Tiếp sức hệ thống ngoài công lập

Phát triển chóng mặt
Tiếp sức hệ thống ngoài công lập

TPHCM - Phát triển giáo dục mầm non

Trường công quá tải, người dân buộc phải gởi con tại các cơ sở ngoài công lập (NCL). Tuy nhiên, dù được xem là cánh tay nối dài của hệ thống trường công với quy mô phát triển không ngừng tăng cao, nhưng hiện nay công tác tổ chức, quản lý trường tư vẫn còn nhiều bất cập, chưa nhận được sự tin tưởng của xã hội. 

Cô và trò Trường Mầm non tư thục Mặt Trời Nhỏ,phường Tân Tạo, quận Bình Tân

Phát triển chóng mặt

Nói về sự phát triển của trường NCL, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Đào (phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TPHCM), cho biết từ đầu năm học đến nay đã có 30 trường hợp phụ huynh xin rút tên con ở trường công chuyển qua các lớp NCL vì trường công không đáp ứng nhu cầu gửi con ngoài giờ của phụ huynh. Tại quận 12, nhìn vào con số 35 trường mầm non tư thục, 231 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, tư thục (tăng 16 đơn vị so với cùng kỳ năm ngoái) so với số lượng 17 trường mầm non công lập, không thể không chạnh lòng. Cán cân phân bổ hiện đang nghiêng hẳn về hệ thống NCL, đáp ứng chỗ học cho hơn 76% trẻ mầm non trên địa bàn. Đơn vị NCL được xem có quy mô “khủng” nhất là Trường Mầm non tư thục Sao Mai (xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn) với 22 lớp, nuôi dạy hơn 1.200 trẻ, gấp đôi một trường mầm non công lập quy mô vừa hiện nay. 

Nhìn nhận thực tế này, bà Trương Thị Việt Liên, Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP, cho biết TPHCM hiện là địa phương có số nhóm trẻ độc lập, tư thục nhiều nhất cả nước. Trong hai năm học 2014-2015 và 2015-2016, đã có 8 phòng GD-ĐT quận, huyện phải bổ sung biên chế hành chính cho chuyên viên làm công tác quản lý giáo dục mầm non NCL. Nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc và giảng dạy của hệ thống trường này, Sở GD-ĐT TP đã nhiều lần gởi văn bản kiến nghị Bộ GD-ĐT điều chỉnh một số chỉ tiêu công nhận trường chuẩn quốc gia để tiến đến công nhận chuẩn quốc gia đối với các trường NCL, tạo thêm nguồn động viên, khuyến khích các đơn vị này phát triển. 

Bất an nguồn tuyển giáo viên

Bà Hồ Thị Hiệp, Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Hoa Mai 2 (phường Tân Thới Hiệp, quận 12), cho biết đầu năm học 2016-2017, đơn vị có 2 giáo viên xin nghỉ việc chuyển qua hệ thống trường công. Đáng nói, đây là 2 giáo viên vừa đạt danh hiệu dạy giỏi cấp trường. “Khi mới tuyển vào, các cô chỉ có trình độ phổ thông. Nhà trường hỗ trợ cho đi học các khóa trung cấp, cao đẳng hệ vừa học vừa làm. Đến khi có bằng cấp, họ lại bỏ trường đi”, bà Hiệp buồn rầu cho biết. Cũng theo nhiều hiệu trưởng trường NCL, mặc dù các đơn vị đều quan tâm chăm lo đời sống, hỗ trợ thu nhập giáo viên nhưng nhìn chung giáo viên sau khi có đầy đủ bằng cấp đều có tâm lý muốn chuyển qua trường công lập để được hưởng các chế độ, chính sách ổn định hơn.

Đồng cảnh ngộ, ông Trần Minh Triết, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hóc Môn, cho biết, đội ngũ giáo viên NCL của huyện thường xuyên thiếu và không ổn định, bình quân chỉ đạt 1,5 giáo viên/lớp. Toàn huyện hiện còn 43,3% bảo mẫu (343 người) phải làm thay công việc của giáo viên gây ảnh hưởng chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Tại Củ Chi, có 15% cơ sở chưa đảm bảo tỷ lệ 2 giáo viên/lớp, trường NCL phải chờ nguồn tuyển bổ sung từ các lớp đào tạo giáo viên mầm non do Phòng GD-ĐT huyện phối hợp với Trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức hàng năm. Theo một cán bộ Sở GD-ĐT TP, giáo viên NCL dịch chuyển về khối trường công lập là xu hướng chuyển đổi tự nhiên, bình thường không thể tránh khỏi. Để giải quyết tình trạng này, các quận, huyện phải thường xuyên chuẩn bị nguồn tuyển bổ sung để ổn định hoạt động của cơ sở, hạn chế tối đa ảnh hưởng chất lượng chăm sóc trẻ. 

Cần chiến lược đầu tư dài hơi

Những năm qua, TPHCM đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, cho các cơ sở NCL vay vốn để nâng cấp sửa chữa, xây mới cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị. Tuy nhiên, do đa số các đơn vị hiện nay đều hoạt động trên cơ sở thuê mướn mặt bằng ngắn hạn (3-5 năm) hoặc có diện tích quá nhỏ (dưới 500m2) nên việc vay vốn, xây dựng trường lớp không đảm bảo theo quy định. Trong khi đó lại có đơn vị như Trường Mầm non tư thục Hoa Mai 2 (phường Tân Thới Hiệp, quận 12), do lo ngại các thủ tục vay vốn rườm rà, chủ đầu tư đã chủ động từ chối quyền lợi này, chọn giải pháp mạo hiểm hơn là thế chấp tài sản cá nhân, vay vốn ngân hàng hơn 10 tỷ đồng và hiện vẫn đang trả nợ trong nhiều năm. Từ thực tế đó, các địa phương kiến nghị UBND TP linh hoạt hơn trong các chính sách ưu đãi cho hệ thống trường NCL, trong đó việc tinh giản thủ tục, hồ sơ pháp lý là một trong những giải pháp giúp chính sách ưu đãi đến gần hơn với người dân.  

Mặt khác, theo bà Đặng Thị Xuân Mai, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Hóc Môn, trước sự phát triển chóng mặt của các nhóm lớp NCL, nhiều địa phương phải “lách luật” bằng cách chỉ cấp phép ngắn hạn và tái cấp phép hàng năm cho các cơ sở để có thêm điều kiện rà soát, đảm bảo chất lượng hoạt động. Tuy nhiên, về lâu dài vẫn cần có thêm nhiều hướng dẫn, chỉ đạo quản lý chặt chẽ hơn từ các đơn vị quản lý nhà nước. Ngoài ra, theo bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM, việc quản lý các nhóm, lớp NCL ngoài trách nhiệm của ngành giáo dục cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn từ phía chính quyền địa phương, trong đó không thể bỏ qua vai trò của hội đồng giáo dục cấp phường, xã, sự hỗ trợ từ các tổ chức đoàn hội trên địa bàn như Đoàn thanh niên, hội phụ nữ cấp cơ sở…

 Trường Mầm non tư thục Mặt trời nhỏ (phường Tân Tạo, quận Bình Tân) phục vụ nhu cầu gởi con của công nhân Khu công nghiệp PouYuen. Dù nhu cầu gởi con của công nhân rất lớn nhưng hiện đơn vị đang có 4 phòng học bị bỏ trống do không được phép tuyển sinh vì vướng quy định không tổ chức quá 20 nhóm lớp/cơ sở mầm non theo quy định của Bộ GD-ĐT. Trước thực tế đó, Sở GD-ĐT TPHCM đã kiến nghị Bộ GD-ĐT điều chỉnh Điều lệ trường mầm non, trong đó có hướng mở linh hoạt cho những địa phương có đặc thù tăng trưởng cao về dân số như TPHCM.


THU TÂM

Tin cùng chuyên mục