Tìm giải pháp cho một kỳ thi chung

Ngày 26-9, tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã chủ trì Hội nghị công tác tổ chức kỳ thi chung quốc gia năm 2015 với 2 mục tiêu: xét tốt nghiệp THPT và dùng kết quả xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Hơn 300 đại biểu đến từ các sở GD-ĐT và đại diện các trường ĐH, CĐ tại phía Nam đã tham dự và cùng “hiến kế” để giúp Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi thành công.
Tìm giải pháp cho một kỳ thi chung

Ngày 26-9, tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã chủ trì Hội nghị công tác tổ chức kỳ thi chung quốc gia năm 2015 với 2 mục tiêu: xét tốt nghiệp THPT và dùng kết quả xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Hơn 300 đại biểu đến từ các sở GD-ĐT và đại diện các trường ĐH, CĐ tại phía Nam đã tham dự và cùng “hiến kế” để giúp Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi thành công.

Sợ ảo

Tuy chủ trương tổ chức kỳ thi chung quốc gia đã được cả xã hội đồng thuận, nhưng đối với những người trong cuộc (những chuyên gia tuyển sinh ở các trường đại học) vẫn băn khoăn vì chưa có giải pháp cụ thể cho kỳ thi. PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: “Nếu cứ để thí sinh tự do trong việc in giấy báo điểm để tham gia xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ thì sẽ không khống chế được số lượng thí sinh ảo. Vì vậy, tôi cho rằng năm nay chưa nên cho phép thí sinh xét tuyển tự do, mà ràng buộc bằng việc chỉ nên cấp 3 giấy chứng nhận kết quả thi”. Theo đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai, năm 2015 số lượng thí sinh có thể dự thi sẽ tăng lên do không có sự hạn chế về đợt thi. Một thí sinh có thể dự thi vài ba khối thi và nếu mỗi khối thi thí sinh được cấp 3 giấy chứng nhận kết quả thì tỷ lệ hồ sơ ảo vào các trường sẽ tăng lên nhiều hơn nữa…

Giám thị Hội đồng thi Trường ĐH Sư phạm TPHCM kiểm tra phiếu báo danh thí sinh kỳ tuyển sinh ĐH 2014. Ảnh: MAI HẢI

Trước lo lắng của nhiều trường về số thí sinh ảo, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), khẳng định: “Việc cấp 3 hay 5 giấy chứng nhận kết quả thi là cách làm cũ, nay chúng ta phải tin học hóa việc này. Như vậy, thí sinh có thể tự do đăng ký online hoặc bằng bảng điểm”. Vấn đề này, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận nêu kết luận: “Tỷ lệ thí sinh ảo trong xét tuyển ở kỳ thi này phải tăng lên để công bằng hơn cho thí sinh và giúp các trường tuyển được thí sinh chất lượng hơn. Đặc biệt sẽ giúp thí sinh giải tỏa được uất ức điểm cao nhưng vẫn không đỗ ĐH như các năm trước. Trên tinh thần này, các trường phải chấp nhận vất vả hơn khi có nhiều thí sinh ảo trong khâu xét tuyển”.

Nhằm tránh sự xáo trộn và đảm bảo sự ổn định, công bằng cho thí sinh, ông Mai Văn Trinh lưu ý: “Khi xây dựng đề án tuyển sinh, các trường phải giữ khối thi truyền thống để phù hợp với sự chuẩn bị trước đó nhiều năm của thí sinh. Bên cạnh đó, các trường có thể đề xuất khối thi mới cho phù hợp với đặc thù từng ngành nghề trường. Mỗi khối thi phải đảm bảo có tối thiểu 3 môn, ít nhất trong đó phải có môn Toán hoặc Văn. Riêng với khối thi năng khiếu ít nhất phải sử dụng 1 môn văn hóa. Các trường có thể chọn môn chính và công bố với thí sinh. Đến nay đã có 40 trường ĐH, CĐ gửi về bộ đề án tuyển sinh riêng”.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Bộ cũng sẽ cân nhắc kỹ cách xác định ngưỡng tối thiểu đầu vào theo đề xuất từ các trường. Có thể xác định ngưỡng theo từng môn, theo tổng điểm hoặc xác định điểm liệt ở từng môn. Ngưỡng này phải đảm bảo được nguồn tuyển các trường, tránh tình trạng thí sinh có tổng điểm cao mà vẫn rớt ĐH vì điểm liệt có thể xảy ra”.

Nhiều tranh cãi về cụm thi

Có thể nói, cụm thi trong năm 2015 cũng là một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. TS Phan Ngọc Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai, cho rằng: “Bộ nên mở rộng cụm thi ra nhiều địa phương hơn là thu hẹp địa điểm thi để tránh học sinh phải di chuyển nhiều. Khi đó, các trường ĐH sẽ được tăng cường giám sát kỳ thi này nhằm đảm bảo nghiêm túc của kỳ thi”. Trong khi đó, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, cho biết: “Tôi không đồng tình việc mở rộng cụm thi ra nhiều địa phương với sự tham gia giám sát và tổ chức của các trường ĐH trên địa bàn đó. Bởi lẽ các trường này chưa có kinh nghiệm tổ chức thi. Nếu một khi kỳ thi tổ chức dễ dãi sẽ không đảm bảo chất lượng đầu vào cho các trường ĐH lớn”. Nhưng một đại biểu khác lại cho rằng: Cụm thi hoàn toàn có thể được tổ chức tại Đồng Nai chứ không nhất nhất chỉ ở TPHCM. Lúc đó, địa điểm thi tại Đồng Nai nhưng việc tổ chức thi có thể giao cho các trường ĐH tại TPHCM. Các trường này có thể gửi cán bộ coi thi để giám sát việc tổ chức thi.

Trước những tranh luận này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) chia sẻ: “Cụm thi sẽ được xây dựng phù hợp dựa trên nguồn lực của các trường ĐH và địa phương cũng như về địa lý để học trò có thể dự thi ở cự ly gần nhất. Thay vì phải di chuyển xa như kỳ thi ĐH những năm trước, cụm thi năm nay còn giúp giảm tải cho thí sinh”. Cũng theo ông Trinh, theo thống kê có khoảng 17% - 20% học sinh chỉ dự thi để xét tốt nghiệp không có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ. Nếu thực sự các địa phương khó khăn, Bộ GD-ĐT sẽ cân nhắc phối hợp với sở GD-ĐT để mở thêm một vài cụm thi địa phương. Ở các địa phương này sẽ được tăng cường thanh tra giám sát, đặc biệt là giám sát xã hội để tổ chức kỳ thi nghiêm túc. Nếu thực sự có thí sinh khó khăn không đi thi được thì sẽ có hỗ trợ xã hội hóa để giúp các thí sinh này đi thi. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng nói, bộ sẽ làm việc với địa phương để tính toán phương án cụ thể nhất, có thể không nhất thiết phải tập trung thí sinh để thi hết tại Hà Nội hoặc Cần Thơ rồi gây ra tình trạng quá tải.

Ngoài ra, Th.S Hứa Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM còn nêu những băn khoăn về các giải pháp kỹ thuật: Học sinh nộp hồ sơ ở đâu (cho cụm thi hay cho sở GD-ĐT)? Cụm thi in giấy báo dự thi hay các sở GD-ĐT?; dữ liệu phải đồng nhất, phần mềm phải thống nhất để các trường sử dụng để xét tuyển; đề thi của các môn phải thống nhất như Toán (khối A, B, D), Văn (khối C, D); sau khi có kết quả thì xét tuyển như thế nào?...

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục