Học kỹ năng ngày tết

Học kỹ năng ngày tết

Hòa trong không khí cả nước tưng bừng đón tết, các trường học cũng tổ chức nhiều hoạt động mừng xuân đa dạng về nội dung lẫn hình thức nhằm giúp học sinh hiểu hơn về ý nghĩa ngày tết cổ truyền của dân tộc, đồng thời qua đó tạo cơ hội cho các em được rèn luyện thêm kỹ năng sống. Tuy nhiên, mong ước của học sinh vẫn cần nhiều hơn thế…

Lồng ghép giáo dục kỹ năng sống

Đã thành thông lệ, mỗi năm đến dịp tết là các trường học trên địa bàn TPHCM lại nô nức tổ chức nhiều hoạt động mừng xuân có ý nghĩa cho học sinh và phụ huynh cùng tham gia. Bên cạnh các tiết mục văn nghệ, năm nay nhiều trường còn tổ chức các cuộc thi gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả, trang trí cây hoa ngày tết. Thu Trang, học sinh lớp 8, Trường THCS Hồng Bàng (quận 5 TPHCM) cho biết, vào mỗi dịp tết của các năm trước em chỉ biết phụ giúp ba mẹ vài việc lặt vặt trong nhà như quét dọn phòng, giặt giũ chăn màn. Năm nay sau khi tham gia các cuộc thi do nhà trường tổ chức, em đã biết phụ mẹ đổ gạo vào khuôn gói bánh, phụ ba lặt lá cây mai và nhờ chị gái bày em cho cách sắp xếp mâm ngũ quả. Tác phẩm đầu tay tuy không hoàn hảo nhưng qua đó đã giúp em học hỏi thêm được nhiều điều, trong đó có việc bày tỏ tình cảm với những người thân yêu trong gia đình thông qua cách phụ giúp nhau làm việc nhà”, Trang vui vẻ cho biết.

Học sinh nô nức tham gia các hoạt động mừng xuân.

Ở khía cạnh khác, hội xuân năm nay do Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4) tổ chức lại hướng đến việc giáo dục học sinh tinh thần tương thân tương ái, biết tiết kiệm và sẻ chia với những người có hoàn cảnh khó khăn. Bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, cho biết, năm nay trường tổ chức phong trào “Nuôi heo đất cùng bạn ăn tết”. Những món quà các em tham gia đóng góp tuy không có giá trị lớn về mặt vật chất nhưng lại vô cùng có ý nghĩa về tinh thần, giúp nhiều bạn có hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện ăn tết bên gia đình. Riêng tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4) năm nay với phương châm “xuân vui tươi, ấm áp, nghĩa tình”, học sinh được hòa mình vào không khí lễ hội xuân náo nhiệt với nhiều hoạt động vui tươi như bày bán ẩm thực, khu trò chơi dân gian, trang trí hoa ngày tết. Xuân Mai, học sinh lớp 11 của trường, cho biết: “Ngoài việc vui chơi hết mình, tụi em còn tham gia vào các hoạt động của ngày hội bằng sự đoàn kết và tinh thần đồng đội. Bởi nếu muốn gian hàng ẩm thực của lớp mình đoạt giải nhất hoặc chiến thắng các thử thách ở khu trò chơi dân gian, mọi người phải biết cách phối hợp cùng nhau, dẹp bỏ cái tôi vì lợi ích chung của tập thể”. Đó cũng chính là mục đích giáo dục tốt đẹp mà những người tổ chức đã hướng đến, giúp ngày hội mừng xuân trở thành hoạt động ngoại khóa bổ ích.

Mong ước của học sinh

Nhìn chung các trường đã có nhiều sáng tạo, đổi mới trong việc tổ chức các hoạt động cho học sinh vui tết. Tuy nhiên không phải nơi nào học sinh cũng có cơ hội tham gia những hoạt động mừng xuân giàu ý nghĩa như thế. Đặc biệt ở khu vực vùng sâu, vùng xa, tết gần như chỉ là dịp để các em làm thêm phụ giúp gia đình. Thậm chí có những trường ở ngay khu vực nội thành, do có diện tích sân chơi chật hẹp hoặc điều kiện kinh tế không cho phép nên học sinh chỉ biết đến không khí tết qua vài trò chơi sinh hoạt tại lớp, dăm ba cành mai treo ở cửa và vài mẩu chuyện kể của giáo viên. Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Phú Nhuận cho biết, nhiều khi thấy trường bạn tổ chức mừng xuân náo nhiệt ngẫm lại trường mình cũng không tránh khỏi cảm giác tủi thân. “Nhưng điều kiện không cho phép nên nhiều năm qua chúng tôi chỉ cố gắng đem đến cho học sinh không khí tết ấm cúng, mỗi giáo viên vận dụng sự khéo tay của mình tạo ra những món quà xuân nho nhỏ gởi đến các em như chút tấm lòng của người thầy”, vị này cho biết.

Từ thực tế đó, đã có không ít học sinh ở ngoại thành mơ ước được một lần tham dự không khí tết ở nội thành. Ngược lại, Thanh Nam, học sinh lớp 2, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4) lại có mơ ước hết sức dễ thương. Em nói: “Con đã được ba mẹ và thầy cô dạy nhiều về câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách”. Con cũng hiểu được phần nào sự thiếu thốn của các bạn học sinh nghèo thông qua các chương trình tivi và lời dạy của cô giáo. Nhưng con mong được một lần đến nhà thăm các bạn để được trò chuyện, tự tay chia sẻ cho các bạn từng gói bánh, cây viết chì con đã để dành”. Mơ ước của em khiến nhiều người lớn phải giật mình nhìn lại ý nghĩa thật sự của các hoạt động chào mừng tết ở trường học.

Chúng ta giáo dục các em tinh thần tương ái, nhưng lại có rất ít hoạt động đưa các em về những nơi còn khó khăn, thiếu thốn để các em được nghe tận tai, thấy tận mắt sự cơ cực của các bạn đồng trang lứa. Những kinh nghiệm gói bánh chưng, trang trí cây hoa ngày tết sẽ không có hiệu quả nếu khi về nhà, các em không có cơ hội được thực hành lại. Thay vào đó, chính sự trải nghiệm thực tế ở làng quê mới là cách giáo dục tốt nhất về tình yêu quê hương, đất nước, những giá trị truyền thống đáng tự hào của dân tộc. Nhưng để làm được điều đó cần có sự chung tay, góp sức của nhiều phía như nhà trường, phụ huynh và các cơ quan đoàn thể đóng trên địa bàn, trong đó vai trò “nhạc trưởng” của Sở GD-ĐT hết sức quan trọng.

MINH THƯ

Tin cùng chuyên mục