Đề án ngoại ngữ của Đại học Quốc gia TPHCM - Vượt những trở ngại

Đề án ngoại ngữ của Đại học Quốc gia TPHCM - Vượt những trở ngại

Sau 5 năm thực hiện Đề án Ngoại ngữ quốc gia của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), Đại học Quốc gia TPHCM đã từng bước hoàn thiện đề án cũng như xây dựng Trung tâm Khảo thí tiếng Anh  để đánh giá trình độ, năng lực ngoại ngữ của sinh viên. Trên cơ sở đó, Đại học Quốc gia TPHCM cũng mạnh dạn đề xuất Bộ GD-ĐT đánh giá và công nhận giá trị chứng chỉ ngoại ngữ (VNU-EPT) của Đại học Quốc gia trong toàn hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam, để tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên trên cả nước.

Trò yếu - thầy thiếu  

Nhằm giúp các cơ sở đào tạo đánh giá toàn diện 4 kỹ năng (nghe - nói - đọc - viết), Trung tâm Khảo thí tiếng Anh đã đưa ra những đánh giá từ kết quả của 52 kỳ thi khảo sát năng lực ngoại ngữ của Đại học Quốc gia TPHCM (VNU-EPT). Tổng cộng có 6.448 thí sinh dự thi. Trong đó, kỹ năng nghe và đọc đáp ứng được yêu cầu đầu vào của Đại học Quốc gia (trên 57% thí sinh đạt được); kỹ năng nói và phát âm rất hạn chế (đạt 51%); kỹ năng viết là yếu nhất (chỉ có 42% thí sinh đạt được). 

Trong khi đó, nếu xét theo kỳ thi đánh giá năng lực đầu vào của từng trường thì kết quả cũng đáng báo động. Trường Đại học Kinh tế - Luật có 3 kỳ thi với 3.037 sinh viên tham gia. Kết quả, gần 64% đạt trình độ A1-A2, chưa đáp ứng yêu cầu đầu vào tiếng Anh tăng cường; 25% đạt chuẩn đầu ra B1.2 theo khung năng lực ngoại ngữ của Đại học Quốc gia TPHCM. Trong đó, chỉ có 22% đạt điểm trung bình ở kỹ năng viết, 32% đạt kỹ năng nói.

Trò đã yếu, nhưng đội ngũ giảng dạy ngoại ngữ trong các cơ sở đào tạo của Đại học Quốc gia TPHCM cũng là vấn đề đáng báo động. Kết quả khảo sát đội ngũ giảng viên tiếng Anh tại 5 cơ sở đào tạo của Đại học Quốc gia TPHCM (gồm các trường đại học: Bách khoa, Kinh tế - Luật, Công nghệ Thông tin, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội và Nhân văn) năm 2013 cho thấy, có 179 giảng viên, nhưng chỉ có 60 là cơ hữu (chiếm 34%), thỉnh giảng 119 (chiếm 66%). Đến năm 2015, tình hình cũng không khá hơn khi số lượng tăng lên 241 giảng viên, nhưng cơ hữu chỉ còn 59 (chiếm 24%), thỉnh giảng 182 (chiếm 76%).

Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia TPHCM, những thách thức trong quá trình thực hiện đề án ngoại ngữ của đại học này là trình độ tiếng Anh đầu vào của sinh viên rất không đồng đều. Hơn nữa, số lượng giảng viên tiếng Anh cơ hữu chưa tương xứng với quy mô đào tạo, đồng thời các trường chưa có chính sách và chế độ hiệu quả để khuyến khích và yêu cầu giáo viên tiếng Anh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh. Bên cạnh đó, môi trường học tương tác - trực tuyến với sự hỗ trợ của nguồn học liệu kỹ thuật số chưa được thực hiện toàn diện. Quan trọng hơn là công tác đánh giá định kỳ năng lực tiếng Anh cho sinh viên chưa được thực hiện đầy đủ với tất cả sinh viên của Đại học Quốc gia TPHCM.

Chứng chỉ VNU-EPT sẽ có giá trị toàn quốc?

Theo PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, thực tế hàng năm, người học trên cả nước dành hàng chục tỷ đồng cho các kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ do các đơn vị nước ngoài tổ chức. Với tiềm năng của mình, ngành giáo dục Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng các chứng chỉ ngoại ngữ tương tự cho người học, tiết kiệm kinh phí cũng như tạo thuận lợi cho người học, đây là điều cần phải tính đến. 

Hiện nay, sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM có thể đăng ký thi kiểm tra đánh giá năng lực tiếng Anh do Trung tâm Khảo thí tiếng Anh tổ chức

Thực tế, Bộ GD-ĐT đã có ý tưởng xây dựng các trung tâm đánh giá năng lực ngoại ngữ tầm quốc gia, nhưng đến nay tình hình chưa tiến triển như mong đợi. Trước thực tế này, trong đề án tiếng Anh của mình, Đại học Quốc gia TPHCM đưa ra chủ trương thành lập một Trung tâm Khảo thí tiếng Anh, trước hết triển khai ý tưởng của bộ, mặt khác chủ động phục vụ cho việc đánh giá năng lực tiếng Anh của sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM cũng như toàn xã hội. Trung tâm Khảo thí tiếng Anh đã được thành lập vào giữa năm 2013 và đến nay đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, nhân lực. Hiện nay, mô hình khảo thí của Trung tâm Khảo thí tiếng Anh là theo chuẩn quốc tế (từ khung năng lực theo CEFR đến quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi, phương thức tổ chức thi, đội ngũ cán bộ chấm thi được huấn luyện, xây dựng sách hướng dẫn ôn tập, đánh giá trình độ 4 kỹ năng như các kỳ thi IELTS, TOEFL ...).

Cũng theo PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, nhằm tạo thuận lợi cho các trường trong hệ thống, Đại học Quốc gia sẽ hỗ trợ kinh phí giúp các cơ sở tạo điều kiện khuyến khích sinh viên tham gia kỳ thi kiểm tra, đánh giá năng lực theo chuẩn của Đại học Quốc gia TPHCM. Lệ phí thi là 500.000 đồng/thí sinh, sẽ được hỗ trợ và sinh viên thi miễn phí. Song song đó, Đại học Quốc gia TPHCM đã có những quy định sử dụng chứng chỉ VNU-EPT trong quá trình đào tạo đại học cũng như sau đại học. 

Theo Ban Đề án tiếng Anh của Đại học Quốc gia TPHCM, hiện nay Đại học Quốc gia thống nhất công nhận chứng chỉ VNU-EPT do Trung tâm Khảo thí tiếng Anh cấp, đồng thời công nhận các chứng chỉ quốc tế cấp cho sinh viên. Đại học Quốc gia TPHCM cũng đề nghị Bộ GD-ĐT (Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Ban Đề án ngoại ngữ quốc gia) công nhận giá trị của chứng chỉ VNU-EPT trong hệ thống giáo dục đại học.

Mục tiêu Đề án tiếng Anh của Đại học Quốc gia TPHCM đến năm 2020

Sinh viên tốt nghiệp từ khóa đào tạo năm 2013 trở đi đạt trình độ tối thiểu  B1.2 theo chứng chỉ VNU-EPT hoặc chứng chỉ quốc tế, quốc gia đánh giá 4 kỹ năng có trình độ tương đương. Triển khai chương trình tiếng Anh tăng cường cho tối thiểu 10% quy mô đào tạo vào năm 2013,  40% vào năm 2014, 60% vào năm 2015 và 100% vào năm 2016.

Đến năm 2015, tất cả các trường có phòng học tiếng Anh đạt chuẩn, 100% giảng viên tiếng Anh đạt chuẩn tiếng Anh, 100% giảng viên tiếng Anh có chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh quốc tế vào năm 2018.

Triển khai giảng dạy bằng tiếng Anh tối thiểu 2 học phần chuyên môn cho 50% sinh viên vào năm 2015, 60% vào năm 2016, 80% vào năm 2017 và 100% vào năm 2018.

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục