Giáo dục ở bậc mầm non - Cần làm gì để được khởi sắc?

Cả nước đang trong giai đoạn triển khai thực hiện Đề án đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có giáo dục mầm non (GDMN). Một trong những nhiệm vụ mới được đặt ra là nghiên cứu điều chỉnh chương trình GDMN cũ, vốn được áp dụng từ năm 2009 cho phù hợp hơn với tình hình thực tế, phát huy tối đa khả năng phát triển các năng lực sáng tạo của học sinh. Song để làm được điều đó đòi hỏi rất nhiều nỗ lực đổi mới của cả hệ thống sư phạm.
Giáo dục ở bậc mầm non - Cần làm gì để được khởi sắc?

Cả nước đang trong giai đoạn triển khai thực hiện Đề án đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có giáo dục mầm non (GDMN). Một trong những nhiệm vụ mới được đặt ra là nghiên cứu điều chỉnh chương trình GDMN cũ, vốn được áp dụng từ năm 2009 cho phù hợp hơn với tình hình thực tế, phát huy tối đa khả năng phát triển các năng lực sáng tạo của học sinh. Song để làm được điều đó đòi hỏi rất nhiều nỗ lực đổi mới của cả hệ thống sư phạm.

Thay đổi mục tiêu giáo dục

Báo cáo tại hội thảo khoa học quốc tế “Dạy toán ở trường mầm non” do Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM phối hợp 2 trường đại học Blaise Pascal và Joseph Fourier (Pháp) tổ chức mới đây, PGS-TS Lê Văn Tiến, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM, cho biết: “Chương trình GDMN năm 2008 ở Pháp và chương trình hiện hành ở Việt Nam khá giống nhau. Đó là đều nhấn mạnh mục tiêu chuẩn bị cho các bậc học cao hơn, cụ thể là vào lớp 1 cho trẻ mầm non.

Tuy nhiên, mới đây Pháp đã thay đổi quan niệm sư phạm trong thiết kế chương trình GDMN, cho rằng nhiệm vụ của bậc học này là tạo môi trường để trẻ chơi, học cách ứng xử trong cộng đồng và khơi dậy, phát triển các năng lực riêng của bản thân”.

Về phương pháp kiểm tra, đánh giá, ở Việt Nam đánh giá là sự đối chiếu khả năng của trẻ với các mục tiêu giáo dục đã được nêu ra trong chương trình. Trong khi đó ở Pháp lại coi trọng đánh giá quá trình đi lên và tiến bộ của học sinh so với chính bản thân mỗi đứa trẻ. Mặt khác, ở Việt Nam, chương trình nêu rõ phương pháp đánh giá, trong khi ở Pháp giao nhiệm vụ này cho giáo viên, mỗi trường mầm non có trách nhiệm tự xác định cách thức, phương pháp đánh giá học sinh phù hợp với thực tế đơn vị.

Đổi mới hoạt động giảng dạy là một trong những mục tiêu đang được đặt ra cho bậc mầm non.

Ở góc nhìn khác, trong bài tham luận “Dạy toán trong trường mầm non - Một góc nhìn thực tế”, tác giả Cao Thị Hồng Nhung, chuyên viên Vụ Giáo dục mầm non Bộ GD-ĐT cho biết, qua thực tế công tác thanh tra, kiểm tra thường niên các cơ sở giáo dục mầm non cho thấy hình thức kiểm tra thường là dự giờ một tiết dạy.

Cụ thể để làm tốt tiết dạy về toán, giáo viên phải lập kế hoạch thật chỉn chu, chuẩn bị đồ dùng công phu và hấp dẫn cũng như tiến hành dạy thử nhiều lần trên trẻ. Cuối cùng, tiết dạy được đánh giá tốt nhưng câu hỏi được đặt ra là trẻ nhận được gì mới từ tiết dạy đánh giá đó hay chỉ đơn thuần là diễn lại những gì đã được giáo viên cho thực hiện từ trước đó? Thêm vào đó, ở các cuộc thi giáo viên dạy giỏi hiện nay, hầu hết các giáo viên đều dự thi dưới hình thức tổ chức tiết dạy, rất ít và gần như không có giáo viên dự thi bằng các hoạt động chơi ngoài trời hay bất kỳ hoạt động nào khác trong ngày ngoài giờ học trên lớp.

Qua đó cho thấy, việc học toán nói riêng và nhiều hoạt động giáo dục khác ở trường mầm non nói chung đang vô tình bị “tiểu học hóa”. Trong khi đó, theo nhận xét của nhiều chuyên gia giáo dục, cần tạo cho trẻ mầm non môi trường sinh hoạt đúng với tính chất trẻ thơ hồn nhiên, tham gia vào các hoạt động một cách tự do và tự nguyện. Trong đó hoạt động vui chơi cần được đặt lên vai trò chủ đạo hàng đầu, làm kim chỉ nam cho việc lựa chọn hình thức, biện pháp và phương pháp giáo dục trẻ. 

Đổi mới phương thức tổ chức lớp học      

Đứng trước nhiều yêu cầu đổi mới từ thực tế, giảng viên Nguyễn Phương Thảo, Khoa GDMN, Trường ĐH Sài Gòn đề xuất thử nghiệm phương thức cải biên một số bài hát dân ca vào việc giảng dạy toán học ở trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi. Tác giả phân tích: “Trẻ mầm non rất thích hát dân ca và nghe hát dân ca khi chơi các trò chơi dân gian. Trong các bài hát dân ca được cải biên, viết lời mới thì đa phần người viết đều lồng ghép các câu chuyện vui tươi, nhẹ nhàng để giáo dục trẻ lòng yêu quê hương, đất nước.

Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều bài hát dân ca lồng ghép nội dung cung cấp cho trẻ các biểu tượng toán học”. Người viết đưa ra ví dụ về việc đặt lại lời cho bài hát Đi cấy (dân ca Thanh Hóa): “Xem mình có hình gì đây? Xem mình có hình gì đây? Có bốn cạnh dài, nhìn thấy giống nhau. Trông giống nhau, bốn cạnh bằng nhau, bốn cạnh bằng nhau. Giống một cửa sổ ở trên bức tường, ở trên bức tường, hình gì đây? Bạn ơi hãy đoán xem, đó là hình vuông”.

Th.S Trần Thị Hằng, Khoa GDMN Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM nhận định, hoạt động giáo dục ở bậc mầm non đánh giá cao vai trò tổ chức trò chơi trong việc cho trẻ làm quen với các biểu tượng hình dạng. Tuy nhiên, số lượng trò chơi hiện nay chưa nhiều, hình thức tổ chức còn đơn điệu, các điều kiện thực hiện trò chơi chưa đảm bảo như diện tích lớp học, sân trường chật, số lượng trẻ ở mỗi lớp khá đông, rất ít giáo viên có khả năng phát triển các trò chơi sẵn có hay thiết kế trò chơi mới phù hợp với điều kiện hoàn cảnh thực tế của lớp mình.

Trước thực tế đó, nhiều giáo viên đã kiến nghị Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu, bổ sung sách hướng dẫn tổ chức trò chơi, cách làm đồ dùng - đồ chơi, tuyển tập các trò chơi cho trẻ mẫu giáo cho giáo viên tham khảo. Ngoài ra cần mở thêm các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên, đẩy mạnh phong trào thi đua thiết kế trò chơi, đồ dùng - đồ chơi dạy trẻ và coi đây là một trong những tiêu chuẩn đánh giá chất lượng thi đua của giáo viên để khuyến khích các thầy cô không ngừng đổi mới, thường xuyên tìm tòi phương thức giảng dạy mới phù hợp với thực tế lớp học ở đơn vị mình. Chỉ khi làm được như thế, GDMN mới thật sự được khởi sắc.

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục