Tự chủ tài chính- Sức bật mới giáo dục đại học

Tự chủ tài chính- Sức bật mới giáo dục đại học

Nhu cầu bức bách

Việt Nam đầu tư đến 20% ngân sách quốc gia cho giáo dục (được xếp trong tốp 25 các quốc gia đầu tư lớn cho giáo dục) nhưng chất lượng giáo dục nói chung và giáo dục ĐH nói riêng của Việt Nam vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực và cả thế giới. Do đó, giải quyết được bài toán về tài chính là một trong các giải pháp quan trọng để tạo bước đột phá hiệu quả cho giáo dục ĐH.

GS Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, khẳng định: “Ngân sách nhà nước chỉ nên và chỉ có thể bao cấp thật tốt cho giáo dục từ tiểu học đến THPT. Ở giáo dục bậc cao, nếu có khả năng bao cấp, nhà nước hãy bao cấp thật đàng hoàng cho những cơ sở giáo dục ĐH công lập trọng điểm, đào tạo và cung cấp nguồn lực để vận hành hệ thống sản xuất như trong các lĩnh vực: sư phạm, y khoa, quản trị hành chính, khoa học cơ bản (tự nhiên, khoa học xã hội)... Các cơ sở giáo dục ĐH còn lại, nhà nước chỉ hỗ trợ đất đai, lãi suất vay vốn cho các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính cho những chương trình đào tạo - nghiên cứu theo đơn đặt hàng của nhà nước. Làm được điều này là thực hiện được điểm cốt lõi nhất của quyền tự chủ ĐH và chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải nhưng không hiệu quả như hiện nay…”.

Dưới góc độ một chuyên gia nghiên cứu về kinh tế giáo dục, GS Phạm Phụ, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) cho rằng: “Để có nguồn nhân lực trình độ cao có chất lượng trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, không thể không có cải cách tài chính trong giáo dục ĐH”.

Sinh viên khoa CN Sinh học Trường ĐH KHTN TPHCM thực tập trong phòng thí nghiệm tế bào gốc. Ảnh: MAI HẢI

Bước tiến thành công

Chủ trương tạo cơ chế tự chủ tài chính đã được ban hành trong Nghị Định 43/2006 của Chính phủ. Tuy nhiên, suốt từ đó đến nay mới chỉ có 6 trường được chọn thí điểm, như: ĐH Kinh tế TPHCM,  ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế Quốc dân… nhưng cũng không thành công do chưa thật sự “cởi trói” vì chỉ được tự chủ chi nhưng không được tự chủ thu.

Tuy nhiên, dù không được chọn mặt gửi vàng nhưng hiện có 2 trường ĐH công lập đã thành công trong việc tự chủ tài chính và đã thật sự tạo nên bước chuyển mình ngoạn mục khi hoàn toàn tự chủ xây dựng cơ sở vật chất, nội lực khoa học tăng cao, trả lương cao và thu hút được các nhà khoa học về nước.  Thành công này cũng là cơ sở để các trường tự tin khi thực hiện Nghị quyết 77.

PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế TPHCM - trường công lập hoàn toàn tự chủ tài chính đầu tiên của cả nước (ĐH Quốc gia TPHCM), cho biết: “Năm 2008, trường thực hiện tự chủ bắt đầu vận hành cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị định số 43 của Chính phủ và Thông tư số 71 của Bộ Tài chính. Tự chủ tài chính là một bước tiến thành công trong việc thúc đẩy trường phát triển và đã đạt được những kết quả tích cực, như: tăng thu nhập cho cán bộ giảng viên; thu hút được lực lượng cán bộ trẻ, có tài, trình độ cao được đào tạo từ nước ngoài đáp ứng yêu cầu cao của xã hội để thu hút được số lượng sinh viên. Năm 2007, số lượng giảng viên là 39 người với mức lương 9,31 triệu đồng/tháng/người nhưng đến 2014 là 164 giảng viên với mức lương 28,96 triệu đồng/tháng/người. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên đạt 60%”.

Cũng là một trường ĐH còn non trẻ so với các trường khác tại TPHCM, nhưng xuất phát điểm của trường đã hoạt động theo cơ chế tự thu, tự chi và lấy hiệu quả là mục tiêu hàng đầu, năm 2008 Trường ĐH Tôn Đức Thắng mạnh dạn xin cơ chế hoạt động theo mô hình trường công tự chủ tài chính hoàn toàn. Đến nay, trường đã hoàn toàn tự chủ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, các nhóm nghiên cứu khoa học… với tổng kinh phí đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng. Không chỉ thành công với cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu, hiện nay trường còn đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, như: xây dựng thành công 14 nhóm nghiên cứu (trong đó 2/3 trưởng nhóm nghiên cứu là các chuyên gia nước ngoài). Cuối năm 2014, nhóm nghiên cứu công nghệ hỗ trợ y tế của trường đã nghiên cứu thành công và được nhận Bằng sáng chế của Hoa Kỳ với đề tài “Thiết bị nâng vận chuyển bệnh nhân”.

Nghị quyết 77 của Chính phủ về việc thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập ban hành cuối năm 2014 nhằm thực hiện triệt để Nghị quyết 29 về “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo”.  Với nhiều điểm sáng tích cực và tăng tính tự chủ cao, Nghị quyết 77 thật sự tạo được động lực để nhiều cơ sở giáo dục ĐH mạnh dạn xin thực hiện tự chủ hoàn toàn tài chính nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu về nguồn nhân lực trình độ cao.

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục