chẳng sướng hơn. Không truy giáo viên những câu hỏi liên quan đến các khoản thu, phụ huynh các lớp giữa cấp lại có những lối hành xử khiến chị đôi lần phải bật khóc. Từ chuyện “hoàn cảnh gia đình tôi cô biết từ năm trước nên câu nệ chi chuyện ăn mặc cô ơi” khi giáo viên chủ nhiệm nhẹ nhàng góp ý về bộ trang phục nhàu nhĩ, thiếu trên, hụt dưới phụ huynh mặc trong buổi họp đầu năm (có sự tham gia của một số học sinh). Hoặc vài ba cú điện thoại có nội dung y chang nhau “Năm nào cũng họp. Cô cần tôi đóng những khoản gì thì nói. Mai tôi cho cháu nó cầm vô một cục đóng cho lẹ. Hơi sức đâu ngồi mất 2 - 3 giờ liền hả cô?”. 

Trong nhiều buổi họp hội đồng sư phạm, các cô đã nhiều lần bày tỏ ý kiến không nên gắn việc “thu đúng, thu đủ” các khoản đóng góp đầu năm vào nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm. Bởi suy cho cùng, giáo viên cũng chỉ thuần túy dạy học, không được đào tạo chuyên môn “đòi nợ”, càng không thể đánh mất đi hình ảnh thiêng liêng, kính trọng trong mắt học sinh. Nhưng hiệu trưởng cũng có trăm ngàn cái khó. Không nhờ giáo viên chủ nhiệm thu giúp thì biết nhờ cậy ai? Bởi nếu chỉ dựa vào tinh thần tự giác, liệu sẽ có mấy ai trong số những vị phụ huynh ăn mặc đàng hoàng, tươm tất kia một lần bước chân xuống phòng tài vụ. Nói như chia sẻ của một vị nguyên là hiệu trưởng một trường tiểu học có tiếng của TPHCM: Nếu như có một cơ quan nào đó đứng ra lo giùm các khoản chi phí, giáo viên chỉ việc toàn tâm trau dồi chuyên môn, hiệu trưởng không bị những hóa đơn tiền điện, tiền nước, thu mua thực phẩm, hóa chất, thuê bảo vệ (khi định biên không đủ) bám đuổi thì trường học sẽ trở nên thân thiện và đáng yêu vô cùng trong mắt phụ huynh. Song tiếc rằng đó chỉ là điều ước. Một điều ước dẫu biết là chính đáng nhưng những người trót “ăn cơm sư phạm” không biết khi nào mới có thể thực hiện…

ĐẶNG QUÂN

Tin cùng chuyên mục