Đừng bắt con trẻ trả lời điều không muốn nói

Năm nào cũng vậy, cứ vào đầu năm học cháu tôi đang học tại một trường tiểu học ở quận trung tâm lại tỏ ra bực bội khi kể lại câu chuyện khảo sát hoàn cảnh của học sinh. Để hiểu từng hoàn cảnh của học trò, giáo viên chủ nhiệm mới yêu cầu cả lớp đứng lên tự giới thiệu về bản thân, hoàn cảnh gia đình, đang sống cùng ai…
Đừng bắt con trẻ trả lời điều không muốn nói

Năm nào cũng vậy, cứ vào đầu năm học cháu tôi đang học tại một trường tiểu học ở quận trung tâm lại tỏ ra bực bội khi kể lại câu chuyện khảo sát hoàn cảnh của học sinh. Để hiểu từng hoàn cảnh của học trò, giáo viên chủ nhiệm mới yêu cầu cả lớp đứng lên tự giới thiệu về bản thân, hoàn cảnh gia đình, đang sống cùng ai…

Cháu tôi có hoàn cảnh hơi khác thường, cha mẹ ly dị nên khi cô giáo xoáy vào câu hỏi “Con đang ở với ai?” thì cháu hơi lúng túng, cảm giác mặc cảm ập đến. Sau ít giây trấn tĩnh, cháu ấp úng trả lời rằng “Con đang ở với mẹ ạ”. Sau câu trả lời khó khăn đó, cháu tôi cảm thấy bạn bè chăm chú nhìn mình như thể nó có hoàn cảnh không bình thường. Giờ ra chơi, một số bạn thiếu ý thức tiếp tục dò hỏi cháu tôi: “Bạn không có ba hả? Ba mẹ bạn ly dị hả?... Câu hỏi soi mói, châm chọc về hoàn cảnh riêng tư này khiến cháu tôi cảm thấy mất tự tin. Đây không phải lần đầu cháu tôi khóc vì những câu hỏi thiếu tế nhị và thiếu kỹ năng sư phạm của cô giáo chủ nhiệm khi đặt câu hỏi mà trẻ không muốn nói thật trước cả lớp.

Cha mẹ ly dị, ảnh hưởng đến con cái



Nhưng câu chuyện của cháu gái tôi không phải là cá biệt. Mới đây một đồng nghiệp trẻ của tôi cũng thuật lại câu chuyện giáo viên chủ nhiệm bắt con mình (học lớp 4) trả lời câu hỏi “Con đang ở với ai?”. Bạn tôi cũng ly dị chồng và nuôi con một mình. Tuy nhiên, con gái của bạn tôi khá lanh nên rút kinh nghiệm những năm trước thật tình khai trước lớp là “Đang sống với mẹ”, rồi bị các bạn chọc ghẹo vì không có ba nên năm nay cháu trả lời dứt khoát là “Con đang sống với ba mẹ”. Biết con chọn cách nói dối là giải pháp đối phó với các bạn nhưng chị không la rầy con mà trực tiếp đến gặp cô nói rõ sự thật vì sao con mình không muốn nói thật trước cả lớp hoàn cảnh riêng của mình. Nghe xong câu chuyện của phụ huynh, cô giáo chủ nhiệm đã xin lỗi và hứa sẽ rút kinh nghiệm khi hỏi các con về hoàn cảnh riêng, nhất là đặt câu hỏi tế nhị như nêu trên.

Việc giáo viên chủ nhiệm muốn tìm hiểu và nắm rõ hoàn cảnh của từng học trò mới khi nhận lớp là điều cần thiết. Nhưng có nhiều cách khảo sát để nắm thông tin mà không làm tổn thương trẻ hoặc đẩy chúng vào ngõ cụt phải nói dối vì phải “khai lý lịch, hoàn cảnh riêng” trước cả lớp. Thay vì hỏi trẻ trực tiếp với nhiều câu hỏi riêng tư, khó trả lời, giáo viên chủ nhiệm hãy làm phiếu khảo sát kín, trực tiếp nộp cho thầy cô. Sau khi lọc phiếu khảo sát, giáo viên sẽ biết rõ trò nào có hoàn cảnh riêng cần quan tâm như cha mẹ ly dị, điều kiện kinh tế khó khăn…

Ở lứa tuổi còn nhỏ, các em chưa biết vượt qua nghịch cảnh, dễ mặc cảm, dễ bị tổn thương nếu bị bạn bè trêu chọc, chế giễu. Chính vì thế, muốn khảo sát hoàn cảnh của từng học trò, giáo viên chủ nhiệm phải tâm lý, có kỹ năng sư phạm khi đặt câu hỏi và đừng truy vấn các em những vấn đề tế nhị, khó nói liên quan đến đời sống riêng tư, hoàn cảnh đặc biệt của các cháu. Mong rằng câu chuyện này sẽ giúp các giáo viên chủ nhiệm, nhà trường thấu hiểu và cần trau dồi thêm kỹ năng sư phạm, tâm lý học để biết cách sẻ chia, đồng cảm với những điều thầm kín, khó nói của học sinh.

HÀ KHÁNH

Tin cùng chuyên mục