Khẳng định vai trò nòng cốt trong hệ thống GD - ĐT Việt Nam

Khẳng định vai trò nòng cốt trong hệ thống GD - ĐT Việt Nam

Đại học Quốc gia TPHCM

Là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM được giao quyền tự chủ cao với sứ mệnh giữ vai trò nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học (ĐH) Việt Nam. 

Mạnh về nguồn lực 

ĐHQG TPHCM hiện nay có một lợi thế đặc biệt khi tập hợp được nguồn lực tổng hợp về các điều kiện đảm bảo chất lượng như con người, cơ sở vật chất cũng như khoa học quản lý. Đây là 3 yếu tố tiên quyết để nâng cao chất lượng đào tạo. Hiện ĐHQG có 6 trường ĐH thành viên, 1 viện nghiên cứu, 1 khoa, 1 trường THPT năng khiếu và nhiều trung tâm trực thuộc. Tính đến tháng 12-2015, ĐHQG có gần 6.000 cán bộ, trong đó cán bộ giảng dạy lên đến 2.677 người (chiếm 47,08%), nghiên cứu viên 928 người (16,32%), cán bộ quản lý, phục vụ 2.080 người (36,58%). Tỷ lệ GS và PGS chiếm trên 10% cán bộ giảng dạy và nghiên cứu. Có thể nói, chất lượng đội ngũ giảng dạy của ĐHQG hiện nay dẫn đầu cả nước.  

Chất lượng đào tạo của Đại học Quốc gia TPHCM đã đạt chuẩn khu vực lẫn quốc tế

Trong đào tạo, mỗi năm ĐHQG TPHCM cung cấp cho xã hội gần 15.000 cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ trong nhiều lĩnh vực. ĐHQG là đơn vị duy nhất ở miền Nam chuyên đào tạo và nghiên cứu hàn lâm các vấn đề về khoa học cơ bản. 

Song song đó, ĐHQG cũng trở thành trung tâm đào tạo - nghiên cứu lớn của cả nước. Tính đến nay, ĐHQG đã đầu tư 25 phòng thí nghiệm với tổng kinh phí hơn 530 tỷ đồng, hình thành và kết nối hệ thống 60 phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ - đào tạo. Đặc biệt, ĐHQG TPHCM có 2 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và 11 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp quốc gia. Việc đầu tư mạnh mẽ này đã thu hút hàng loạt chuyên gia đầu ngành ở các trường ĐH lớn của quốc tế về làm việc, như GS Hồ Tú Bảo, GS Omar M.Yaghi, GS Dương Nguyên Vũ, GS Võ Văn Tới…

Bứt phá về chất lượng

Vị trí và thương hiệu ĐHQG TPHCM đã dần khẳng định khi chất lượng đào tạo được khu vực và thế giới công nhận. Theo PGS-TS Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐHQG TPHCM, từ nay đến 2020, ĐHQG sẽ trở thành ĐH nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển khoa học công nghệ, tập trung phát huy tiềm lực để tạo ra những sản phẩm có tính khoa học và thực tiễn cao.

Một trong những thước đo chính xác về giá trị của các công trình nghiên cứu khoa học là công bố kết quả nghiên cứu tại các tạp chí khoa học uy tín trong nước và quốc tế, đặc biệt trên các tạp chí quốc tế được công nhận bởi ISI (Institute for Scientific Information - cơ quan uy tín nhất hiện nay của thế giới đánh giá bao quát tất cả các lĩnh vực khoa học và có phân loại). Tính đến tháng 8-2015, ĐHQG có 382 bài báo trên các tạp chí quốc tế, trong đó có 236 bài báo trên các tạp chí thuộc ISI (chiếm tới 62%). Cũng trong tháng 8-2015, ĐHQG TPHCM và ĐHQG Hà Nội được xếp vào tốp 300 của châu Á (theo Bảng xếp hạng đại học châu Á của tổ chức Quacquarelli Symonds - QS-Asian).

Chính định hướng phát triển đúng đắn và sự đầu tư mạnh mẽ, chất lượng đào tạo của ĐHQG TPHCM không chỉ dẫn đầu cả nước mà đã được công nhận đạt chuẩn khu vực lẫn quốc tế. ĐHQG TPHCM hiện dẫn đầu cả nước với 21 chương trình được đánh giá theo tiêu chuẩn AUN-QA (bộ tiêu chuẩn đánh giá của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á), trong đó có 1 chương trình đạt 5.1/7 điểm, là một trong 2 chương trình có số điểm cao nhất khu vực. Đặc biệt, 2 chương trình của Trường ĐH Bách khoa TPHCM đã đạt chuẩn kiểm định ABET (Hội đồng Kiểm định các ngành kỹ thuật và công nghệ quốc tế).

Chia sẻ về sự thành công về chất lượng đào tạo, PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM, cho biết: “Kết quả triển khai áp dụng CDIO (Đề xướng cải cách giáo dục kỹ thuật) từ năm 2010 đã giúp 23 chương trình đào tạo tại ĐHQG TPHCM được công nhận đạt các tiêu chuẩn kiểm định quốc tế như AUN-QA, ABET. Từ 5 ngành đào tạo đầu tiên áp dụng CDIO, đến nay ĐHQG TPHCM có tổng cộng 4 trường, 20 khoa, 45 ngành triển khai CDIO, chiếm 50% trong tổng số ngành đào tạo của ĐHQG TPHCM”.

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục