Thực học

Cháu tôi là du học sinh chuẩn bị tốt nghiệp đại học tại một nước châu Âu. Trong email gởi về gia đình mới đây, cháu bộc bạch rằng: “Giá như ở bậc phổ thông con được học hai ngoại ngữ thì bây giờ cơ hội xin việc làm sau khi ra trường sẽ cao hơn rất nhiều. Kết quả học tập tốt cũng không sáng giá bằng việc hồ sơ có  hai ngoại ngữ trở lên. Trong khi sinh viên nước ngoài thông thạo ít nhất hai ngoại ngữ thì sinh viên Việt Nam lại yếu thế, chỉ biết duy nhất ngoại ngữ là tiếng Anh…”.

Cách đây khoảng 10 năm, gia đình anh chị tôi đã có ý thức đầu tư tiếng Anh cho con và dành khoản tiền không nhỏ cho con học ở những trung tâm ngoại ngữ có yếu tố nước ngoài. Nhờ vậy trình độ tiếng Anh của cháu rất khá, hết lớp 10 cháu đã lấy bằng IELTS 6.5 (tương đương trình độ B1) và hết lớp 12 lấy được bằng IELTS 7.0. So với mặt bằng chung về trình độ ngoại ngữ của học sinh phổ thông trung học thì kết quả này cũng không nhiều. Và điều đáng nói là trình độ này cũng cao hơn so với nhiều giáo viên dạy tiếng Anh bậc trung học phổ thông đang vật vã thi lấy bằng B1 mà chưa được.

Nhờ hành trang ngoại ngữ đạt chuẩn này, cháu dễ dàng hội nhập với giấc mơ du học và đạt kết quả học tập cao. Thế nhưng, khi hội nhập với nền giáo dục tiên tiến trên thế giới mới thấy hành trang ngoại ngữ, kỹ năng sống của học sinh Việt Nam thiếu hụt rất nhiều.

Thử hỏi hiện có bao nhiêu học sinh Việt Nam tốt nghiệp THPT có thể tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh lưu loát? Nếu học tiếng Anh tại trường và chỉ chú trong kỹ năng đọc, viết như hiện tại thì đến bao giờ học sinh, sinh viên có thể “thoát mù” ngoại ngữ? Như thế thành thạo một ngoại ngữ đã khó nói chi đến hai ngoại ngữ như học sinh nước ngoài.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản khuyến khích các cơ sở giáo dục dạy và học bằng tiếng nước ngoài xuất phát từ nhu cầu của xã hội và sự tự nguyện của người học. Đây là cơ sở để các trường học, trường ĐH, CĐ đẩy mạnh việc dạy học bằng ngoại ngữ dù gặp rất nhiều rào cản.

Ở TPHCM, một số trường phổ thông đang khởi động thí điểm dạy môn toán và khoa học bằng tiếng Anh. Dù có điều kiện tương đối thuận lợi và trình độ ngoại ngữ của học sinh, giáo viên ở TPHCM cũng khá hơn nhưng triển khai cũng không dễ.

Song song đó, TPHCM cũng mở rộng chủ trương cho phép xã hội hóa giờ thực hành giao tiếp tiếng Anh với người nước ngoài. Điều này góp phần tạo môi trường giao tiếp tiếng Anh chuẩn, tạo cơ hội cho học sinh nghe, nói với người bản ngữ. Dù có nhiều nỗ lực nhưng mong muốn học sinh TPHCM sau khi tốt nghiệp THPT thông thạo một ngoại ngữ cũng còn xa vời.

Ở các trường đại học, do đầu vào của sinh viên có trình độ ngoại ngữ thấp nên rất khó triển khai dạy chương trình tiên tiến liên kết với nước ngoài hoặc chương trình đào tạo chất lượng cao. Hơn nữa, trình độ ngoại ngữ của phần đông giảng viên cũng không đáp ứng yêu cầu thì làm sao có thể dạy sinh viên?

Thực tế này cho thấy, Bộ GD-ĐT phải có quyết sách đầu tư dạy ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên hiệu quả, tạo môi trường thực học và đạt chuẩn chứ không thể duy trì tình trạng học nhiều nhưng không thể giao tiếp, nghe nói như hiện nay. Sắp tới Việt Nam gia nhập cộng đồng ASEAN, nếu giới trẻ thiếu hành trang ngoại ngữ thì cơ hội cạnh tranh về việc làm sẽ co hẹp hơn, thách thức sẽ lớn hơn.

THIÊN HÒA

Tin cùng chuyên mục