Sai hẹn

Quy chế kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 là điều mà các thầy cô giáo, học sinh đang rất nóng lòng mong đợi. Tuy nhiên đến nay, sau một thời gian lấy ý kiến góp ý, hoàn thiện thì quy chế vẫn chưa được Bộ GD-ĐT ban hành.

Trước đó, với sự “sốt ruột” của xã hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã “hứa” một cách chắc chắn là quy chế sẽ được ban hành chậm nhất ngày 10-2. Sau ngày 10-2, báo chí “săn tin” thì được lãnh đạo Bộ GD-ĐT cam kết sẽ ban hành trước tết. Tuy nhiên, cho đến chiều qua, 14-2, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã trả lời PV SGGP: Quy chế không kịp có trước tết. “Vì còn một số vấn đề bộ cần phải tiếp tục bàn thảo với các trường đại học, các địa phương để quy chế thực sự hoàn thiện, vì vậy sau tết, bộ mới ban hành quy chế. Tuy nhiên, chúng tôi hứa sẽ ban hành sớm”. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết.

Như vậy, Bộ GD-ĐT đã sai hẹn với các thí sinh, với các thầy cô giáo. Đây là điều rất đáng tiếc vì các em học sinh đang rất quan tâm đến quy chế này, bởi mùa thi năm 2015 với quá nhiều thay đổi nên không còn nhiều thời gian cho các em chuẩn bị. Việc chậm trễ này gây lúng túng cho học sinh, giáo viên, các trường trung học, đại học. Điều này đòi hỏi Bộ GD-ĐT ngay sau tết phải gấp rút hoàn thiện quy chế để công bố sớm cho thí sinh.

Trở lại với bản dự thảo quy chế kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, sau thời gian dài lấy ý kiến rộng rãi trong dư luận xã hội và Bộ GD-ĐT cũng đưa ra nhiều thay đổi, thì nay, theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, bản dự thảo mới nhất tiếp tục có nhiều điểm mới so với dự thảo trước đó. Cụ thể, ngày 15-4 hàng năm dự kiến là hạn cuối đăng ký dự thi (thay vì 1-4 như dự thảo trước đó). Ngoài ra, về vấn đề cụm thi - vốn gây nhiều băn khoăn nhất, thì Bộ GD-ĐT dự kiến tổ chức cụm thi liên tỉnh cho thí sinh của ít nhất 2 tỉnh; cụm thi tại tỉnh dành cho các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Cụm thi tỉnh chỉ được thành lập trong trường hợp có đề nghị của UBND tỉnh. Đối với những vùng đặc biệt khó khăn, Bộ GD-ĐT sẽ thống nhất với UBND tỉnh để đặt địa điểm thi phù hợp, tạo thuận lợi nhất cho các thí sinh này. Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ chủ trì cụm thi cho các trường đại học.

Như vậy, thay vì những tỉnh khó khăn như trước đây mới được tổ chức cụm thi tỉnh để xét tốt nghiệp, thì với dự thảo quy chế mới, UBND các tỉnh cứ có đề nghị sẽ được thành lập cụm thi tỉnh. Tuy nhiên, trao đổi với PV SGGP, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, ngay trong tuần sau tết, bộ sẽ tiếp tục họp với các địa phương về vấn đề cụm thi. “Các cụm thi liên tỉnh đương nhiên do các trường đại học chủ trì. Còn các cụm thi tại tỉnh, bộ cũng dự kiến giao cho các trường đại học tổ chức. Nhưng nếu có quá nhiều cụm thi tại tỉnh như đề xuất của các địa phương thì có thể các trường đại học chỉ tham gia giám sát việc tổ chức thi. Điều này phải chờ xem ý kiến của các tỉnh”, ông Ga cho biết.

Ngoài ra, theo dự thảo mới, điểm của bài thi tự luận và bài thi trắc nghiệm đều được quy về thang điểm 10 (thay vì điểm 20 như dự tính trước đó). Vì vậy, khi chấm thi theo thang điểm 10 với điểm lẻ đến 0,25; không quy tròn điểm. Đáng chú ý, do có sự thay đổi theo thang điểm 10 nên việc xét công nhận tốt nghiệp cũng có sự điều chỉnh. Những thí sinh đủ điều kiện dự thi, không bị kỷ luật từ mức hủy bài thi trở lên, không có bài thi nào từ 1 điểm trở xuống và có điểm xét tốt nghiệp quy định cho từng diện được công nhận tốt nghiệp gồm: Diện 1, từ 5 điểm trở lên đối với những thí sinh bình thường; diện 2, từ 4,75 điểm trở lên đối với thí sinh thuộc một trong những đối tượng chính sách; diện 3, từ 4,5 điểm trở lên đối với thí sinh thuộc một trong những đối tượng dân tộc thiểu số, vùng miền núi, hải đảo...

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục