Trên 150.000 thí sinh cả nước thi môn Sử

*Tuyên ngôn độc lập vào đề thi Sử
Trên 150.000 thí sinh cả nước thi môn Sử

*Tuyên ngôn độc lập vào đề thi Sử

(SGGPO). – 11g trưa 4-7, thí sinh đã hoàn tất môn thi Lịch sử. Đây là môn thi tự chọn, đăng ký môn thi này hầu hết là những thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào các ngành học khối C. Vì vậy, số thí sinh đăng ký thi sử không nhiều. Cả  nước chỉ có 153.688 thí sinh đăng ký thi sử. Như vậy, liên tiếp trong các năm gần đây, môn sử tiếp tục là môn thi được ít thí sinh lựa chọn nhất.

Trên 150.000 thí sinh cả nước thi môn Sử ảnh 1

Đa số thí sinh tại Trường ĐH Thủy lợi hoàn thành bài thi môn Sử sớm. Ảnh: Lã Anh


 Vì lượng thí sinh dự thi môn sử ít nên sáng nay, nhiều cụm thi chỉ còn một điểm thi. Những thí sinh thi sử được dồn về thi tại một hội đồng thi. Cụ thể, tại cụm thi của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, sáng nay chỉ có 1 Hội đồng với  có 1.601 thí sinh đăng ký thi môn Lịch sử, các điểm thi khác không có thí sinh thi. Tương tự, Học viện Nông nghiệp sáng nay cũng chỉ có một địa điểm dự thi duy nhất tại ngay trong Học viện. Hầu hết các thí sinh đều đã tập trung tại các điểm thi chính như Trường Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Thủy lợi, Đại học Sư phạm. Hầu như không còn các điểm thi lẻ như những môn trước đó. Số lượng người nhà đứng ngoài cổng trường chờ thí sinh cũng vắng dần.

Cũng vì các cụm thi phải dồn điểm thi nên nhiều thí sinh khá bỡ ngỡ. Nhiều em đã đến từ rất sớm để nhận diện chắc chắn phòng thi của mình. Có trường hợp sát giờ đóng cổng trường vẫn có thí sinh xin phép đi vào vì lạc đường. Theo ghi nhận trước cổng trường Đại học Thủy lợi, có một số em bị mất thẻ dự thi và xin viết cam kết bên cạnh việc xuất trình chứng minh nhân dân. Hội đồng thi đã chấp nhận và tạo điều kiện cho những em này tiếp tục dự thi. Đáng  chú ý, sau những ngày nắng nóng cao độ, thời tiết Hà Nội hôm nay đã dịu mát hơn những hôm trước.

Kết thúc môn sử, nhiều thí sinh nhận xét đề thi hay, không quá khó, thí sinh làm bài tốt. Thí sinh Ngọc Anh – học sinh Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) – xét tuyển đại học khối D nhưng chọn lịch sử là môn thi tốt nghiệp: “Đề thi rất hay, không hề yêu cầu thí sinh học thuộc, ghi nhớ các sự kiện Lịch sử. Kiến thức trong sách giáo khoa chỉ là nền tảng, là cơ sở để từ đó chúng em phát triển bài làm. Do đó, đề thi khá dài nhưng khi làm lại nhẹ nhàng vì chủ yếu những kiến thức viết ra là hiểu biết của bản thân”. Thí sinh  Nguyễn Nhật Hoàng – học sinh Trường THPT Trần Phú (Hà Nội), dự thi tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết em làm bài tốt: “Với đề thi này, học sinh chúng em không phải lo lắng về việc môn Lịch sử cần ghi nhớ quá nhiều sự kiện và con số nữa. Đề thi chủ yếu yêu cầu liên hệ thực tế và học sinh chịu khó nghe, chịu khó đọc thời sự, tin tức chắc chắc sẽ làm tốt”.

Theo chia sẻ của các thí sinh, đề thi Lịch sử năm nay có 4 câu. Theo đó, câu 1 hỏi về sự phát triển của kinh tế Nhật Bản từ năm 1952 đến 1973 và nêu nguyên nhân. Câu 2: Yêu cầu nêu những công lao to lớn của Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Việt Nam và đưa ra sự kiện quan trọng trong hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, dựa trên bảng mốc thời gian, sự kiện cho sẵn. Câu 3 có 2 ý. Ý 1 yêu cầu học sinh nêu suy nghĩ về một câu nói trong bản Tuyên ngôn độc lập; ý 2 yêu cầu nêu sự kiện quan trọng của nhân dân Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền trong các giai đoạn: 1945 – 1954, 1954 – 1975 …Câu 4 cũng có 2 phần. Phần 1 liên quan đến Hiệp định Giơnevơ; phần 2 yêu cầu học sinh đưa ra chủ kiến về nguyên nhân quan trọng dẫn tới chiến thắng của quân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp và biện pháp phát huy, phát triển nhằm bảo vệ, xây dựng đất nước. Đặc biệt là câu hỏi câu hỏi về trách nhiệm của thanh niên với sự phát triển của đất nước được nhiều thí sinh thích thú.

 Bất ngờ khi đề thi không nhắc tới các vấn đề như biển Đông, ASEAN, Liên Hợp Quốc, nhưng với đề thi khi hỏi về sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản thì nhiều thí sinh cũng lồng vào được liên hệ bản thân.

Tại TPHCM, ở Hội đồng thi Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, một số thí sinh ra sớm tự tin cho biết đề thi không khó, độ phân hóa rõ rệt, theo năng lực người học. Thí sinh Võ Duy Sự ( Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn TP Vũng Tàu) cho biết: “ Đề thi không khó, ra theo hướng mở, đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức sâu rộng để phân tích, suy luận và liên hệ thực tế. Em làm được 80%  đề thi). Tương tự, thí sinh Kim Xuân (Trung tâm Giáo dục Thường xuyên quận 1 TPHCM) chọn thi khối C cũng cho rằng đề thi không khó,  vừa sức và dễ hơn đề minh họa. Đề thi ra đúng tinh thần không học tủ, học vẹt và đòi hỏi vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn và em thấy hai câu hỏi cuối 3-4 tuy hơi khó nhưng rất hay.  Một nhóm thí sinh ở Trường THPT Trưng Vương TPHCM cũng nhận định đề thi hay và không tạo áp lực cho người thi, chỉ cần thời gian làm bài khoảng 2/3 là thí sinh đã hoàn thành. Tuy nhiên, đạt được điểm cao không dễ, đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức vững, biết suy luận, liên hệ thực tế,chọn lọc đúng các sự kiện lịch sử.

Thí sinh trao đổi với gia đình sau khi thi. Ảnh chụp tại Hội đồng thi Trường THPT Gia Định( Bình Thạnh, TPHCM). Ảnh: Mai Hải


Cô Bùi Mi Thúy, Giáo viên dạy Sử Trường THPT Gia Định TPHCM, nhận định rằng đề thi hay, ra theo hướng đổi mới, sát kiến thức và chương trình ôn tập. Tuy nhiên, so với đề minh họa của Bộ thì khó hơn, sự phân hóa rất cao, đòi hỏi  thí sinh phải tư suy tốt, nắm vững kiến thức, nhớ kỹ các sự kiện lịch và vận dụng tốt thì mới có thể đạt điềm cao. Còn sức học trung bình khá, làm bài không kỹ, vận dụng kiến thức không sâu thì chỉ có thể đạt 5-6 điểm là cao. Nhìn chung câu 3 và 4 có độ khó, đòi hỏi thí sinh phải tư duy, vận dụng kiến thức tốt.

 PHAN THẢO - KHÁNH BÌNH

>> Gợi ý giải đề thi môn Sử

Tin cùng chuyên mục