Ngành giáo dục TPHCM - Dấu ấn tiên phong và thành quả “trồng người”

Nếu không có những cá nhân, tập thể dám “đứng mũi chịu sào”, khởi xướng nhiều sáng kiến, mô hình hay để nâng cao chất lượng giáo dục, từng bước hội nhập với nền giáo dục tiên tiến thì TPHCM không thể có được nhiều điểm sáng, niềm tự hào như hôm nay.
Ngành giáo dục TPHCM - Dấu ấn tiên phong và thành quả “trồng người”

Nếu không có những cá nhân, tập thể dám “đứng mũi chịu sào”, khởi xướng nhiều sáng kiến, mô hình hay để nâng cao chất lượng giáo dục, từng bước hội nhập với nền giáo dục tiên tiến thì TPHCM không thể có được nhiều điểm sáng, niềm tự hào như hôm nay.

Dám nghĩ, dám làm

“Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngành giáo dục TPHCM đối mặt với bề bộn khó khăn và sự chậm trễ về cấp phát tài chính, cấp nhỏ giọt dẫn đến thiếu thốn đủ thứ, trường lớp xuống cấp, dột nát, thiếu chỗ học nên học sinh phải học ca 3, ca 4. Do thiếu sách, vở nên phải dùng 1 quyển vở cho nhiều môn học và khi viết bài không dám chừa lề vì hao giấy…” - TS Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM nhớ lại.

Không thể nhìn học trò học tập trong điều kiện thiếu thốn và một số thầy cô giáo ngậm ngùi bỏ nghề hoặc phải bươn chải kiếm sống, ngành GD-ĐT TP đã tham mưu cho UBND TPHCM đẩy mạnh xây dựng trường lớp, có chế độ chính sách, phụ cấp giáo viên, cán bộ quản lý… Và từ sáng kiến “Năm giáo dục của TPHCM” vào năm 1996, TPHCM đã tập trung nguồn lực, ưu tiên phát triển giáo dục. Lúc đó, dù ngân sách TP còn eo hẹp nhưng lãnh đạo TPHCM đã quyết dành tỷ trọng 20% ngân sách để đầu tư cho giáo dục, mở rộng việc xây dựng trường lớp, đảm bảo chỗ học cho học sinh. Nhờ đó, tình trạng học ca 3, ca 4 không còn và mỗi năm có thêm hàng ngàn phòng học mới được đưa vào sử dụng. Những năm gần đây, thực hiện đề án quy hoạch mạng lưới trường lớp, đầu tư chuẩn hóa trang thiết bị dạy và học, mỗi năm có thêm hàng chục ngôi trường mới với 1.500 - 1.600 phòng học được khánh thành đã tạo thêm điểm nhấn cho bức tranh trường lớp chuẩn hóa, khang trang, hiện đại. Dù áp lực về chỗ học vẫn còn lớn, sĩ số lớp học vượt chuẩn nhiều nhưng TPHCM đã có 161 trường học từ mầm non đến THPT đạt chuẩn quốc gia: cơ sở vật chất khang trang hiện đại, chất lượng dạy học tốt và đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo hướng tiên tiến, hiện đại.

Song song đó, công tác phổ cập giáo dục cũng được TPHCM khởi xướng và hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học sớm nhất nước (năm 2002), là địa phương duy nhất hoàn thành phổ cập giáo dục phổ thông vào năm 2009 và mới đây, hoàn thành phổ cập giáo dục bậc mầm non cho trẻ 5 tuổi…

Học sinh tiểu học ở TPHCM thử sức làm phim tại cuộc thi ứng dụng công nghệ giáo dục mới.

Thí điểm chuẩn quốc tế

Luôn trăn trở, tìm hướng đi mới, tạo điều kiện cho học sinh TP được tiếp cận công nghệ giáo dục tiên tiến và hội nhập với môi trường giáo dục đạt chuẩn quốc tế, ngành GD-ĐT TPHCM đã mạnh dạn thí điểm nhiều phương pháp, chương trình dạy học tiên tiến. Có thể nói chương trình tiếng Anh tăng cường (TATC) thí điểm từ năm 1990 được xem là bước đột phá và tạo hiệu ứng, nền tảng học tiếng Anh hiệu quả cho học sinh TPHCM. Thầy Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM chia sẻ: “Lúc đó, nếu ngành GD-ĐT TP không quyết tâm vượt qua trở ngại, thách thức như đối đầu với dư luận, truyền thông và phải giải trình, chứng minh hiệu quả của việc dạy tiếng Anh từ lớp 1, thì bây giờ chương trình TATC không thể lan tỏa, được đánh giá cao về hiệu quả, chất lượng đào tạo”. Có thể nói, cùng với nỗ lực của phụ huynh, học sinh thì việc tạo môi trường dạy - học tiếng Anh đạt chuẩn ở TPHCM đã góp phần mang lại lợi thế cho học sinh TPHCM. Không phải ngẫu nhiên mà học sinh TPHCM đạt trình độ chuẩn tiếng Anh cao nhất cả nước và tỷ lệ học sinh đi du học khá cao.

Mở rộng tầm nhìn, TPHCM còn thực hiện thí điểm nhiều mô hình như trường học tiên tiến và bước đầu khẳng định sự thành công ở Trường THPT Lê Quý Đôn. Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải không chỉ đánh giá cao mà mong muốn nhân rộng mô hình này hơn nữa. Để giúp học sinh chuẩn bị hành trang hội nhập quốc tế, TPHCM cũng chủ động đưa chuẩn quốc tế vào dạy học sinh phổ thông ở môn tin học, tiếng Anh, dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh. Dù còn nhiều trở ngại, thách thức để chạm vào các mục tiêu đổi mới giáo dục thực sự, nhưng những gì lãnh đạo TP, ngành GD-ĐT TP đã làm cùng tâm huyết của đội ngũ thầy cô giáo qua các thời kỳ đã giúp các em có được nền tảng tri thức, hành trang kỹ năng sống tốt để vào đời.

Một điểm sáng cần được nhắc đến là việc nhân rộng phong trào nghiên cứu khoa học, gieo mầm sáng tạo cho học sinh ở các cấp học. Hướng tới việc dạy và học theo năng lực cá thể, sở trường, giúp học sinh tự tin, năng động, nhiều trường phổ thông phát triển mạnh câu lạc bộ đội nhóm học thuật, năng khiếu, nghiên cứu khoa học… Nhờ đó, học sinh TPHCM không chỉ tỏa sáng thành tích học tập mà còn giành nhiều giải thưởng tại các cuộc thi nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước.

Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, để thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29 của TƯ, TPHCM sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp đổi mới công tác quản lý giáo dục, nâng chất đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, tăng nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới cơ chế tài chính… Không chỉ mở rộng chương trình đưa cán bộ quản lý giáo dục đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, TP sẽ tạo điều kiện để các nhà giáo, chuyên gia nước ngoài, Việt kiều tham gia giảng dạy tại các trường học của TP. Tuy còn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trên con đường đổi mới, hội nhập nhưng với quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, ngành GD-ĐT TPHCM sẽ tiếp tục tỏa sáng, từng bước vươn tới mục tiêu phát triển giáo dục ngang tầm khu vực.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục