Môn thi thứ tư -Vật lý: Đề thi có tính phân hóa rõ ràng, học sinh nắm được cơ bản sẽ đủ điểm xét tốt nghiệp

(SGGPO).- Đúng 16 giờ chiều ngày 2-7, thí sinh kết thúc môn thi thứ tư -Vật lý. Tại TPHCM, theo nhận định của nhiều thí sinh đề có tính phân loại cao theo học lực và khó hơn năm trước.
Môn thi thứ tư -Vật lý: Đề thi có tính phân hóa rõ ràng, học sinh nắm được cơ bản sẽ đủ điểm xét tốt nghiệp

(SGGPO).- Đúng 16 giờ chiều ngày 2-7, thí sinh kết thúc môn thi thứ tư -Vật lý. Tại TPHCM, theo nhận định của nhiều thí sinh đề có tính phân loại cao theo học lực và khó hơn năm trước.

Nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến TPHCM thi tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền cho biết đề thi khó, sức học khá, giỏi, vững kiến thức ôn tập thì mới làm được 70%-80% và kiếm được 7-8 điểm . Với một số thí sinh ở Trường THPT tỉnh Đồng Nai thì cho rằng nhiều câu hỏi khó, đòi hỏi học sinh phải hiểu rõ bản chất vật lý các hiện tượng thì mới làm được.

Các thí sinh trao đổi bài sau khi kết thúc môn thi Vật Lý tại Trường Đại học Giao thông Vận tải. Ảnh Lã Anh

Theo Th.s Đào Kim Nguyễn Thụy Nam, Tổ trưởng tổ Vật Lý Trường THPT Nhân Việt, đề thi hay, bám sát yêu cầu cũng như đề thi thử của Bộ GD-ĐT. Thí sinh dễ dàng đạt được 5 - 6 điểm (30 câu cơ bản); còn học sinh khá, giỏi có thể làm được 7-8 điểm. Có khoảng 10 câu khó nằm ở các chương I (dao động cơ), chương II (sóng cơ), chương 3 (dòng điện xoay chiều). Vì thế, muốn đạt được 9-10 điểm phải có tư duy tốt, kiến thức vững. So với năm ngoái thì đề có tính phân hóa rõ ràng, học sinh nắm được cơ bản sẽ đủ điểm xét tốt nghiệp nhưng để xét điểm vào đại học các em phải nắm vững kiến thức và phải có tư duy tốt.

* Ngày thi thứ 2: số thí sinh vi phạm kỷ luật tăng đột biến

Bộ GD-ĐT vừa công bố về kết quả thi ngày 2-7. Theo đó, ở buổi thi môn Văn, có tổng số 928.949 thí sinh dự thi. Đặc biệt, trong buổi thi môn Văn, số thí sinh bị kỷ luật tăng đột biến, tới 320 em, trong đó khiển trách 9; cảnh cáo 13, đình chỉ 298.

Buổi chiều, thi môn vật lý, tổng số thí sinh dự thi là 463.182, số thí sinh bị kỷ luật chỉ có 14, em, tất cả 14 em này đều bị đình chỉ thi. Trong ngày thi 2-7, cả nước không có cán bộ coi thi nào bị kỷ luật.

11g trưa 2-7, thí sinh cả nước hoàn tất môn thi Văn. Đề thi Văn năm nay được đánh giá khá hay.

Môn thi thứ tư -Vật lý: Đề thi có tính phân hóa rõ ràng, học sinh nắm được cơ bản sẽ đủ điểm xét tốt nghiệp ảnh 2

Các thí sinh trong giờ thi môn Văn tại Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội. Ảnh Lã Anh

Phần 1, đọc – hiểu bao gồm 2 văn bản. Văn bản số 1 trích đoạn bài thơ “Hát về một hòn đảo” của tác giả Trần Đăng Khoa. Một trong những câu hỏi yêu cầu thí sinh chỉ ra đoạn thơ đã gợi cho anh/chị tình cảm gì đối với người lính đảo. Văn bản số 2 nêu vấn đề: Hội chứng vô cảm hay nói cách khác là căn bệnh trơ cảm xúc trước niềm vui, nỗi đau của người khác.

Phần làm văn (7 điểm), trong đó câu 3 điểm nêu: “Việc rèn luyện kỹ năng sống cũng cần thiết như việc rèn luyện kiến thức”. Câu 4 điểm trích đoạn Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu: “Cảm nhận của anh chị về người đàn bà làng chài trong đoạn trích. Từ đó bình luận ngắn gọn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người của tác giả”.

Theo ghi nhận chung, nhiều thí sinh đánh giá, đề thi môn Ngữ văn năm nay có cả kiến thức trên lớp và thực tế, dễ “ăn điểm” với có câu hỏi về người lính đảo, về hội chứng vô cảm và kỹ năng sống. Nhiều thí sinh ở điểm thi ĐH Bách Khoa (Hà Nội) khi ra khỏi phòng đều tỏ ra thích thú với đề thi văn năm nay. Một số thí sinh nhận xét, đề thi quá dài, kín 2 trang giấy, yêu cầu học sinh tổng hợp nhiều loại kiến thức, cả kiến thức học đường và trong cuộc sống. Nhưng phần lớn thí sinh nhận định đề văn hay, khá cơ bản, nhiều thí sinh làm được bài.

Nhiều thí sinh vui vẻ sau khi làm tốt bài thi môn Văn. Ảnh Lã Anh

Thí sinh Hoàng Mỹ Linh đến từ trường THPT Trần Phú, Hà Nội cho biết, bố cục và nội dung của đề rất hợp lý, vừa sức và có yếu tố thời sự trong mỗi câu. Nhìn chung đề thi nhẹ nhàng, không đánh đố thí sinh nên em làm khá tốt. Em thích nhất câu 1, nói về biển, đảo. Thêm một lần nữa chúng em thêm yêu, thêm tự hào và thêm phần trách nhiệm để bảo vệ quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam.

Thí sinh Đỗ Minh Dũng (Phủ Lý, Hà Nam) cũng chia sẻ, đề thi không gây khó khăn, không đánh đố học sinh; giúp phát huy tính sáng tạo của học sinh, không yêu cầu học sinh phải học thuộc lòng. Đề thi theo hướng mở. Câu nghị luận có sự kết hợp nghị luận văn học và nghị luận xã hội buộc thí sinh phải thể hiện tư tưởng tình cảm bản thân trước quan niệm sống vào bài. Cũng theo em, vì thi đại học khối A nên em tập trung cho môn Toán, Lý, Hóa.

Giám thị Nguyễn Thị Hương (giáo viên Văn trường THPT Quỳnh Lưu 2, Nghệ An), đang coi thi tại điểm thi ở huyện Đô Lương, Nghệ An nhận xét: Đề văn dễ viết, so với đề thi đại học các năm thì đề văn này dễ hơn.

Theo Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết – giáo viên trường THPT Chu Văn An, Hà Nội thì, đề văn hay, nội dung kiến thức và kỹ năng được kiểm tra trong đề vừa phù hợp với tâm thế, năng lực của học trò. Đề bài đáp ứng khả năng kiến thức cơ bản của các em; vừa cập nhật những yêu cầu của cuộc sống, lịch sử - xã hội, từ vấn đề biển đảo trong xúc cảm thiêng liêng máu thịt của người Việt, của những người chiến sĩ nơi đảo xa cho đến vấn đề cách sống trong xã hội thời hiện đại. Đề có khả năng phân hóa cao vì thế sẽ đáp ứng được đồng thời 2 yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia, đó là xét tốt nghiệp và tuyển chọn vào các trường đại học cao đẳng. Học sinh trung bình có thể trả lời được những câu 1, 2, 5, 6 phần đọc hiểu; có thể lý giải được ở mức độ nhận biết và thông hiểu đối với câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Học sinh khá và giỏi ngoài mức độ nhận biết và thông hiểu có thể trả lời sâu sắc ở mức độ vận dụng và vận dụng cao với cả 2 phần đọc hiểu và làm văn.

Tại điểm thi Trường ĐH Bách khoa TPHCM, nhiều thí sinh ra sớm hơn 15 đến 30 phút khi tiếng kẻng báo chấm dứt giờ thi lúc 11 giờ. Nhóm thí sinh Trường THPT Thái Bình nhận định đề thi hơi dài, sát chương trình ôn tập nhưng không dễ ăn điểm cao, nhất là ở phân làm văn ( 7 điểm). Thí sinh Thành An, Trường THPT Trần Văn Giàu cho rằng, câu 1 phần 2 dạng văn nghị luận xã hội về nêu ý kiến “ việc rèn luyện kỹ năng sống cũng cần thiết như tích lũy kiến thức” tuy không mới nhưng liên hệ thực tế, bày tỏ suy nghĩ sao cho hay cũng không dễ, đòi hỏi người học phải có kiến thức xã hội, trải nghiệm thực tế.

Tương tự, nhóm thí sinh Trường THPT Võ Thị Sáu TPHCM cũng cho rằng, đề văn năm nay sát chương trình ôn luyện, dễ hơn đề mẫu của Bộ nhưng không gây bất ngờ. Với một số thí sinh khác thì cho rằng phần đọc hiểu cũng dễ nhưng đạt điểm tối đa thì không dễ và đề thi nhìn chung có độ phân hóa cao, đúng trình độ, năng lực của học sinh. Vì thế, lấy điểm 5-6 thì không khó, còn cao hơn đòi hỏi thí sinh có năng lực, giỏi môn Ngữ văn.

Theo nhận xét của thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên môn Văn Trường THPT Bùi Thị Xuân TPHCM, đề thi Ngữ Văn năm nay tương đối dễ, không có nhiều bất ngờ. Về cơ bản, đề chính thức có cấu trúc và cách ra câu hỏi không khác so với đề minh hoạ mà Bộ giáo dục đã công bố vào tháng 3-2015. Câu đọc hiểu không làm khó thí sinh vì vấn đề đưa ra tương đối dễ dàng, mang tính thời sự. Với 8 câu hỏi nhỏ, học sinh có thể dễ dàng ẵm trọn 3 điểm. Một lần nữa vấn đề biển đảo được nhấn lại trong đề thi năm nay (năm ngoái đề tốt nghiệp THPT 2014 cũng ra về vấn đề biển Đông, còn năm nay là bài thơ của Trần Đăng Khoa về biển đảo.).

Nhìn chung đề thi thiết thực ở câu đọc hiểu và nghị luận xã hội. Riêng câu NLVH, nhiều giáo viên và học sinh chờ đợi dạng đề so sánh văn học, hoặc làm rõ một nhận định, một ý kiến bàn về tác phẩm thì không thấy. Đề thi chiếm trọn vẹn 2 trang giấy nhưng không gây khó khăn cho học sinh về mặt thời gian làm bài vì nội dung tương đối gọn gàng. Một thí sinh viết tốt có thể chỉ cần sử dụng 150 phút là có thể hoàn thành bài thi.Với đề này, một học sinh trung bình cũng có thể đạt điểm 6 trở lên.

 Cũng theo nhận xét của ThS Hồ Hoài Khanh, Giáo viên Ngữ văn Trường THPT Nhân Việt, đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2015 không nằm ngoài dự đoán của một số học sinh và giáo viên trong cả nước. Đề thi có bố cục chặt chẽ, hợp lí, đánh giá được khả năng và phân loại học sinh. Đề thi theo ma trận không khác nhiều so với đề thi mẫu mà Bộ GD-ĐT đã công bố trước đó. Tuy nhiên, đề thi quá dài có thể gây hoang mang cho thí sinh ngay từ lúc nhận đề thi.

Phan Thảo - Khánh Bình -Thanh Hùng

 >> Gợi ý giải môn Văn

>> Gợi ý giải môn Vật Lý

Tin cùng chuyên mục