Hàng trăm học sinh chưa được đi học

Đường xa, mất an toàn…

Phản đối sáp nhập trường ở Hà Tĩnh

Mặc dù năm học mới 2014-2015 đã diễn ra hơn 2 tuần, thế nhưng, hàng trăm em học sinh Trường Mầm non, Tiểu học, THCS ở xã Hương Bình, huyện miền núi Hương Khê và xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa được đến trường để học do các bậc phụ huynh kiên quyết phản đối chủ trương sáp nhập trường mới.

Đường xa, mất an toàn…

Cô Phan Thị Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hương Bình, lo lắng: “Năm học mới đã vào học hơn tuần lễ rồi, tình trạng học sinh các lớp không được cho đến trường nhiều sẽ ảnh hưởng đến các cháu. Đặc biệt năm nay học theo chương trình mới, nếu cứ đà này kéo dài thì thiệt thòi lớn nhất là con em của họ sẽ phải gánh chịu. Thời gian qua, nhà trường và chính quyền địa phương đã nỗ lực đến từng gia đình phụ huynh khuyên giải, vận động. Chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc để khuyên giải phụ huynh hiểu để không ảnh hưởng đến việc học tập của các em...”.

Bà Q. (người dân ở xóm Bình Minh, xã Hương Bình) cho biết, gia đình hiện có 3 người con đang học ở Trường Mầm non, Tiểu học và THCS ở Hương Bình. Lâu nay được học gần nhà, đi lại rất thuận tiện, nhất là về mùa mưa lũ, nay chuyển sang sáp nhập với Hòa Hải hoặc Phúc Đồng cách xa hơn 10km để học, đường xa, nguy hiểm, nhất là khi có mưa lũ.

Không riêng gì bà Q., rất nhiều bậc phụ huynh khác ở Hương Bình cũng biết, việc phản đối này là không đúng với chủ trương chung, nhưng họ vẫn không cho con em đến trường học. Từ trước ngày khai giảng cho đến nay họ đã kéo đến trước cổng Trường THCS Hương Bình dựng lán túc trực cả ngày lẫn đêm để phản đối việc sáp nhập trường.

Ông Hoàng Công Lý, Phó chủ tịch UBND huyện Hương Khê, cho biết, đề án sáp nhập các trường học là chủ trương chung của toàn tỉnh Hà Tĩnh. Huyện Hương Khê đã triển khai từ năm 2011, tới tháng 7-2014, Trường THCS Hương Bình là ngôi trường cuối cùng trong lộ trình. Lý do là trường chỉ còn 8 lớp học, theo dự báo đến năm 2020 cũng không thể tăng số lượng học sinh, nếu duy trì sẽ không phù hợp với quy mô trường theo quy hoạch của tỉnh. Với việc sáp nhập 247 học sinh, Trường THCS Hương Bình sẽ được lựa chọn chuyển sang một trong 2 Trường THCS Hòa Hải hoặc THCS Phúc Đồng đều ở trong huyện. Tuy nhiên, người dân vẫn không đồng tình với chủ trương này và cho con em nghỉ ở nhà với lý do nếu như con em họ học hết cấp 1, rồi cũng phải lên cấp 2, và khi đó cũng sẽ phải lặn lội đường xa để đến những ngôi trường kia, kết quả vẫn sẽ là nguy hiểm...

“Hiện các ngôi trường trong toàn huyện càng ngày càng ít học sinh, nên nhập trường là đúng, nếu để lại sẽ xảy ra tình trạng thừa giáo viên. Người dân cần hiểu và đồng thuận, huyện sẽ có những chính sách hỗ trợ, giúp đỡ cho những gia đình khó khăn để con em có thể tới trường một cách an toàn nhất…” - ông Hoàng Công Lý khẳng định.

Chưa nhận tiền đền bù cũng không cho con đến trường

 

Theo thống kê của Trường Mầm non Hương Bình, kể từ ngày khai giảng năm học mới đến nay, trung bình mỗi ngày chỉ có khoảng 25/215 học sinh đến trường học. Còn tại Trường Tiểu học Hương Bình có 28/255 học sinh và Trường THCS Hương Bình có từ 60-65/247 học sinh của trường tới cơ sở mới sáp nhập để học.

 

Tương tự huyện Hương Khê, tại huyện Kỳ Anh cũng đang xảy ra tình trạng phụ huynh kiên quyết không cho con em đến trường học. Trao đổi với báo chí, thầy Nguyễn Hữu Sum, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Kỳ Anh, cho biết, đến thời điểm này chỉ mới có 80/501 em học sinh Trường Tiểu học Kỳ Lợi và 52/286 em Trường THCS Kỳ Lợi vẫn chưa đến điểm trường mới khang trang ở khu tái định cư (TĐC) xã Kỳ Phương để học. Số học sinh chưa đến trường này là con em của 155 hộ dân (chủ yếu ở thôn Đông Yên) chưa nhận tiền đền bù, di dời về  khu TĐC.

Trước đó, để nhường chỗ cho các dự án trong Khu kinh tế Vũng Áng, toàn xã Kỳ Lợi có 1.235 hộ dân phải di dời về khu TĐC mới ở xã Kỳ Phương, công tác vận động người dân về nơi ở mới đã được thực hiện từ tháng 8-2013. Nhưng hiện còn 155 hộ dân vẫn chưa kiểm đếm, chưa nhận tiền đền bù nên đã gây sức ép với chính quyền địa phương bằng việc không cho con em lên học tập trên điểm vùng khu TĐC mới.

Trước tình trạng này, huyện Kỳ Anh đã nhiều lần chỉ đạo các trường cử cán bộ, giáo viên trực tiếp về tận từng hộ dân khuyên giải, vận động để các em có thể trở lại trường học. Đầu tháng 9-2014, UBND huyện Kỳ Anh đã quyết định trích kinh phí gần 100 triệu đồng/tháng hợp đồng thuê 2 ô tô đưa đón miễn phí 132 học sinh bậc tiểu học và THCS Kỳ Lợi đến những điểm trường mới. Mặc dù vậy, 132 học sinh vẫn chưa được bố mẹ đồng ý cho đến trường.

Vẫn biết rằng, việc thay đổi môi trường học và có thể đoạn đường đến trường xa hơn so với điểm trường cũ ít nhiều có ảnh hưởng đến tâm lý của các em học sinh, nhưng đó chỉ là những khó khăn trước mắt, chắc chắn sẽ khắc phục được. Không đồng thuận với việc sáp nhập trường bằng việc ngăn cản con em để gây sức ép, rồi tìm cách phản đối chủ trương của tỉnh và huyện như cách làm của nhiều phụ huynh ở Hương Bình, Kỳ Lợi… đã vô hình trung tước đi quyền lợi chính đáng được học tập của con em mình.

DƯƠNG QUANG - ĐỨC LÊ

Tin cùng chuyên mục