Bất an đề án thí điểm giữ trẻ ngoài giờ

Mới đây, tại buổi làm việc giữa Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM với Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, đã tiết lộ một thông tin khiến không ít người lo lắng.
Bất an đề án thí điểm giữ trẻ ngoài giờ

Mới đây, tại buổi làm việc giữa Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM với Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, đã tiết lộ một thông tin khiến không ít người lo lắng.

Bất an đề án thí điểm giữ trẻ ngoài giờ ảnh 1

Đề án giữ trẻ ngoài giờ đang gặp khó khăn về nhân sự và việc thanh toán chi phí. Ảnh minh họa

Đó là, vừa qua trên địa bàn quận 7 đã xảy ra tình trạng giáo viên từ chối việc được phân bổ về một trường mầm non triển khai thí điểm đề án giữ trẻ ngoài giờ, do lo ngại các quy định về chế độ, chính sách. Thực tế này trùng khớp với lo lắng của ông Đỗ Đình Thiện, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, trong buổi làm việc với đoàn khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM cách đây ít lâu. “Dù chủ trương thí điểm được xem là đúng đắn, phù hợp nhu cầu, nguyện vọng của người dân, nhưng khi triển khai thực hiện, cần tính đến tâm tư, tình cảm của giáo viên. Không thể chỉ vì cái chung của xã hội mà không tính đến việc tâm lý giáo viên bị ảnh hưởng. Nhất là khi muốn triển khai thực hiện lâu dài, cần có sự đồng thuận từ hai phía, cả giáo viên lẫn phụ huynh”, ông Thiện bày tỏ.

Theo bà Trương Thị Việt Liên, Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT, nếu thực hiện theo đề án của UBND TP, các trường sẽ tổ chức giữ trẻ đến 17 giờ 30 mỗi ngày và giữ trẻ nguyên ngày thứ bảy. Như vậy, mỗi tuần giáo viên sẽ tăng thêm 17 giờ làm việc, một năm tăng thêm 525 giờ. Trong khi đó, theo Bộ luật Lao động, giáo viên không được làm thêm quá 200 giờ/năm. Do đó, để thực hiện được đề án của UBND TP mà không trái luật lao động, các lớp thí điểm giữ trẻ ngoài giờ chỉ còn một cách là phân chia giáo viên làm việc theo ca. Theo đó, một lớp giữ trẻ sẽ do nhiều giáo viên luân phiên đảm nhận, sao cho mỗi người không quá 200 giờ làm thêm mỗi năm. Tuy nhiên hiện nay, đội ngũ giáo viên ở các trường mầm non đang thiếu. Nếu tổ chức thêm các lớp giữ trẻ ngoài giờ, ngoài khó khăn về tính toán chi phí, các trường không biết lấy đâu ra nguồn phân bổ giáo viên.

Trước thực tế này, một cán bộ Sở Tài chính đề xuất giải pháp tháo gỡ là không tính tiền hỗ trợ làm thêm ngoài giờ vào tổng lương, mà sẽ chi trả theo hình thức khoán 33.000 đồng/giờ, giáo viên dù trong biên chế hay giáo viên hợp đồng nếu đứng lớp giữ trẻ đều nhận cùng mức hỗ trợ trên. Nếu tổ chức theo hình thức này, các trường có thể tận dụng nguồn lao động hợp đồng thêm bên ngoài nếu không đủ giáo viên. Tuy nhiên, Sở Tài chính cũng lưu ý Sở GD-ĐT tính toán lại cụ thể số lao động trực tiếp (giáo viên) và lao động gián tiếp (cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ) cho các lớp ngoài giờ, cũng như chấp nhận hình thức tổ chức lớp ghép (gộp chung học sinh giữ thêm ngoài giờ của nhiều lớp lại với nhau, có thể không phân biệt độ tuổi, nhóm lớp) để có phương án chi trả hỗ trợ hợp lý.

Ngoài ra, theo ông Phạm Huy Thông, Phó Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM, công đoàn các doanh nghiệp nên có một phần hỗ trợ chi phí gửi con ngoài giờ cho người lao động. Hiện nay, do kinh phí công đoàn chưa quy định khoản hỗ trợ này nên một số doanh nghiệp mới hỗ trợ tượng trưng 20.000 - 100.000 đồng/công nhân/tháng. Về lâu dài, ông Thông đề nghị Liên đoàn Lao động TPHCM hướng dẫn các tổ chức công đoàn thỏa thuận với doanh nghiệp nhằm chia sẻ khó khăn cho người lao động.

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục