Giáo dục tiểu học: Cần phát triển lâu bền, ổn định

Thông tư 30 sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, bên cạnh một số thành công, chuyển biến bước đầu về mặt nhận thức vẫn nhận được không ít phản ánh lo ngại, bức xúc của dư luận xã hội. Vì sao một chủ trương đổi mới dù được đánh giá là tích cực, tiến bộ vẫn vấp phải không ít khó khăn, trở ngại trong quá trình thực hiện? Chúng tôi đã tìm câu trả lời cho vấn đề này.
Giáo dục tiểu học: Cần phát triển lâu bền, ổn định

Thông tư 30 sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, bên cạnh một số thành công, chuyển biến bước đầu về mặt nhận thức vẫn nhận được không ít phản ánh lo ngại, bức xúc của dư luận xã hội. Vì sao một chủ trương đổi mới dù được đánh giá là tích cực, tiến bộ vẫn vấp phải không ít khó khăn, trở ngại trong quá trình thực hiện? Chúng tôi đã tìm câu trả lời cho vấn đề này.

Đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá cần gắn liền với đổi mới phương pháp giảng dạy, đào tạo và thay đổi chuẩn kỹ năng, kiến thức ở giáo viên.

90 năm vẫn… chạy tốt

Mới đây, báo cáo tại hội thảo “Xây dựng mô hình dạy đọc ở bậc tiểu học theo hướng tiếp cận năng lực người học”, PGS-TS Nguyễn Thị Hồng Nam, Khoa Sư phạm Trường Đại học Cần Thơ, cho biết mô hình giảng văn gồm 4 bước: giới thiệu tiểu sử, các trước tác của tác giả; nêu hoàn cảnh ra đời của tác phẩm; giới thiệu xuất xứ, đại ý và giảng giải ý tưởng, lời văn của tác phẩm đã được GS Dương Quảng Hàm giới thiệu trong cuốn “Quốc văn trích diễm”, xuất bản năm 1925. Đến nay, tức sau hơn 90 năm áp dụng, nhiều trường tiểu học ở Việt Nam vẫn tiếp tục sử dụng mô hình giảng dạy này vào các tiết dạy văn.

Điều này, theo PGS-TS Nguyễn Thị Hồng Nam, là một sự áp dụng một cách cứng nhắc và lạc hậu, tách rời hai khía cạnh nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm văn học, quá chú trọng vai trò giảng giải, truyền thụ kiến thức “một chiều” của giáo viên. Đa phần các đề kiểm tra, đề thi học kỳ hiện nay mới tập trung đánh giá năng lực học thuộc lòng hơn là năng lực đọc hiểu và tạo lập văn bản của học sinh.

Từ thực tế đó, PGS-TS Nguyễn Thị Hồng Nam kiến nghị trong dạy và học tiếng Việt không nên tách rời 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết thành các phân môn chính tả, tập đọc, tập viết, tập làm văn vì khiến học sinh mất đi cơ hội phát triển toàn diện nhờ vào việc phối hợp nhuần nhuyễn các kỹ năng.

Mới đây, sự ra đời của Thông tư 30 quy định về đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá ở bậc tiểu học đã hé mở một cái nhìn mới về yêu cầu đánh giá học sinh. Tuy nhiên, theo TS Hoàng Thị Tuyết, Khoa Giáo dục tiểu học ĐH Sư phạm TPHCM, quy trình, kỹ thuật và công cụ đánh giá hầu như chưa thay đổi theo hướng thay đổi mục tiêu, ngoại trừ việc đưa thêm một số biểu tượng mặt cười, mặt buồn vào việc ghi nhận xét cho học sinh.

TS Tuyết nhìn nhận: “Chính việc sử dụng các ngữ liệu quen thuộc (bài đã học, câu hỏi đã hỏi và trả lời) trong đánh giá người học khiến giáo viên hầu như chỉ có thể ghi nhận được kết quả ghi nhớ điều đã học của học sinh hơn là nhận ra sự tiến bộ của các em trong quá trình phát triển các kỹ năng”. Ngoài ra, kỹ thuật và công cụ đánh giá học sinh hiện nay vẫn xoay quanh các câu hỏi có sẵn trong sách giáo khoa (SGK), đại ý hoặc nguyên văn trả lời của giáo viên, trong khi nhiệm vụ duy nhất của người học chỉ là lặp lại đơn thuần kiến thức hoặc ghi nhớ theo hình thức học thuộc lòng.

Đổi mới là quá trình lâu dài, toàn diện

Qua thực tế triển khai và áp dụng Thông tư 30, Thạc sĩ Nguyễn Văn Phước, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Sơn Hà (quận 3) bày tỏ: “Giáo viên cần đưa ra được những lời nhận xét cụ thể, tránh chung chung theo kiểu: Em làm đúng, thực hiện tốt yêu cầu hoặc em cần chú ý hơn, cố gắng hơn… Những nhận xét đơn điệu, thiếu giá trị biểu cảm và nội dung hời hợt như vậy khó có thể giúp học sinh phấn khích hay biết rõ những hạn chế của mình để tập trung rèn luyện”.

Ngoài ra, theo Th.S Nguyễn Thị Vân Anh, Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận 1), sách giáo viên hiện nay là một tài liệu tham khảo hữu ích. Tuy nhiên, một thực trạng đang diễn ra là nhiều giáo viên đang phụ thuộc quá nhiều vào sách, biến “sách giáo khoa trở thành pháp lệnh, sách giáo viên là chiếc còng số tám” theo cách nói vui của thầy Hoàng Đức Huy, giáo viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 4. Chính việc các giáo viên vận dụng một cách máy móc các thiết kế bài dạy của sách giáo viên dẫn đến thực trạng các tiết học trở nên rập khuôn, dễ gây nhàm chán cho học sinh.  

Qua đó cho thấy yêu cầu đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá (thể hiện cụ thể qua Thông tư 30) đang là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách đặt ra ở bậc tiểu học. Tuy nhiên, nếu chỉ thực hiện đơn lẻ, tách rời các yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy, đào tạo và thay đổi chuẩn kỹ năng, kiến thức ở giáo viên, trong đó tăng cường tính chủ động, sáng tạo trong việc sử dụng các ngữ liệu dạy học thì quá trình đổi mới sẽ mất đi tính toàn diện.

Không thể phủ nhận hàng loạt nỗ lực đã và đang thực hiện của ngành giáo dục như triển khai mô hình trường học mới (VNEN), áp dụng các phương pháp dạy học tiên tiến, hiện đại như khăn phủ bàn, bản đồ tư duy, bàn tay nặn bột… nhưng về lâu dài cần có thêm một chiến lược phát triển toàn diện, có khả năng liên kết các “mắt xích” thành tố của môi trường giáo dục để cả con tàu phát triển lâu bền, ổn định.

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục