Quận 10, TPHCM: Đề thi môn Văn lớp 9 chỉ khó hiểu hay… “đánh đố”?

HÀ KHÁNH

Sáng 22-4, đề thi học kỳ 2 của môn Văn lớp 9 do Phòng GD-ĐT quận 10 ra gây lo lắng cho thí sinh lẫn giáo viên. Cụ thể, ở phần 1, câu 1 của đề thi có câu hỏi  “Nguyễn Du viết: Cỏ non xanh tận chân trời/Cành lê trắng điểm một vài bông hoa. Nào phải để cho chúng ta biết cảnh mùa xuân ra sao mà thôi, hai câu thơ làm chúng ta rung động với cái đẹp lạ lùng mà tác giả đã nhìn thấy trong cảnh vật, rung động với cảnh thiên nhiên mỗi mùa xuân lại như tái sinh, tươi trẻ mãi, và cảm thấy trong lòng ta có những sự sống tươi trẻ luôn luôn tái sinh ấy”.

Đọc đoạn trích trên và thực hiện các yêu cầu sau:

a) Nêu tên tác giả tác phẩm;

b) Từ ý nghĩa của các cụm chủ vị “ta biết cảnh mùa xuân”, “chúng ta rung động với cái đẹp lạ lùng”, em hãy tìm các cụm từ thể hiện điều chúng ta có được từ văn học nghệ thuật (qua đôi câu thơ của thi hào Nguyễn Du).

Theo nhận định của một số chuyên viên môn Văn ở TPHCM và giáo viên dạy môn Ngữ văn lớp 9 thì đề Văn này không sai về kiến thức nhưng có lỗi kỹ thuật và câu hỏi đưa ra “tối nghĩa, không rõ ràng”.  Do vậy, nếu học sinh trả lời là tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du thì sẽ sai với đáp án của câu hỏi vì đây là tác phẩm Tiếng nói văn nghệ của nhà văn Nguyễn Đình Thi. Như thế, cách trích dẫn văn bản tác phẩm thể hiện sự mơ hồ, khó hiểu và nếu  không để ý kỹ dấu ngoặc kép học sinh sẽ  mắc “bẫy”, trả lời sai đáp án.

Cũng có ý kiến cho rằng câu hỏi tối nghĩa khiến học sinh khó hiểu hoặc hiểu sai cũng giống như “đánh đố” thí sinh vậy. Từ phản ánh bức xúc này, buổi chiều ngay sau khi kết thúc môn thi Ngữ Văn, Phòng GD-ĐT quận 10 đã họp khẩn với các tổ trưởng tổ Văn khối 9 của các trường THCS trên địa bàn quận để lắng nghe ý kiến phản hồi, góp ý về “trục trặc” này. Thừa nhận đề thi ở phần 1, câu 1 , nội dung câu hỏi tối nghĩa, không rõ ràng nên Phòng GD-ĐT quận 10 và tổ Văn của các trường THCS thống nhất điều chỉnh đáp áp theo hướng mở, linh hoạt, có lợi cho học sinh. Nghĩa là học sinh hiểu đúng phần nào thì được chấm điểm phần đó, chứ không áp theo khuôn của đáp án đã ban hành.

Kỳ thi học kỳ 2 đối với học sinh lớp 9 rất quan trọng, vì kết quả này là cơ sở xét tốt nghiệp bậc THCS và đăng ký dự tuyển vào lớp 10 trường chuyên, lớp chuyên, trường năng khiếu. Vì thế, việc ra đề thi không đánh giá đúng năng lực của học sinh sẽ làm các em thiệt thòi.

Chúng ta đang hướng tới mục tiêu đổi mới giáo dục, trong đó việc quan trọng tác động ngược trở lại quá trình dạy và học chính là khâu kiểm tra, đánh giá học sinh. Nếu đề thi môn Ngữ văn và các môn học khác vẫn ra theo hướng cũ, tối nghĩa, khó hiểu hay đánh đố học sinh thì không còn con đường nào khác phải học thêm, phải tìm đến nhà thầy cô để ôn luyện, học cách giải đề theo kiểu đánh đố, “gài bẫy” như hiện nay. Vậy ai làm khổ học sinh và bao giờ tư duy ra đề thi, kiểm tra mới thực sự đổi mới theo yêu cầu đặt ra?


HÀ KHÁNH

Tin cùng chuyên mục