Đột phá dạy và học tiếng Anh

Quyết tâm “nhóm lửa”…
Đột phá dạy và học tiếng Anh

Không chỉ tiên phong dạy tiếng Anh theo chuẩn, TPHCM đang mở rộng chương trình dạy song ngữ và ngoại ngữ thứ hai cho học sinh như tiếng Nhật, Đức, Tây Ban Nha…

Quyết tâm “nhóm lửa”…

Xuất phát từ nhu cầu bức bách phải thay đổi cách dạy và học tiếng Anh theo chuẩn, tạo nền tảng ngoại ngữ cho học sinh từ lớp 1, năm học 1998-1999, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1) triển khai thí điểm chương trình tăng cường tiếng Anh (TCTA) cho 2 lớp đầu tiên. Theo đó, sĩ số lớp học chỉ còn 35 học sinh, thời lượng học ngoại ngữ tăng lên 8 tiết/tuần và giáo viên đứng lớp phải có năng lực… Thời gian đầu thí điểm mô hình này, ngành GD-ĐT của thành phố phải đối mặt với nhiều trở ngại, kể cả phê phán của dư luận vì dạy tiếng Anh cho trẻ quá sớm khi tiếng Việt các em còn chưa rành. Hơn nữa, áp lực khảo sát đầu vào quá lớn so với chỉ tiêu hàng năm khiêm tốn, số trường tham gia dạy chương trình này còn ít cũng khiến dư luận phản ứng, lo ngại sự thiếu công bằng trong giáo dục.

Học sinh THCS tham gia hội thi hùng biện tiếng Anh do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức

Thế nhưng, nói như ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM, nếu thời điểm đó ngành không quyết tâm “nhóm lửa”, vượt qua nhiều rào cản để tạo môi trường dạy - học tiếng Anh tốt hơn thì đã không thể có được kết quả, sự đánh giá cao của Bộ GD-ĐT như hôm nay. Sau hơn 10 năm thí điểm, TPHCM đã lan tỏa ở hơn 1.000 lớp với trên 150 trường tiểu học công lập và những năm gần đây nó được mở rộng theo nhu cầu, khả năng tài chính của phụ huynh học sinh. Tuy còn nhiều khó khăn, trở ngại về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn và chưa thể mở đại trà chương trình TCTA như mong muốn, nhưng những gì mà ngành GD-ĐT TP dám khai thông cái mới, dám đối mặt với nhiều rào cản để cải thiện chất lượng dạy - học tiếng Anh thật đáng được ghi nhận. Nhờ sự đột phá, dám làm, dám chịu trách nhiệm này, TPHCM đã tạo được nền tảng, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho nhiều học sinh bậc tiểu học và THCS. Cùng với nỗ lực của ngành giáo dục, nhiều gia đình cũng đầu tư cho con cái học thêm tiếng Anh đạt chuẩn quốc tế ở các trung tâm ngoại ngữ có yếu tố nước ngoài. Nhờ vậy, mặt bằng trình độ ngoại ngữ của học sinh thành phố không ngừng cải thiện và được đánh giá cao nhất nước. Sau thành công của TPHCM, nhiều tỉnh, thành phố khác đã học tập mô hình TCTA mang lại hiệu quả này.

Nhìn vào những sân chơi thử sức và thi để lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế được tổ chức gần đây mới thấy sự hào hứng của học sinh và chất lượng học ngoại ngữ theo chuẩn mang lại hiệu ứng cao.

Mục tiêu tự tin hội nhập

 

* Những năm gần đây, Sở GD-ĐT TP đã đưa nhiều chương trình, phần mềm hỗ trợ dạy - học tiếng Anh theo chuẩn vào trường học như Phonic UK, Dynet, i-Learn… Song song đó, việc khuyến khích các trường thuê giáo viên bản ngữ đến dạy tiếng Anh cũng tạo môi trường thực hành, giao tiếp tiếng Anh theo chuẩn. Cùng với chương trình TCTA, chương trình tiếng Anh tự chọn, học môn Toán và Khoa học bằng tiếng Anh đã góp phần tạo cơ hội học ngoại ngữ, nâng cao trình độ tiếng Anh theo chuẩn của học sinh.

 

Hiểu rõ lợi ích học ngoại ngữ thời hội nhập quốc tế và chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu năm 2012, UBND TPHCM đã phê duyệt đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông, chuyên nghiệp giai đoạn 2011 đến 2020”, với tổng kinh phí khoảng 2.500 tỷ đồng. Ngoài xây dựng phòng học ngoại ngữ, trang thiết bị đạt chuẩn, đề án này chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo viên dạy tiếng Anh. Mục tiêu của đề án nhằm đổi mới toàn diện việc dạy và học tiếng Anh ở các cấp học, tạo điều kiện cho học sinh được học tiếng Anh chất lượng cao, tiếp cận chuẩn quốc tế; đến năm 2020, học sinh tốt nghiệp THPT có thể tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh.

Tuy vấp phải không ít khó khăn, trở ngại khi phải thực hiện chủ trương xã hội hóa, nhất là thí điểm tuyển giáo viên dạy tiếng Anh là người nước ngoài, nhưng đề án này cũng thể hiện tâm huyết của thành phố trong việc nâng cao chất lượng dạy tiếng Anh theo chuẩn. Theo Giám đốc Sở GD-ĐT TP Lê Hồng Sơn, ngành GD-ĐT sẽ tập trung nâng chuẩn trình độ cho đội ngũ giáo viên tiểu học ngang với THCS và mỗi năm học mới sẽ ưu tiên tuyển giáo viên tốt nghiệp ĐH Sư phạm, ngành Sư phạm tiếng Anh đạt chuẩn năng lực trình độ theo khung tham chiếu châu Âu đối với từng bậc học.

Không dừng ở đó, thực hiện chủ trương của UBND TP, từ năm học 2015-2016, TPHCM sẽ triển khai dạy chương trình tiếng Anh tích hợp cho học sinh đầu cấp gồm lớp 1, lớp 6 và lớp 10. Mục đích của chương trình này nhằm tạo cơ hội cho học sinh phổ thông nâng cao kiến thức các môn Toán, Khoa học bằng tiếng Anh và có thể thi lấy chứng chỉ quốc tế theo nhu cầu. Không chỉ trang bị hành trang ngoại ngữ tiếng Anh, thành phố còn chủ trương dạy thêm ngoại ngữ thứ hai cho học sinh. Ngoài triển khai chương trình song ngữ tiếng Pháp, tiếng Hoa, một số trường THCS còn dạy tiếng Nhật, tiếng Đức và chuẩn bị dạy thêm tiếng Tây Ban Nha trong năm học sắp tới.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP khẳng định: Việc nâng cao năng lực và giúp giáo viên thay đổi phương pháp dạy tiếng Anh theo chuẩn sẽ góp phần cải thiện chất lượng học ngoại ngữ của học sinh. Thành phố đang cố gắng tháo gỡ khó khăn về trường lớp, giảm sĩ số lớp học, tạo môi trường giao tiếp, thực hành tiếng Anh chuẩn để thực hiện mục tiêu mà đề án đặt ra. Nhìn lại quá trình phát triển, ngành GD-ĐT TP luôn vượt qua khó khăn, tìm tòi, thử nghiệm cái mới, cái hay để giúp học sinh tiếp cận với chuẩn quốc tế trong dạy và học ngoại ngữ, tin học. Nhờ hành trang ngoại ngữ, tin học đạt chuẩn, học sinh TPHCM có thể thích ứng, hội nhập nhanh với môi trường lao động ở khu vực và quốc tế.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục