Vẫn thiếu giáo viên

Áp lực số lượng học sinh cơ học ở TPHCM tăng quá nhanh khiến nhiều quận, huyện phải tăng tốc xây thêm trường, lớp mới và tăng nhu cầu về biên chế giáo viên, nhân viên. Nhưng ngoài cái khó tuyển không đủ chỉ tiêu, thì nhiều địa phương lại bị vướng rào cản không được tăng biên chế ngành giáo dục. Tháo gỡ nghịch lý này như thế nào?
Vẫn thiếu giáo viên

Áp lực số lượng học sinh cơ học ở TPHCM tăng quá nhanh khiến nhiều quận, huyện phải tăng tốc xây thêm trường, lớp mới và tăng nhu cầu về biên chế giáo viên, nhân viên. Nhưng ngoài cái khó tuyển không đủ chỉ tiêu, thì nhiều địa phương lại bị vướng rào cản không được tăng biên chế ngành giáo dục. Tháo gỡ nghịch lý này như thế nào?

Nhiều nơi thiếu 50% giáo viên

Nhìn vào bức tranh tăng dân số cơ học ở quận Bình Tân theo cấp số nhân hàng năm, những người có trách nhiệm từ quận đến TPHCM đều giật mình, lo ngại. Chỉ tính trong 3 năm học gần đây, quận Bình Tân tăng thêm trên 20.700 học sinh, trong đó riêng năm học mới này tăng thêm 12.601 em. Theo lãnh đạo quận Bình Tân, dân nhập cư tăng quá nhanh dẫn đến số học sinh tăng theo, trường lớp hiện hữu không thể đáp ứng dù quận đã rốt ráo xây mới, cải tạo hàng chục dự án, đưa vào sử dụng thêm gần 100 phòng học ở các bậc học, nhất là bậc mầm non. Sĩ số lớp học luôn vượt cao so với chuẩn trường lớp và đội ngũ giáo viên phải chịu áp lực căng thẳng, làm việc với cường độ cao để đảm bảo chất lượng dạy và học theo yêu cầu. Số lượng học sinh tăng nên nhu cầu về biên chế - cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và nguồn chi ngân sách nhà nước cũng tăng theo.

Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ số lượng học sinh tăng nhanh nhưng biên chế khối giáo dục - đào tạo của quận được giao không tương xứng. Cụ thể, năm 2015, dựa trên chỉ tiêu được UBND TP giao là 2.902 biên chế, Phòng Nội vụ quận Bình Tân tham mưu cho UBND quận giao 2.890 chỉ tiêu cho khối trường học công lập, trung tâm dạy nghề của quận. Đến cuối tháng 5-2015 (kết thúc năm học cũ 2014-2015), ngành GD-ĐT của quận đã sử dụng hết 2.823/2.890 biên chế. Ngoài ra, các trường công lập trên địa bàn quận còn sử dụng thêm 338 nhân sự lao động ngoài biên chế (như bảo mẫu, cấp dưỡng…) và trả lương cho họ bằng nguồn thu sự nghiệp của đơn vị. Theo ông Phạm Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, để đáp ứng số lượng giáo viên, nhân viên làm việc ở các trường học hiện hữu, quận cần gần 4.000 người, trong đó số lượng biên chế cần tăng thêm là 1.047 người. Thế nhưng, đến nay thành phố chỉ xét bổ sung biên chế cho các trường học mới xây. Trước mắt, quận thống nhất phê duyệt theo đề xuất của Phòng GD-ĐT tuyển dụng mới 405 người, như thế còn thiếu gần 600 nhân sự. Tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân, ngoài việc khẩn thiết kiến nghị TP tăng vốn đầu tư xây dựng đủ trường lớp để đảm bảo chỗ học, quận Bình Tân cũng đề nghị cho phép tuyển dụng giáo viên đáp ứng nhu cầu dạy học đối với các trường hiện hữu khi số lượng học sinh tăng lên.

Giáo viên mầm non làm việc với cường độ cao nhưng thu nhập chưa tương xứng.

Tương tự, các quận ven như quận 12, Thủ Đức, Tân Phú, huyện Bình Chánh… cũng phải đối mặt với áp lực tăng học sinh cơ học quá “nóng”. Năm học mới đã bắt đầu nhưng nhiều nơi vẫn thiếu hàng trăm giáo viên, nhất là bậc mầm non. Cụ thể, huyện Bình Chánh mới tuyển được 50% nhu cầu và hiện còn thiếu trên 200 giáo viên; quận Thủ Đức cũng thiếu khoảng 200 giáo viên mầm non... Số lượng học sinh tăng nóng nhưng nhiều địa phương lại bị “khống chế” về biên chế, không được tuyển người không có hộ khẩu thành phố. Vì thế, trong cái khó nhiều trường phải tự cân đối nhân lực, trong đó giáo viên kiêm nhiệm nhiều việc như dạy thêm môn phụ, đảm nhiệm vai trò làm giám thị, tư vấn học đường…

Tìm cách tháo gỡ

Theo Sở GD-ĐT TPHCM, trong năm học mới 2015-2016, thành phố có nhu cầu tuyển dụng mới gần 600 giáo viên, nhân viên cho các trường THPT, trung tâm GDTX và các đơn vị trực thuộc sở. Còn lại, việc tuyển dụng giáo viên, nhân viên từ bậc mầm non đến THCS thì phân cấp cho quận, huyện. Nhìn chung, biên chế giáo viên, nhân viên ở bậc THPT ổn định và nhu cầu tuyển mới không cao, chủ yếu thiếu giáo viên ở bậc mầm non, tiểu học và tập trung ở các địa phương có dân số cơ học tăng quá nhanh. Riêng giáo viên mầm non thì quận, huyện nào cũng thiếu vì tuyển dụng khó và số lượng nghỉ việc nhiều do thu nhập thấp, áp lực, cường độ làm việc cao.

Trong khi số lượng thiếu này bù đắp, bổ sung không kịp thì năm học mới, nhu cầu tuyển mới lại tăng cao hơn khiến bài toán thiếu giáo viên mầm non tiếp tục khó giải và trầm trọng hơn, tạo áp lực lớn cho ngành GD-ĐT địa phương. Mặc dù, TPHCM đã có chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non từ 788.000 đồng đến 1.102.850 đồng/tháng nhưng số lượng ứng viên nộp hồ sơ chỉ đáp ứng chưa được 1/2 nhu cầu. Ngoài ra, theo các trường CĐ, ĐH Sư phạm trên địa bàn TPHCM, nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành mầm non nhưng bỏ nghề vì sợ vất vả, thu nhập không hấp dẫn. Cách đây 2 năm, Sở GD-ĐT TPHCM đã ký thỏa thuận hợp tác với các trường ĐH, CĐ đào tạo ngành sư phạm nhằm tháo gỡ bài toán thiếu giáo viên, nhất là bậc mầm non. Thế nhưng, kết quả không như mong muốn vì thành phố chưa thể giải được bài toán biên chế, hộ khẩu lẫn tăng thu nhập cho giáo viên ở bậc mầm non cũng như các môn học đang thiếu giáo viên như nhạc, họa, tư vấn tâm lý học đường…

Vấn đề “tắc” giữa cung và cầu đối với nhân lực ngành sư phạm, trong đó dư thừa sản phẩm đầu ra nhưng vẫn “khát” cục bộ trong tuyển dụng, là vấn đề không mới, ngày càng trầm kha. Như các chuyên gia giáo dục cảnh báo, sự lệch pha trong đào tạo ngành sư phạm đang gây lãng phí và tạo ra lỗ hổng thừa - thiếu giáo viên do không đào tạo theo nhu cầu thực tế. Riêng TPHCM, cần có chính sách đột phá để tháo gỡ  vấn đề này một cách bài bản, đáp ứng mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục