ODA trong giáo dục - Bức tranh còn nhiều khiếm khuyết

Công tác quản lý các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức của nước ngoài (vốn ODA) vẫn còn nhiều bất cập, thời gian thực hiện kéo dài. Đó là hai trong số những nội dung vừa được đưa ra tại Hội nghị tham vấn chuyên gia về hiệu quả các dự án sử dụng nguồn vốn ODA trong giáo dục - đào tạo giai đoạn 2004 - 2014 do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội tổ chức vào ngày 18-9.
ODA trong giáo dục - Bức tranh còn nhiều khiếm khuyết

Công tác quản lý các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức của nước ngoài (vốn ODA) vẫn còn nhiều bất cập, thời gian thực hiện kéo dài. Đó là hai trong số những nội dung vừa được đưa ra tại Hội nghị tham vấn chuyên gia về hiệu quả các dự án sử dụng nguồn vốn ODA trong giáo dục - đào tạo giai đoạn 2004 - 2014 do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội tổ chức vào ngày 18-9.

Lãng phí người và của

Theo dự thảo Báo cáo kết quả giám sát về chất lượng, hiệu quả các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ODA giai đoạn 2004 - 2014, việc có quá nhiều ban chỉ đạo, ban quản lý dự án cùng tồn tại trong quy trình triển khai các dự án đã dẫn đến việc trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, gia tăng bộ máy nhân sự khiến chi phí quản lý bị đội lên.

Theo ông Phạm Tất Thắng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội, nhiều nơi còn có tình trạng cán bộ kiêm nhiệm, làm việc theo hợp đồng ngắn hạn, ít kinh nghiệm quản lý dự án, trình độ ngoại ngữ chưa đáp ứng yêu cầu công việc gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả triển khai. Ngoài ra, theo GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội các khóa X và XI, việc các bộ, ngành chưa mạnh dạn phân dự án về cho địa phương đã khiến các địa phương nảy sinh tâm lý chỉ là người “thừa hành công việc”, lo nhiệm vụ giải phóng mặt bằng cho trung ương, thông tin không biết, tiến trình thực hiện và phân cấp công việc không hay. Từ đó làm nảy sinh cơ chế xin - cho và hàng loạt tiêu cực không mong muốn.

Nguồn vốn ODA không hoàn lại đang có xu hướng giảm sẽ tạo nên khoảng trống trong việc huy động vốn cho lĩnh vực giáo dục

Thêm vào đó, theo GS Nguyễn Ngọc Trân, thời gian trung bình triển khai một dự án ODA ở các nước kéo dài từ 4 - 5 năm nhưng ở Việt Nam 7 - 8 năm vẫn được coi là sớm. Do đó, chuyện phải đi xin gia hạn thời gian hoặc bị nhà tài trợ đưa vào danh sách theo dõi đặc biệt là việc “thường ngày ở huyện”. Thế nên mới có chuyện tréo ngoe như ở Kiên Giang, khi lập dự án thì mặt bằng sẵn có, chờ mãi không thấy dự án đầu tư, địa phương tìm nguồn vốn khác. Khi dự án báo có vốn phải làm lại thủ tục điều chỉnh địa điểm xây dựng. Ngoài ra cũng do yếu tố trượt giá trong khoảng “thời gian chết” nên nhiều công trình phải tổ chức lại đấu thầu hoặc xin ngân sách bù giá. Do những hạn chế đó nên số lượng dự án ODA đầu tư cho lĩnh vực giáo dục còn ở mức khiêm tốn: 80 dự án cho cả giai đoạn 10 năm (từ 2004 - 2014) với tổng vốn ký kết đạt 1.766 triệu USD, chiếm khoảng 3,5% tổng vốn ODA của cả nước.

Mở rộng thành phần được tiếp cận

Theo bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang, hiện nay các dự án ODA trên địa bàn tỉnh đang vướng tình trạng “lớp học đối diện công trường”. Bà Minh Giang giải thích: “Trong cùng cơ sở giáo dục nhưng lúc thì thi công nhà vệ sinh, khi khác lại xây dựng nhà đa năng khiến học sinh phải ngồi học trong không khí đầy cát bụi, bị ô nhiễm”. Trước thực tế đó, bà Minh Giang kiến nghị nên có cơ chế giao vốn đầu tư về cho địa phương để mỗi địa phương tùy theo điều kiện thực tế của mình có kế hoạch đầu tư tổng thể rõ ràng, thực hiện theo phương châm “làm đến đâu hoàn thiện đến đó”, đảm bảo môi trường học tập cho học sinh. Trường hợp khác, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk, ông Bùi Hữu Thành Cát, đề xuất, trên cơ sở những công trình đã được đầu tư bằng nguồn vốn ODA, nhà nước cần hỗ trợ địa phương đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị bởi hiện nay đang tồn tại thực tế là trường đã xây xong nhưng thiếu thiết bị dạy học do chưa được đầu tư về cơ sở vật chất từ nguồn vốn ODA.

Theo một chuyên gia, so với các lĩnh vực khác, vốn vay ODA không hoàn lại trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo đang chiếm tỷ trọng cao. Song trong bối cảnh hiện nay, nguồn vốn ODA không hoàn lại đang có xu hướng giảm ở tất cả các nước sẽ tạo nên khoảng trống cho Việt Nam trong việc huy động vốn cho lĩnh vực giáo dục. Bên cạnh đó, theo GS Nguyễn Ngọc Trân, việc các nhà tài trợ chủ yếu tập trung đầu tư giáo dục phổ thông và giáo dục đại học, trong khi mầm non và đào tạo dạy nghề chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu tài trợ cũng khiến bức tranh tổng thể đầu tư trở nên khiếm khuyết.

Từ những thực tế trên, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội kiến nghị Chính phủ hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA kết hợp với việc xây dựng chiến lược thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn một cách có hiệu quả, tránh đầu tư dàn trải gây tốn kém, lãng phí, mở rộng thành phần được tiếp cận và sử dụng nguồn vốn, bao gồm cả khu vực tư nhân trên cơ sở khuyến khích quan hệ đối tác công - tư cùng phát triển.

Thu Tâm

Tin cùng chuyên mục