Vì sao phụ huynh “quay lưng” trường tư?

Thay đổi nhận thức xã hội
Vì sao phụ huynh “quay lưng” trường tư?

Giáo dục mầm non

Đề án Hỗ trợ giáo dục mầm non (GDMN) trên địa bàn TPHCM do UBND TPHCM ban hành tháng 6-2014 ghi rõ: Mục tiêu phát triển ngành học mầm non đến năm 2020 là tăng tỷ lệ trường mẫu giáo ngoài công lập lên 40%, nhà trẻ ngoài công lập lên 60% trên tổng quy mô phân bổ trường, lớp của bậc học này. Tuy nhiên mới đây, kết quả nghiên cứu của một nhóm tác giả Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho thấy, chỉ có 10% phụ huynh muốn gởi con vào trường dân lập, tư thục và có đến 88% phụ huynh mong muốn con được học trường công. Vì sao tồn tại bất cập đó?

Sĩ số trường công đang quá tải trong khi trường tư chưa tạo được uy tín với phụ huynh

Thay đổi nhận thức xã hội

Mới đây, tại hội thảo “Phát triển đội ngũ giáo viên đáp ứng nhu cầu GDMN ở TPHCM”, thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm Minh, giảng viên thỉnh giảng các trường trung cấp và cao đẳng chuyên ngành GDMN, cho biết: “Trong thực tế, chỉ cần một, hai tin tức liên quan đến ngược đãi trẻ em ở các nhóm lớp mầm non thì gần như các cơ sở mầm non khác phải đối diện với việc thanh tra, kiểm tra hàng loạt. Hoặc nhẹ hơn là cùng hứng chịu búa rìu dư luận dù không liên quan trực tiếp và hầu hết những cá nhân sai phạm được nói đến đều là những người chưa qua đào tạo và làm ở những cơ sở không hợp pháp”. Điều này góp phần lý giải nguyên nhân vì sao nhiều cơ sở GDMN ngoài công lập hiện nay đang sử dụng việc lắp đặt camera như một hình thức chứng minh chất lượng chuyên môn của cơ sở mình. Tuy nhiên, nói như phân tích của một giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, giáo viên dù ở trường công hay trường tư đều cần được tôn trọng quyền chủ động dạy dỗ học sinh. “Nếu chỉ vì sai phạm của một, hai cá nhân mà tất cả giáo viên đều bị giám sát mọi hoạt động sẽ tạo tâm lý không thoải mái, ảnh hưởng phương pháp dạy dỗ của giáo viên”, vị này cho biết. 

Mặt khác, theo quy định hiện nay, cơ sở giáo dục ngoài công lập phải thực hiện chế độ kê khai thuế như một doanh nghiệp. Các chính sách vay vốn ưu đãi của TPHCM dù có nhưng chưa đến tay người dân cũng góp phần tạo tâm lý bất an cho các đơn vị. Trước thực tế đó, tại buổi làm việc giữa UBND quận 3 với đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM về các chính sách hỗ trợ GDMN, ông Nguyễn Tùng, Phó Chủ tịch UBMTTQ quận 3, kiến nghị TP nên tạo cơ chế “mở” cho các cơ sở mầm non ngoài công lập như khoán thuế theo từng năm, tính thuế theo đầu học sinh để giúp các cơ sở giải tỏa áp lực “thu - chi” về mặt kinh tế, đồng thời giúp các cô có thêm thời gian đầu tư công tác chuyên môn.  

Giải bài toán chất lượng đội ngũ

Năm 2013, liên Bộ GD-ĐT, Tài chính và Nội vụ đã có Thông tư liên tịch số 09 hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ tiền lương đối với giáo viên mầm non các trường ngoài công lập, nhưng thực tế chưa có trường hợp giáo viên nào trên địa bàn TP được nhận hỗ trợ từ nguồn ngân sách này. Bà Trần Thanh Phương, Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Bảo Ngọc (phường Tân Tạo, quận Bình Tân) cho biết, vừa qua TPHCM có chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non 35% tiền lương, nhưng chỉ có giáo viên trường công mới được hưởng, giáo viên trường tư vẫn không có bất kỳ khoản hỗ trợ nào nên rất thiệt thòi và ảnh hưởng tâm lý giáo viên. Thống kê cho thấy, thu nhập bình quân của giáo viên mầm non các trường ngoài công lập hiện nay chỉ ở mức đủ nuôi sống bản thân (trung bình từ 3,5 - 7 triệu đồng/người/tháng, ở những khu vực ngoại thành có thể thấp hơn). Thêm vào đó, áp lực từ công việc chăm sóc trẻ thường không nhỏ, thời gian làm việc quá tải (do trường tư thường linh động thời gian đón - trả trẻ hơn trường công, nhận giữ trẻ cả thứ bảy, chủ nhật nên giáo viên phải làm việc ngoài giờ), nên đội ngũ thường không ổn định, tạo tâm lý bất an cho phụ huynh. Mới đây, một trường mầm non tư thục có học phí thuộc hàng “khủng” ở quận 1 đã một phen điêu đứng khi đồng loạt phụ huynh của một lớp mầm xin rút hồ sơ chuyển trường cho con vì hai giáo viên đứng lớp đồng loạt mang bầu mà ban giám hiệu chưa tìm được người thay thế.

Theo TS Trần Thị Ngọc Chúc, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học Sư phạm mầm non TPHCM, lực lượng giáo viên ở các trường tư thục hiện nay không thiếu, nhưng luôn lâm vào tình cảnh khó khăn do nhân sự thường xuyên biến đổi, kể cả hiệu trưởng lẫn đội ngũ quản lý. Bên cạnh đó, hiện nay đang tồn tại thực tế là giáo viên ở các trường công vì lý do nào đó bỏ nghề một thời gian nay quay lại trường công không nhận, phải chấp nhận làm việc tạm thời tại các trường tư. Khi tay nghề vững, kiến thức được cập nhật trở lại, họ tìm “đường” trở về trường công. Ngoài ra, sự cạnh tranh về chế độ lương bổng, thu hút học sinh bằng nhiều hình thức khuyến mãi như miễn, giảm học phí, quy định giáo viên không được nhận tiền bồi dưỡng của phụ huynh của các cơ sở ngoài công lập cũng là một trong những nguyên nhân khiến giáo viên không có ý định bám trụ lâu dài, không tạo được tín nhiệm đối với phụ huynh.

Từ những thực tế đó, để đẩy mạnh xã hội hóa bậc học mầm non theo chủ trương của UBND TP, ngoài việc kêu gọi các cơ sở mầm non ngoài công lập thường xuyên nâng cao chất lượng đội ngũ, cần có thêm sự vào cuộc của nhiều cơ quan đoàn thể, chính quyền tại địa phương như giới thiệu, quảng bá đến người dân những cơ sở mầm non uy tín, hoạt động có chất lượng trên địa bàn, vận động các hộ dân có thu nhập khá vào học trường tư để góp phần giảm tải gánh nặng cho trường công. Chỉ khi làm được điều đó, chất lượng các cơ sở mầm non ngoài công lập nói riêng và chất lượng hoạt động của cả bậc mầm non nói chung mới được cải thiện, tạo được sự tin tưởng nơi phụ huynh.

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục