Đổi mới nửa vời

Năm học 2014 - 2015, học sinh khối 12 là đối tượng phải chịu thử thách và bị tác động về tâm lý nhiều nhất trước những thay đổi liên tục về thi cử. Đầu tiên là lo lắng trước dự thảo 3 phương án về một kỳ thi quốc gia với mục đích hai trong một.

Năm học 2014 - 2015, học sinh khối 12 là đối tượng phải chịu thử thách và bị tác động về tâm lý nhiều nhất trước những thay đổi liên tục về thi cử. Đầu tiên là lo lắng trước dự thảo 3 phương án về một kỳ thi quốc gia với mục đích hai trong một.

Trước áp lực của dư luận xã hội và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD-ĐT đã chọn phương án 1 vì ít gây xáo trộn nhất, trong đó thí sinh phải thi 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ Văn và Ngoại ngữ) và 1 môn tự chọn. Dù còn nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí âu lo về môn thi thêm chưa được các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) công bố nhưng phương án này vẫn nhận được sự đồng thuận cao từ người học, giáo viên và cán bộ quản lý. Về phía các trường ĐH, CĐ, ngoài sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia để xét tuyển thì được trao quyền chọn môn thi tuyển sinh theo yêu cầu đào tạo riêng. Điều này đồng nghĩa với việc họ không bị trói buộc theo khối thi truyền thống.

Thế nhưng chưa kịp vui mừng trước công bố mới ban hành được 10 ngày, các trường ĐH, CĐ lại “bật ngửa”, trở tay không kịp. Bởi lẽ, Bộ GD-ĐT yêu cầu sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia để xét tuyển nhưng phải tuân thủ cách xác lập tổ hợp môn thi tương ứng với khối thi A, B, C, D đã thực hiện như những năm trước. Để thí sinh sớm có thông tin về tuyển sinh, bộ yêu cầu các trường ĐH, CĐ sớm công bố môn thi dùng để xét tuyển vào các ngành đào tạo trước ngày 15-10. Vì sao lại có phán quyết vội vàng này trong khi nhiều ý kiến tại hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ đều nêu kiến nghị trao quyền tự chủ quy định tổ hợp các môn thi để xét tuyển theo từng ngành đào tạo và nên “bỏ khối thi”? Lý giải thay đổi bất ngờ này, PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, cho rằng đó là để đảm bảo quyền lợi cho học sinh. Việc duy trì các tổ hợp môn thi theo khối thi truyền thống để xét tuyển sẽ không gây hoang mang, lo lắng cho thí sinh - vì học sinh đã chuẩn bị ôn thi theo khối từ khi bước vào bậc THPT. Tất nhiên, thông tin này sẽ khiến học sinh khối 12 thở phào nhẹ nhõm vì bớt đi gánh nặng tâm lý không biết môn dự thi ĐH sẽ là môn gì. Nhưng ngược lại nó lại thể hiện sự đổi mới nửa vời và “tước bớt” quyền tự chủ về chọn môn thi cần thiết phù hợp với yêu cầu đào tạo ngành nghề của các trường ĐH.

Đổi mới thi cử là cần thiết, nhưng việc đưa ra những quyết định cập rập, vội vàng, thậm chí bất nhất về tuyển sinh thể hiện cách làm thiếu khoa học, thiếu bài bản của Bộ GD-ĐT. Sự quyết đoán, nhanh chóng của bộ trước vấn đề thi cử hệ trọng liên quan đến số phận của hàng triệu học sinh và gia đình là cần thiết nhưng phải rõ ràng, nhất quán. Với phương án đổi mới thi cử như nêu trên, Bộ GD-ĐT vẫn chọn sự an toàn và chưa thực sự cầu thị, lắng nghe những ý kiến tâm huyết của các chuyên gia giáo dục, các vị thuyền trưởng của các trường ĐH. Gốc của vấn đề đổi mới thi cử nhằm giảm áp lực học hành, đánh giá đúng năng lực học tập của thí sinh. Như thế, thay vì siết chặt đầu vào bậc ĐH như đang làm, bộ nên mở rộng cánh cửa tuyển sinh và thắt chặt đầu ra, kiểm định chất lượng đào tạo đúng chuẩn. Có như vậy, đổi mới thi cử mới thực chất và sản phẩm giáo dục bậc ĐH đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động thời hội nhập quốc tế. Còn với cách làm thiếu chiến lược dài hơi, luẩn quẩn trong đường mòn và không dám trao quyền tự chủ về tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ như hiện nay thì đổi mới thi cử vẫn nửa vời, chưa thực sự tiếp cận chuẩn tiên tiến về kiểm định chất lượng đào tạo. Không những thế, sự chần chừ trong quyết sách đổi mới nội dung chương trình và sách giáo khoa theo hướng tiếp cận, hội nhập nền giáo dục tiên tiến cũng khiến dư luận hoài nghi. Tại sao Bộ GD-ĐT vẫn không muốn nhả miếng bánh làm sách giáo khoa? Vì sao không chọn phương án một chương trình khung nhiều bộ sách giáo khoa như mong đợi của xã hội? Ngoài sứ mệnh thiêng liêng “trồng người”, khai sáng cho thế hệ trẻ Việt Nam vươn lên làm giàu tri thức, hội nhập với thế giới, đổi mới giáo dục còn góp phần tạo dựng niềm tin cho xã hội. Vậy đến bao giờ học sinh mới bớt lo âu và yên tâm với sự nghiệp học hành, thi cử ổn định?

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục