Bài 2: Tăng nguồn lực và tháo gỡ vướng mắc

Tốc độ xây trường học ở TPHCM trong 10 năm qua tăng thêm 1,2% - 1,5% nhưng cũng không theo kịp đà tăng dân số cơ học theo cấp số nhân - từ một TP chưa đến 2 triệu dân hồi mới giải phóng (1975)nay đã tăng đến khoảng 10 triệu người. Vì thế, áp lực về chỗ học vẫn chưa giảm nhiệt. Giải bài toán này như thế nào?
Bài 2: Tăng nguồn lực và tháo gỡ vướng mắc

Bước đột phá của Giáo dục TPHCM

Tốc độ xây trường học ở TPHCM trong 10 năm qua tăng thêm 1,2% - 1,5% nhưng cũng không theo kịp đà tăng dân số cơ học theo cấp số nhân - từ một TP chưa đến 2 triệu dân hồi mới giải phóng (1975)nay đã tăng đến khoảng 10 triệu người. Vì thế, áp lực về chỗ học vẫn chưa giảm nhiệt. Giải bài toán này như thế nào?

Trường THPT Phạm Văn Sáng, huyện Hóc Môn, mới khánh thành trong năm học 2014, tạo môi trường học đầy đủ tiện nghi cho học sinh vùng ngoại thành.

Hụt hơi với đà tăng dân số

Là một trong những địa bàn chịu sức “nóng” về tăng dân số cơ học (chỉ so với năm 2003, hiện tại tăng trên 110%), dù đẩy nhanh tiến độ xây trường mới, phòng học mới, ngành GD-ĐT Bình Tân, TPHCM, vẫn phải đối mặt với thực trạng thiếu chỗ học cục bộ. Do trường, lớp không xây kịp tốc độ tăng dân số nên các phường Bình Trị Đông, Bình Trị Đông A, Bình Trị Đông B, Bình Hưng Hòa A, Bình Hưng Hòa B và An Lạc… chưa thoát khỏi tình trạng thiếu chỗ học, khó thực hiện mục tiêu học sinh học 2 buổi/ngày. Riêng cấp học mầm non, việc phổ cập trẻ 5 tuổi vẫn chưa làm được vì vẫn còn 3 phường chưa có trường công lập. So với nhu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, giảm sĩ số lớp học, tăng thêm phòng chức năng, thực hành, trang bị thêm trang thiết bị dạy học đạt chuẩn… ở các cấp học thì rất cần đầu tư, cải tạo nâng cấp trường hiện hữu, xây mới và thay thế nhiều trường mầm non, tiểu học, THCS đã xuống cấp. Dự kiến đến năm 2020, quận Bình Tân cần tăng quy mô trường lớp (công lập và ngoài công lập) từ 121 trường lên gấp đôi, trong đó phòng học mới cần gần 2.000 phòng. Và để thực hiện mục tiêu đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh, tăng tỷ lệ học 2 buổi/ngày, quận phải đẩy mạnh hơn nữa đề án quy hoạch mạng lưới trường lớp gắn với định hướng phát triển chung. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất cần tháo gỡ chính là phải tạo quỹ đất sạch, giải tỏa, thu hồi mặt bằng và lập kế hoạch nguồn vốn phân kỳ ngắn hạn, dài hạn cho sự nghiệp “trồng người”.

Tương tự, ở quận Tân Phú, ông Tạ Tân, Trưởng phòng GD-ĐT quận, cũng trăn trở với thực trạng trên địa bàn còn thiếu trường, thiếu lớp nên khó thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo theo yêu cầu tiên tiến, hội nhập quốc tế. Theo  đó,  mỗi năm quận Tân Phú tăng thêm 1.000 - 2.000 học sinh nhưng 10 năm qua chỉ tạo thêm trên 500 chỗ học mới nên áp lực thiếu chỗ học vẫn nặng nề như đá tảng. Hiện tại, quận đã dành trên 21ha đất để xây trường học nhưng nhiều dự án bị “giậm chân tại chỗ” vì công trình chậm cấp vốn, tiến độ thu hồi đất chậm, kinh phí đền bù giải tỏa chưa sát thực tế…

“Lò nóng” chưa thể hạ nhiệt vì thiếu chỗ học phải kể đến quận 12. Sau khi tách khỏi huyện Hóc Môn, hiện tại quy mô học sinh của quận này tăng lên hơn 200%. Vì thế, suốt 10 năm qua, quận chỉ xây thêm được 29 trường học mới… có tác dụng cắt “cơn khát nước” giữa mùa nắng hạn chứ chưa thể giải quyết vấn đề. Theo Phòng GD-ĐT quận 12, các dự án xây dựng trường mới chậm như “rùa bò” do thiếu vốn, giải phóng mặt bằng quá lâu, trong khi đó, việc quy hoạch mở rộng mạng lưới trường học trong các dự án phát triển khu dân cư mới hầu như chưa được triển khai đồng bộ.

Không chỉ các địa bàn thuộc quận ven như  8, 12, Gò Vấp, Tân Phú và khu vực ngoại thành như huyện Nhà Bè, Hóc Môn… vấp phải rào cản thiếu quỹ đất sạch, thiếu nguồn vốn để mở rộng xây dựng trường lớp, mà các quận nội thành cũng gặp nhiều trở ngại về thực hiện chủ trương này. Do quỹ đất ở nội thành khan hiếm và được định giá là đất vàng nên các quận 1, 3, 5, 10, Phú Nhuận… muốn cải tạo, mở rộng diện tích đối với hàng chục ngôi trường nhỏ, lẻ, xuống cấp cũng đầy gian nan, vướng mắc. Vì thế, ước mơ xây thêm trường mới khang trang, đạt chuẩn ở khu vực nội thành là… xa vời. 

Tăng quy mô xây dựng trường, lớp

Dù có chất lượng đào tạo nổi bật, nhưng quận 1 chưa có trường nào đạt chuẩn quốc gia vì sĩ số lớp học không thể giảm trước nhu cầu luôn tăng. Vì thế, trong điều kiện có thể, quận chỉ đầu tư cải tạo, xây mới trường, lớp trên diện tích có sẵn. Riêng dự án mở rộng Trường THCS Nguyễn Du được “xới” lên từ nhiều năm qua nhưng vẫn chưa hoàn tất do việc hoán đổi đất ở gần trường để mở rộng diện tích cũng lắm gian nan. Và trong điều kiện eo hẹp, diện tích tính trên đầu học sinh thấp, ngôi trường có thương hiệu này không chỉ thiếu chỗ học, sân chơi mà luôn chịu “sức nóng” tăng  thêm chỗ học.

Tương tự, quận 3 cũng vấp phải “bức tường thành” về tạo quỹ đất, mặt bằng, nguồn kinh phí lớn đầu tư cho giáo dục. Và để có quỹ đất, mặt bằng  rộng đủ điều kiện xây trường học khang trang thì phải có nguồn nhà - đất để bán, hoán đổi… Thế nhưng, nhiều năm quanh quẩn với vướng mắc này, dù có những nỗ lực, tâm huyết, quận cũng không đủ sức đầu tư bài bản, cải tạo, nâng cấp và xây thêm trường, lớp mới khang trang, hiện đại như  kỳ vọng.

Để có nguồn quỹ đất dành cho phát triển giáo dục, TPHCM đã kiến nghị thu hồi hàng trăm dự án đất, bến bãi bỏ hoang hoặc sử dụng không hiệu quả của các công ty, đơn vị trực thuộc Trung ương đóng trên địa bàn TPHCM. Thế nhưng, lật giở từng dự án thu hồi mặt bằng thành công để xây trường học,  mới thấy công sức, tâm huyết của nhiều vị lãnh đạo cấp TP và các quận trong việc đồng hành, đeo bám mục tiêu đến cùng. Nhắc đến hành trình gian truân đòi lại mặt bằng để xây trường phải kể đến các công trình Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ quận 4, Trường THCS Lý Thánh Tông quận 8… 

Trên thực tế, chiếc phao cứu hộ - Quyết định 02 của UBND TPHCM - đã tạo động lực, đẩy nhanh tiến độ quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, tạo diện mạo mới, đầy sức sống cho bức tranh giáo dục ở TPHCM. Chỉ tính trong 5 năm trở lại đây (từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2015 - 2016), số lượng trường học ở các bậc học đã tăng thêm 564 trường (tăng 35%); số phòng học mới tăng gần 10.000 phòng (mỗi năm tăng thêm 1.800 phòng học). Đặc biệt, trong năm 2014, dù ngân sách gặp khó khăn nhưng TPHCM đã ưu tiên bố trí  kinh phí, chấp thuận chủ trương cho phép các quận, huyện xây thêm 152 công trình trường học trên địa bàn. Thế nhưng, nói như Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn, dù TP đã cố gắng dành mọi nguồn lực (chi 26% ngân sách) cho giáo dục, đẩy nhanh tiến độ xây thêm trường, lớp nhưng chúng ta vẫn “hụt hơi”, không theo kịp đà tăng dân số cơ học.

Chính vì thế, để thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó hướng tới mục tiêu giảm sĩ số lớp học theo quy định và tăng số học sinh học 2 buổi/ngày, rất cần sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành và quận, huyện. Ngoài đẩy mạnh hơn nữa đề án quy hoạch mạng lưới trường lớp đáp ứng nhu cầu học tập của người dân trên địa bàn, cần nhiều giải pháp đồng bộ, tháo gỡ những vướng mắc về kinh phí, thu hồi mặt bằng, tao quỹ đất sạch cho giáo dục một cách căn cơ. Để thực hiện các mục tiêu phát triển sự nghiệp giáo dục của TPHCM đến năm 2020, TP sẽ hoàn thiện cơ sở vật chất, tăng quy mô xây dựng trường, lớp và đạt 300 phòng học/10.000 dân ở độ tuổi 3 - 18

KHÁNH BÌNH

>> Bài 1: Chiếc “phao cứu sinh”

Tin cùng chuyên mục