Đề Toán: 70% dễ, 30% khó, tính phân loại rất cao

Thái Bình: Một phụ huynh đã đột quỵ và tử vong khi đưa con đi thi
Đề Toán: 70% dễ, 30% khó, tính phân loại rất cao

- Gợi ý giải đề thi môn Toán

(SGGPO).- Sáng nay 1-7, trên 957.000 thí sinh cả nước bước vào ngày thi đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia. Buổi sáng thí sinh thi môn Toán, hình thức tự luận, 180 phút (bắt đầu làm bài từ 8 giờ và kết thúc lúc 11 giờ).

Thí sinh dự thi THPT Quốc gia tại Hội đồng thi Trường ĐH Công nghiệp TPHCM chuẩn bị thi môn Toán. Ảnh: MAI HẢI

Tại Hà Nội thời tiết đang nắng nóng đỉnh điểm, nên ngay từ 5 giờ sáng, nhiều phụ huynh đã đưa con đến điểm thi để tránh nắng. 7 giờ sáng, tại điểm thi Trường Học viện Hành chính quốc gia, thí sinh đã vào hết trong phòng thi, còn các bậc phụ huynh đứng chờ con đông nghẹt trước cổng trường.

Tại điểm thi ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, theo PGS.TS. Hoàng Minh Sơn, Phó Hiệu trưởng nhà trường, năm nay Trường ĐH Bách khoa được Bộ GD-ĐT giao chủ trì tổ chức cụm thi số 1 với tổng 15.386 thí sinh đăng ký dự thi. Cụm thi được tổ chức 4 điểm: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Xây dựng, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, ĐH Khoa học Tự nhiên. Riêng môn Toán, ĐH Bách khoa Hà Nội, 14.531 thí sinh dự thi môn Toán.

Theo quan sát của phóng viên, tại điểm thi ĐH Bách Khoa Hà Nội không có thí sinh đến muộn. Tuy nhiên, có một số thí sinh vẫn quên giấy tờ và buộc phải viết giấy cam đoan để được vào phòng thi. Theo quy chế, thí sinh đến muộn 15 phút sau khi tính giờ làm bài sẽ không được dự thi môn đó.

Phụ huynh đưa con đi thi tại Hà Nội. Ảnh: LÃ ANH

Năm nay kỳ thi xét cả tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH-CĐ, nếu phạm quy, thí sinh sẽ không chỉ mất cơ hội vào đại học mà cả cơ hội tốt nghiệp THPT. Vì vậy, trong ngày làm thủ tục dự thi 30-6, các giám thị đã đặc biệt lưu ý thí sinh về việc không mang những vật dụng trái quy định vào phòng thi. Tuy nhiên, sáng 1-7, vẫn có một số thí sinh mang điện thoại, túi vào phòng thi, buộc giám thị phải yêu cầu thí sinh mang ra ngoài.

Ông Kiều Xuân Thực, Ủy viên thường trực Hội đồng cụm thi số 3 - ĐH Công nghiệp cho biết, để bảo đảm tính nghiêm túc của kỳ thi, nhà trường đã huy động 900 viên chức, không sử dụng sinh viên năm cuối làm công tác coi thi THPT quốc gia. Lực lượng Công an quận Bắc Từ Liêm cũng được huy động bảo vệ vòng ngoài, tăng 1,5 lần sao với những năm trước đây. Còn tại cụm thi số 20 do ĐH Thái Nguyên chủ trì, ông Nguyên Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho biết, để đảm bảo an ninh, an toàn trong thi cử, giáo viên sẽ bốc thăm coi thi từng buổi một. 600 giáo viên được huy động chấm thi, trong đó một nửa là giáo viên phổ thông của 5 tỉnh có thí sinh dự thi, số còn lại là giảng viên đại học.

Từ 5 giờ sáng nay 1-7, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận dẫn đầu đoàn công tác Bộ GD-ĐT đã lên đường kiểm tra công tác tổ chức thi THPT quốc gia tại các điểm thi. Tại điểm thi Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh học sinh đưa con đi thi.

Tại đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, Bộ quan niệm bản thân kỳ thi cũng là hoạt động giáo dục quan trọng, nên phải tổ chức trung thực. Trung thực không phải chỉ để bảo đảm kết quả tin cậy mà cũng là cách để chúng ta dạy cho học sinh về sự trung thực, vượt lên trên bản thân mình. Thi không chỉ là để đánh giá đỗ - trượt mà là dịp để học sinh trải nghiệm một dấu mốc quan trọng trong đời các em. “Chúng ta dạy học sinh cách nào thì phải tổ chức cho các em thi cách đó; học gì thi nấy. Vừa phải đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy, vừa phải đổi mới thi cử”, Bộ trưởng nhấn mạnh.


* Thứ trưởng Bùi Văn Ga thị sát tình hình thi Cụm thi TPHCM

Tại TPHCM, gần 158.000 thí sinh của Cụm thi TPHCM bước vào ngày thi đầu tiên kỳ thi THPT Quốc gia 2015. Buổi sáng, 8 giờ bắt đầu thi môn Toán (thời gian làm bài 180 phút), buổi chiều, 14 giờ 30 bắt đầu thi môn tiếng Anh (90 phút). Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga dẫn đầu đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT tiến hành thị sát công tác tổ chức thi tại điểm thi thuộc Hội đồng thi Trường ĐH Sài Gòn và Trường ĐH Sư phạm TPHCM.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga hỏi thăm, động viên thí sinh trước giờ thi tại Trường ĐH Sài Gòn. Ảnh: Thanh Hùng

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bùi Văn Ga, công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT tại các cụm thi của TPHCM cũng như các tỉnh mà đoàn đã kiểm tra rất tốt. Cơ sở vật chất được chuẩn bị tốt, các địa phương cũng hỗ trợ tốt nhất cho thí sinh đi thi. Qua buổi thị sát sáng nay, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: “Phòng thi được bố trí hợp lý, thông thoáng, cán bộ coi thi cũng được tấp huấn kỹ và nắm rõ quy chế thi”. Dịp này, thứ trưởng cũng hỏi thăm, động viên và chúc các thí sinh tại các phòng thi làm bài tốt để vượt qua kỳ thi.

Thí sinh dự thi tại Hội đồng thi Trường ĐH Công nghiệp TPHCM tranh thủ ôn bài trước giờ thi môn Toán. Ảnh: Mai Hải

Trả lời thắc mắc của PV Báo SGGP về việc làm thế nào để giải quyết điều chỉnh các sai sót của thí sinh (lớn nhất là khu vực ưu tiên) trong ngày làm thủ tục dự thi vì trong phần mềm Bộ GD-ĐT không cập nhật được, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng: “Đúng là yêu cầu điều chỉnh sai sót của thí sinh trong ngày làm thủ tục dự thi rất nhiều. Hôm qua tôi đã chỉ đạo Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục làm việc đến 20 giờ để giúp các trường cập nhật điều chỉnh”.

Trước khi làm thủ tục điểm danh, bước vào phòng thi, đa số thí sinh tại điểm thi Trường ĐH Bách khoa TPHCM đều tỏ ra tự tin, chuẩn bị tâm thế tốt cho môn thi Toán đầu tiên. Thí sinh Nguyễn Đình Sơn (Trường THPT Trấn Biên TP Biên Hòa tỉnh Đồng Nai) cho biết: “Em cảm thấy tự tin và hy vọng mình làm bài tốt”. Tương tự nhóm thí sinh Trường THPT Tư thục Thái Bình TPHCM cũng cười rất tươi khi được phỏng vấn nhanh và cho biết: “Chúng em không cảm thấy lo lắng vì được ôn luyện kỹ lưỡng kiến thức. Khả năng đến đâu, sẽ làm bài đến đó”.

-----------------------------

TPHCM: Đang thi phải đưa đi cấp cứu vì đau ruột thừa

Trong buổi sáng thi môn Toán, có rất nhiều sự cố xảy ra với thí sinh. Tại Hội đồng thi Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, một thí sinh sau 2/3 thời gian làm bài thi thí sinh Đoàn Thị Quỳnh Như (Bình Dương) bị đau ruột thừa phải đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức. Được biết, thí sinh này trước khi đi thi đã bị viêm ruột thừa nhưng vẫn cố gắng đến trường thi bằng cách uống thuốc giảm đau. Tuy nhiên trong lúc làm bài thi, thí sinh này lên cơn đau bụng dữ dội đến mức không thể nhớ được số điện thoại của người thân nên nhà trường phải phân công bác sĩ của trường theo chăm lo cho thí sinh.

Cũng tại hội đồng thi này, có một thí sinh bị động kinh đã được nhân viên y tế của trường hỗ trợ nên vẫn tiếp tục làm bài thi. Ngoài ra, cán bộ coi thi đã phát hiện một thí sinh làm bài vào phần rọc phách (theo quy chế, thí sinh sẽ phải làm lại bài thi của mình).

Tại Hội đồng thi Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM có vài thí sinh bị tai nạn giao thông. Ngoài ra, theo thông tin của hội đồng thi này, thí sinh Nguyễn Huỳnh Phương Tuyền (23/11/1996) thi tại phòng thi 061 điểm thi 01B bị viêm gan, gia đình đã đưa đến điểm thi nhưng sau đó phải đi cấp cứu vì thí sinh đau không thể tham gia dự thi. Hội đồng thi Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM đã tư vấn cho gia đình đưa thí sinh đi cấp cứu tại bệnh viện cấp huyện trở lên vì thí sinh có học lực giỏi, theo quy chế thì có thể được xét đặc cách tốt nghiệp THPT.

Hà Nội: Sẵn sàng giúp thí sinh khi.. trở dạ

Cũng trong ngày 1-7, đại diện Hội đồng thi tại trường ĐH Luật Hà Nội thuộc cụm thi do trường ĐH Thủy Lợi chủ trì cho biết, tại cụm thi có một thí sinh mang bầu sắp sinh. Trong ngày làm thủ tục dự thi (30-6), gia đình có thông báo với Hội đồng thi dự kiến thai phụ sẽ sinh từ ngày 30-6 đến ngày 1-7. Tuy nhiên, ngày 1-7, thí sinh vẫn tham dự đầy đủ cả hai môn thi, chưa thấy dấu hiệu sắp sinh. Nhà trường đã bố trí phòng y tế trực, trạm y tế của trường cũng túc trực để xử lý kịp thời những trường hợp thí sinh gặp vấn đề về sức khỏe. Đối với thí sinh đang mang bầu mà trở dạ trong lúc dự thi thì trường cũng gọi xe cấp cứu vào viện để sinh.

Sáng 1-7, 1 thí sinh quê Sơn Tây (Hà Nội), cụm thi Đại học Công nghiệp Hà Nội đã phải nhập viện 198 vì đau bụng và không thể dự thi môn Toán. Buổi sáng, không thấy thí sinh đến dự thi nên Hội đồng thi đưa thí sinh vào danh sách vắng thi không lý do. Tuy nhiên, đến trưa, gia đình đưa thí sinh đến báo việc bị đau bụng phải nhập viện, không thể dự thi (thí sinh bị ngộ độc thực phẩm dẫn đến co thắt đường tiêu hóa). Hội đồng thi đã hướng dẫn thí sinh và người nhà làm thủ tục để xin xét đặc cách tốt nghiệp.

Thái Bình: Một phụ huynh đã đột quỵ và tử vong khi đưa con đi thi

Sáng 1-7, sau khi đưa con đi thi tại điểm thi Đại học Thái Bình, TP Thái Bình, một phụ huynh đã đột quỵ và tử vong trên đường đi cấp cứu. Tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình xác nhận, phụ huynh này (trú tại phường Trần Hưng Đạo, TP Thái Bình) đưa con đi thi bị tai biến mạch máu não. Dù đã được người dân đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong trên đường tới bệnh viện.

Gia Lai: Một phụ huynh bị ngã lầu khi đưa con ở trọ đi thi

Ngày 1-7, ông Vũ Xuân Bính (43 tuổi, trú tại huyện Đức Cơ, Gia Lai) vẫn đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai.

Mấy ngày trước, vợ chồng ông Bính dẫn con gái đến một nhà nghỉ trên đường Trần Quốc Toản, phường Yên Đỗ, TP Pleiku thuê phòng ở để đưa con đi thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2015. Khoảng 4 giờ 40 phút sáng ngày 1-7, người dân trong lúc đi tập thể dục đã phát hiện ông Bính nằm bên vũng máu dưới lề đường, cơ thể yếu ớt nên đưa ông đến bệnh viện cấp cứu.

Ghi nhận thực tế tại hiện trường cho thấy, cửa sổ lầu 2 nơi ông Bính thuê ở đã mở cửa. Cửa sổ trùng với vị trí ông Bính nằm dưới đất theo hướng thẳng đứng. Nhiều người cho rằng có thể ông Bính trượt chân nên bị té từ cửa sổ lầu 2 xuống đất.

Sáng cùng ngày, Cơ quan công an đã tổ chức khám nghiệm hiện trường để điều tra làm rõ.

Đắk Lắk: 255 thí sinh bỏ thi môn Toán

Theo báo cáo nhanh của cụm thi Đại học Tây Nguyên và cụm thi của Sở GD-ĐT tại Đắk Lắk, trong môn thi đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia sáng 1-7, có 255 thí sinh bỏ thi không lý do. Tại cụm thi Đại học Tây Nguyên, có 22.101 thí sinh tới dự thi môn Toán, vắng 168 thí sinh. Buổi thi diễn ra nghiêm túc, không có thí sinh nào vi phạm quy chế thi hoặc tới thi trễ. Tại cụm thi Sở GD-ĐT Đắk Lắk chủ trì, có 6.192 thí sinh dự thi, vắng 87 thí sinh và kỳ thi diễn ra nghiêm túc không có vi phạm.

Trong kỳ thi năm nay, tại cụm thi do Sở GD-ĐT Đắk Lắk chủ trì dành cho thí sinh chỉ đăng ký xét tốt nghiệp THPT có 6.249 hồ sơ đăng ký dự thi tại 15 điểm thi và Cụm thi số 30 Đại học Tây Nguyên là cụm thi liên tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông có 23.893 thí sinh dự thi (Đắk Lắk 19.232 thí sinh và Đắk Nông 4.661 thí sinh) tại 25 điểm thi, với 750 phòng thi.

VÕ PHÚC - CÔNG HOAN

------------------------------

Đề Toán: 70% dễ, 30% khó; tính phân loại rất cao

11 giờ trưa 1-7, thí sinh cả nước đã hoàn tất môn thi đầu tiên-môn Toán. Tuy nhiên, theo ghi nhận chung, tại nhiều điểm thi, nhiều thí sinh ra sớm, vì không thể làm hết bài.

Tại điểm thi trường Phan Đình Phùng, Hà Nội, (ĐH Sư Phạm chủ trì) đa số thí sinh được hỏi cho biết đề thi toán 10 câu thì các em chỉ làm “ngon lành” 6 câu, chỉ ít thí sinh làm được đến 8 - 9 câu, học sinh khá giỏi thì làm được nửa câu 9 với nửa câu 10.

Trong khi đó, tại điểm thi ĐH Bách Khoa Hà Nội, khá nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi sớm. Hầu hết các em cho biết, đề thi Toán khó hơn các năm trước, đặc  biệt phần hình học câu cuối là câu hỏi khó, có tính phân loại rất cao. Đa số thí sinh cho rằng, các em tự tin làm hết câu 7. Còn lại 3 câu cuối nhiều em bỏ trắng. Đó cũng là lý do nhiều em ra sớm, “vì có ở lại thêm cũng không làm được”.

Thí sinh  Đỗ Minh Chiến đến từ trường THPT Ngô Quyền, TP Nam Định cho biết, em đăng ký dự thi 4 môn: Toán, Văn, Anh, Địa để vừa công nhận tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học khối D. Đề Toán theo em tính chất phân loại câu, hầu hết chỉ làm đến câu 7, chỉ những bạn khá toán mới làm tiếp 3 câu còn lại.

Thí sinh Nguyễn Mai Phương, THPT Việt Nam Ba Lan - Hà Nội cho biết, đề toán có 3 câu cuối khó, “em chỉ làm hết 7 câu đầu rồi ra khỏi phòng thi sớm 10 phút”. Thí sinh Ngô Nam Phương, học sinh trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm, Hà Nội cho rằng, mốn làm tốt câu cuối, học sinh phải ôn tập những bài tập nâng cao, còn chỉ học trong sách giáo khoa không thể làm được. Đến từ trường chuyên THPT Lê Hồng Phong, Nam Định, thí sinh Trần Văn Hòa cho biết, em làm hết câu 9, còn câu 10 thì “bó tay”, vì rất khó, phải là học sinh đặc biệt xuất sắc môn Toán mới làm được.

Hầu hết thí sinh nhận đinh, đề thi năm nay khó hơn so với đề Toán khối A, B, D các năm, có câu phân loại dành cho học sinh giỏi.

Đề Toán: 70% dễ, 30% khó, tính phân loại rất cao ảnh 5

Thầy trò Trường THPT Ngọc Lâm tỉnh Đồng Nai trao đổi sau giờ thi môn Toán tại Hội đồng thi Trường ĐH Bách Khoa TPHCM. Ảnh: Mai Hải.

Tại TPHCM, ngay sau khi tiếng kẻng vừa vang lên báo hiệu giờ thi môn Toán kết thúc, hàng trăm phụ huynh đội nón, che nắng ở cổng trường ĐH Bách khoa TPHCM đã vỡ òa trong tiếng reo hò, vỗ tay. Tất cả đều hồi hộp, đổ dồn cặp mắt chờ đón sĩ tử thân yêu của mình bước ra. Nhóm thí sinh đầu tiên bước ra sớm nhất nở nụ cười tự tin vì kết quả làm bài khá tốt. Thí sinh Thành Luân, Trường THPT Hoàng Hoa Thám quận Bình Thạnh TPHCM cho biết: “Đề thi có tất cả 10 câu hỏi, vừa sức và có sự phân hóa rõ ràng theo học lực. Theo đó, bạn nào học trung bình thì chỉ có thể làm được 40%-50%, còn khá giỏi thì làm được khoảng 70%-80%. Riêng em làm được hơn 7 câu, còn 2 câu 9-10 khó nên không làm trọn”. Theo nhận định của nhiều thí sinh của Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến TPHCM, đề thi không quá khó và kiến thức tập trung chủ yếu ở lớp 12 nên thí sinh làm bài chắc tay. Thí sinh Quân Hà, Trường THPT Nguyễn Khuyến cho biết: “ Em làm được 8 /10 câu, còn hai câu cuối, ai có năng lực thực sự thì mới làm được”. 
 
Theo thầy Nguyễn Tấn Kiệt , giáo viên Toán trường THPT Nhân Việt, đề thi chiếm 60% cơ bản nằm ở các câu 1,2,3,4,5, 7. Nếu học sinh trung bình, tính toán khá 1 chút có thể dễ dàng đạt 5 điểm. Đề bám rất sát chương trình 12 ở 6 câu này và không đánh đố học sinh.
 
Câu 6 là chương trình 11 nhưng không quá khó với học sinh (có cập nhật thông tin thời sự dịch MERS -CoV). Câu đạt 8, 9, 10 điểm mang tính phân loại học sinh khá tốt. Đề khá phù hợp để xét tốt nghiệp cho học sinh. Còn riêng xét tuyển vào đại học tầm điểm phải mức trên 7 điểm và cạnh tranh từng 0.25 điểm trong khoảng điểm 6.5 đến 8.5.

Thi môn Toán: 22 thí sinh bị đình chỉ thi

Bộ GD-ĐT cho biết, tổng số thí sinh đăng ký dự thi môn toán là 959.703 em. Tuy nhiên, số thí sinh dự thi chỉ 947.018, chiếm tỷ lệ 98.68%

Cả  nước có 37 thí sinh bị kỷ luật khi thi môn Toán, trong đó khiển trách: 13; cảnh cáo: 2, đình chỉ 22. Không có cán bộ coi thi bị kỷ luật.

Đề Toán: 70% dễ, 30% khó, tính phân loại rất cao ảnh 6

PHAN THẢO - THANH HÙNG - KHÁNH BÌNH

- Thông tin liên quan:

>> Hơn 1 triệu thí sinh bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2015

Tin cùng chuyên mục