Đề xuất môn sử là môn học bắt buộc

Chiều 28-8, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển-người phụ trách về giáo dục phổ thông (GDPT) đã trực tiếp lắng nghe ý kiến đóng góp của Hiệp hội ĐH-CĐ về dự thảo chương trình GDPT tổng thể mà Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến toàn xã hội.

(SGGPO). – Chiều 28-8, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển-người phụ trách về giáo dục phổ thông (GDPT) đã trực tiếp lắng nghe ý kiến đóng góp của Hiệp hội ĐH-CĐ về dự thảo chương trình GDPT tổng thể mà Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến toàn xã hội.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, Chương trình GDPT mới hướng tới sự phát triển năng lực toàn diện của học sinh. Sẽ dạy tích hợp ở các lớp học dưới và phân hóa ở các lớp trên. “Vừa qua dư luận xã hội lo về việc dạy tích hợp và đội ngũ giáo viên. Dạy tích hợp không có nghĩa là ghép các môn lại với nhau. Đội ngũ giáo viên cũng phải bồi dưỡng thêm”, ông Hiển nói. Cũng theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đổi mới GDPT chúng ta vừa phải vừa làm, không thể đợi chuẩn bị đầy đủ các điều kiện mới triển khai. “Từ năm 2012 đã dự định dạy tích hợp nhưng sợ chưa chuẩn bị kịp nên không bắt tay vào làm, thực tế từ đó đến nay cũng không chuẩn bị được gì thêm. Vì vậy, phải bắt tay vào làm. Không nên quá cầu toàn rằng làm là phải tốt ngay, mà phải với tinh thần cái gì đúng thì làm ngay. Trong quá trình đó sẽ hoàn thiện. Chương trình GDPT không phải đến năm 2018 mới triển khai mà ngay từ bây giờ, những gì đã đúng sẽ đưa vào dạy, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và hoàn thiện. 2018 triển khai đồng loạt”, ông Hiển nhấn mạnh.

Về vấn đề dạy tích hợp mà dư luận cho rằng khó nhất trong đổi mới GDPT lần này, theo ông Hiển, ngành giáo dục đã “thử” rồi. Cụ thể,  đã dạy tích hợp 1 năm vừa qua ở mô hình trường học mới, cho thấy giáo viên hoàn toàn có thể dạy được khi tích hợp các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Vấn đề là giáo viên tâm huyết, nhà trường  tự thiết kế được chương trình dạy học một cách linh hoạt, phù hợp với thực tế nhà trường, giáo viên và học sinh.

Lý giải về việc sau nhiều lần hoàn thiện, dự thảo chương trình GDPT mới nhất mà Bộ GD-ĐT vừa công bố lấy ý kiến vẫn còn những góp ý  gay gắt, ông Hiển cho rằng, dự thảo  mới rất nhu ý kiến ủng hộ. Nhưng nhiều người cũng góp ý gay gắt vì với nhận thức cũ, không đưa tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT để tiếp cận chương trình này.

Hầu hết các ý kiến đóng góp của Hiệp hội ĐH-CĐ Việt Nam đều ủng hộ dự thảo chương trình GDPT, tuy nhiên cho rằng “giáo viên là số 1” của quá trình đổi mới này. Nếu ông thầy không đủ trình độ thì không thể dạy tích hợp, không thể đổi mới GDPT thành công. Vì vậy, cần phải đào tạo giáo viên một cách bài bản. Vì vậy, các trường sư phạm có vai trò rất lớn, phải vào cuộc thực sự. “Sư phạm phải là đầu tàu, không phải là toa kéo. Nếu sư phạm chỉ là toa kéo thì “hỏng”. Trước khi có cải cách GDPT thì phải cải cách sư phạm”, GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khuyến học Việt Nam nêu.

Ngoài ra, GS Phạm Tất Dong đề xuất, chương trình GDPT mới cần đề cao tính dân tộc. “Trong bối cảnh mà học sinh chán môn sử thì càng phải đề cao tính dân tộc.  Đề cao tính dân tộc không có nghĩa là bảo thủ, mà phải chọn lọc những kinh nghiệm thế giới.Ví dụ việc bê kinh nghiệm thế giới về chức danh chủ tịch trong lớp tiểu học là không nên”, ông Dong nói.

Hoạt cảnh tái hiện thời kỳ Vua Hùng dựng nước của Trường THPT Hùng Vương TPHCM. Một hình thức giúp các em học sinh yêu thích môn Lịch sử. Ảnh: MAI HẢI

Các ý kiến đều cho rằng, Bộ GD-ĐT cần nhìn nhận rõ những yếu kém của GDPT để đổi mới. “Tôi cho rằng, một trong yếu kém là môn sử. Học sinh đã chán môn sử, mà lại cho tự chọn thì càng nguy hiểm, vì vậy đề nghị sử là môn bắt buộc. Nếu học sinh quay lưng lại với môn sử thì vô cùng tai hại cho tương lai đất nước. Thứ hai, dạy lao động cho học sinh hiện quá yếu, vì vậy học sinh không gắn được với nghề, đây là điều rất lạ khi mà Việt Nam là đất nước nông nghiệp. Thứ ba, yếu về ngoại ngữ, kém ngoại ngữ là là một dạng mù chức năng vì nhiều ngành nghề, không có ngoại ngữ thì không thể làm được việc”, GS Phạm Tất Dong chỉ ra.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục