Tìm “thuyền trưởng” cho bậc mầm non

Mới đây, tại hội thảo khoa học “Phát triển đội ngũ giáo viên đáp ứng nhu cầu giáo dục mầm non tại TPHCM”, phó hiệu trưởng một đơn vị đào tạo sư phạm tại TPHCM cho biết, trong khoảng mấy năm trở lại đây, tình trạng thiếu đội ngũ cán bộ quản lý ở bậc mầm non, đặc biệt những cán bộ quản lý giỏi, được đào tạo đúng chuyên ngành mầm non đang ở mức báo động.

Mới đây, tại hội thảo khoa học “Phát triển đội ngũ giáo viên đáp ứng nhu cầu giáo dục mầm non tại TPHCM”, phó hiệu trưởng một đơn vị đào tạo sư phạm tại TPHCM cho biết, trong khoảng mấy năm trở lại đây, tình trạng thiếu đội ngũ cán bộ quản lý ở bậc mầm non, đặc biệt những cán bộ quản lý giỏi, được đào tạo đúng chuyên ngành mầm non đang ở mức báo động.

Đơn cử như cơ quan lãnh đạo nghiệp vụ cao nhất của ngành học này là Vụ Giáo dục mầm non (thuộc Bộ GD-ĐT), những người từng tốt nghiệp ngành học mầm non, đã có nhiều năm công tác trong ngành hiện nay đều về hưu hết. Phần lớn cơ cấu nhân sự của vụ ở thời điểm hiện tại đều là người tốt nghiệp các chuyên ngành đào tạo khác như tâm lý, địa lý, lịch sử… Bên cạnh đó, quy định hiện nay của các trường đại học, cao đẳng là tất cả trưởng khoa phải có trình độ tiến sĩ. Tuy nhiên, do không tìm ra người đáp ứng yêu cầu học hàm tiến sĩ chuyên ngành mầm non nên nhiều đơn vị phải điều người có trình độ tiến sĩ các chuyên ngành xã hội khác về làm trưởng khoa giáo dục mầm non. Vô hình trung điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của cả hệ thống, gây cản trở mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.

Trước đó, tại buổi làm việc giữa đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM với UBND quận 3, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận 3, cho biết, hiện nay trong nhiều cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, đội ngũ cán bộ quản lý thiếu hụt trầm trọng. Dù quy định yêu cầu tất cả các trường phải có một hiệu trưởng và hai phó hiệu trưởng làm công tác chuyên môn, nhưng trên thực tế nhiều nơi chỉ có một hiệu trưởng kiêm nhiệm luôn công tác của cả ban giám hiệu. Cá biệt có nơi hiệu trưởng nhận luôn công tác hỗ trợ giáo viên đứng lớp. Chính thực tế này đã khiến chất lượng chuyên môn nhiều nơi không đảm bảo, gây thiệt thòi quyền lợi của trẻ khi đến trường.

Qua đó cho thấy, tình trạng thiếu đội ngũ cán bộ quản lý đã thành hệ thống từ cấp trung ương đến các cơ sở ở địa phương. Trong đó công tác dự báo, chuẩn bị nhân sự các cấp của chúng ta hiện nay chưa thật sự tốt. Đã từng xảy ra nhiều chuyện “cười ra nước mắt” như cán bộ phụ trách công tác trẻ em ở phường nọ đi kiểm tra chất lượng hoạt động của các điểm giữ trẻ gia đình, do không có kiến thức chuyên môn về ngành học mầm non nên lẫn lộn hai nhóm thức ăn của trẻ trên 12 tháng và trẻ dưới 12 tháng tuổi. Từ đó ảnh hưởng đến độ chính xác trong việc đánh giá chất lượng hoạt động của điểm giữ trẻ. Đây là một thực tế nhiều năm qua đã được các sở, ngành cảnh báo nhưng vẫn chưa có biện pháp cải thiện.

Thiết nghĩ, để nâng cao chất lượng giáo dục ở bậc mầm non nói riêng và tất cả bậc học nói chung, một trong những nhiệm vụ đầu tiên là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý. Nhưng để làm được điều đó, cần có sự quyết liệt vào cuộc của nhiều cơ quan, đơn vị trong cả nước. Chỉ khi đào tạo được những người “thuyền trưởng” tốt, con tàu giáo dục mầm non mới phát huy hết sức mạnh và có những bước bứt phá riêng của nó.

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục