Không chỉ là trách nhiệm

Tôi là phụ huynh có hai con đang học một trường tiểu học trên địa bàn quận Gò Vấp. Mới đây, con tôi bị ngộ độc thực phẩm (do thức ăn buổi sáng mua từ các gánh hàng rong trước cổng trường), bị mệt và đau bụng nên xin phép giáo viên cho về nhà uống thuốc, nghỉ ngơi. Sự việc sẽ không có gì đáng nói nếu như giáo viên sau khi đồng ý cho cháu vắng hai tiết cuối buổi học hôm đó gọi điện thoại thông báo với phụ huynh. Đằng này, con tôi sau khi tự mình đạp xe về nhà, do cháu không đem theo chìa khóa nên phải mượn nhờ điện thoại của người hàng xóm gọi điện cho tôi là mẹ cháu đang làm việc cách đó hơn 10km. Rất may cháu chỉ bị ngộ độc nhẹ và biết ngoan ngoãn đứng chờ cho đến khi mẹ về mở cửa, nhưng qua sự việc lần này khiến tôi vô cùng lo lắng.

Thứ nhất, tuy quãng đường từ trường và nhà chỉ hơn 1km và hàng ngày cháu vẫn một mình đạp xe hai lượt đi, về nhưng trong điều kiện sức khỏe không tốt, vì sao giáo viên chủ nhiệm không gọi điện thoại thông báo cho phụ huynh đến trường đón con mà lại chủ quan cho cháu tự đạp xe về nhà? Nếu chẳng may giữa đường con tôi ngất xỉu thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Thứ hai, cháu bị ngộ độc không phải từ thức ăn trong căn tin mà từ các gánh hàng rong bày bán trước cổng trường, về lý không thuộc trách nhiệm quản lý của nhà trường.

Tuy nhiên về mặt tình, nếu như nhà trường phối hợp tốt với các cơ quan chức năng xóa bỏ hàng rong trước cổng trường hoặc làm tốt công tác nhắc nhở, giáo dục học sinh ý thức không được tự ý mua thức ăn bày bán trước cổng trường thì con tôi đã không bị ngộ độc. Do đó, là một phụ huynh, tôi cảm thấy buồn trước cách hành xử có phần vô tình của giáo viên chủ nhiệm.

Chuyện của con khiến tôi chợt nhớ đến sự việc mới xảy ra cách đây không lâu, một học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Kim Đồng (quận 12) bị chết đuối dù đang trong tiết học bơi có sự giám sát của giáo viên bộ môn. Đành rằng nguyên nhân dẫn đến cái chết thương tâm đó là do học sinh này đã tự ý rời bỏ khu vực bơi dành cho trẻ em và di chuyển sang khu vực bơi dành cho người lớn. Ngay khi phát hiện cháu bị đuối nước, lực lượng cứu hộ của hồ bơi đã tiến hành các biện pháp sơ cấp cứu nhưng do bị ngạt nước khá lâu nên cháu không qua khỏi.

Câu hỏi được đặt ra là vai trò giám sát của giáo viên bộ môn ở đâu khi nhìn thấy học trò của mình di chuyển sang khu vực nguy hiểm (so với độ tuổi) mà không có bất kỳ sự can ngăn? Ở lứa tuổi 10, 11, các cháu chưa thể ý thức được hết mọi nguy hiểm, bất trắc sẽ xảy đến với mình nên cần có vai trò giám sát, nhắc nhở của người lớn. Không thể để khi sự việc xảy ra rồi, người lớn mới đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai?

Bởi vốn dĩ mối quan hệ thầy - trò cần nhiều hơn một sự phân định trách nhiệm, các giáo viên ngoài nhiệm vụ truyền đạt tri thức, kỹ năng sống cho các em còn cần có tấm lòng như một người cha, người mẹ, sẵn sàng dự báo và bảo vệ học trò của mình tránh khỏi mọi nguy hiểm. Đó mới là tất cả những gì xã hội và cha mẹ các em đang tin tưởng giao phó, kính trọng đặt lên đôi vai người thầy.

Nguyễn Thanh Thảo
(Phụ huynh có con đang học tại quận Gò Vấp)

Tin cùng chuyên mục