Bạo lực học đường: Nghiêm trọng và nhức nhối hơn

Mấy tháng gần đây, nhiều vụ bạo lực học đường liên tiếp xảy ra ở nhiều địa phương với mức độ nghiêm trọng, tính chất côn đồ gia tăng. Bóng đen bạo lực học đường bùng phát đang gây hoang mang, bức xúc cho xã hội và làm nhói lòng các nhà giáo dục.
Bạo lực học đường: Nghiêm trọng và nhức nhối hơn

Mấy tháng gần đây, nhiều vụ bạo lực học đường liên tiếp xảy ra ở nhiều địa phương với mức độ nghiêm trọng, tính chất côn đồ gia tăng. Bóng đen bạo lực học đường bùng phát đang gây hoang mang, bức xúc cho xã hội và làm nhói lòng các nhà giáo dục.

Bất ổn từ nhiều phía

Chỉ trong một thời gian ngắn gần đây, cả nước liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc bạo lực học đường và hành vi bạo hành liên quan đến nhiều người từ học sinh đến thầy cô giáo và cả phụ huynh. Nổi cộm nhất là những video clip học sinh đánh nhau hội đồng diễn ra ở ngoài cổng trường báo động về tính côn đồ, ức hiếp theo kiểu xã hội đen.

Cụ thể, ngày 19-9, em Q.Huy, học sinh lớp 8 Trường THCS Âu Lâu (TP Yên Bái), bị một nhóm người chặn trước cổng trường, dùng tuýp cao su đánh và ép phải quỳ lạy xin tha thứ trước sự chứng kiến của nhiều học sinh khác. Sự việc đau lòng này đã khiến em Q.Huy tổn thương nặng và tìm đến cái chết sau đó ít ngày.

Ngày 4-10, một clip phát tán trên mạng xã hội ghi lại cảnh một nữ sinh trên vai vẫn còn đeo cặp táp, mặc áo trắng học trò bị một nhóm bạn túm tóc, dùng chân đá, tát liên tục vào mặt một cách dã man, mất tính người. Được biết đây là nữ sinh đang học tại một trường THPT trên địa bàn huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình).

Nhiều vụ bạo lực học đường liên tiếp xảy ra gần đây với mức độ nghiêm trọng

Ngày 13-10, nữ sinh tên Th., học sinh lớp 8A5 Trường THCS Nguyễn Du (thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) đánh nhau với một nữ sinh khác thì bị bạn bè quay lại đưa lên mạng xã hội. Nguyên nhân ban đầu xác định là em Th. mất điện thoại, nghi ngờ một bạn lấy nên cả hai hẹn ra hoa viên nói chuyện rồi dẫn đến đánh nhau.

Ngày 23-10, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip một nam sinh học lớp 7 Trường THCS Minh Tân (huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) bị nhóm 5 nam sinh cùng trường và lớn hơn chặn đường đánh hội đồng. Nguyên nhân là do em không chịu “cống nạp” số tiền 5.000 đồng ăn sáng cho nhóm nam sinh này.

Điều đáng nói ở đây là sự vô cảm, hùa theo hành vi xấu của nhiều “hung thần áo trắng”. Chẳng những không can ngăn hành vi xấu khi thấy nạn nhân bị đánh hội đồng thậm tệ, dã man, một số em khác còn reo hò, cổ vũ và vô tư quay lại clip, đưa lên mạng vào lúc 21 giờ 35 cùng ngày. Không chỉ uy hiếp bằng vũ lực, nhóm này còn bắt nạn nhân quỳ xuống xin lỗi và dù bạn mình đã van xin cả nhóm vẫn tiếp tục đấm đá, kèm theo những câu nói thiếu văn hóa.

Nhưng có lẽ video clip mới đây quay cảnh một nữ sinh vừa mới tốt nghiệp trường THCS bị đánh hội đồng, bị bắt liếm chân xảy ra ở huyện Nhà Bè (TPHCM) gây rúng động dư luận hơn bởi tính chất dã man, tàn bạo của một nhóm hung thần nữ đã bỏ học, lang thang. Dù vụ việc xảy ra ngoài trường học nhưng dư luận không thể không đặt câu hỏi rằng “ở độ tuổi 15 - 16, các em từng là học trò, từng được học những bài học về đạo đức và kiến thức về pháp luật nhưng sao lại nhanh chóng biến chất, phạm tội như thế?”.

Nhân rộng yêu thương để đẩy lùi bạo lực

Học sinh Trường THCS Châu Văn Liêm (quận Phú Nhuận) tham gia chương trình học kỹ năng phòng vệ

Không dừng ở những vụ việc học sinh đánh học sinh, chúng ta còn đau lòng nhức nhối với nhiều hành vi bất nhẫn, hành hạ, đánh đập gây thương tích đối với trẻ em mầm non của không ít giáo viên, bảo mẫu. Đơn cử, mới nhất là clip về một bé gái 3 tuổi ở Trường Mầm non Cầu Kè (Trà Vinh) bị bảo mẫu tát vào mặt bầm tím, gào thét thảm thiết. Trước đó, nhiều clip khác cũng phơi bày sự vô lương tâm, phản giáo dục của nhiều giáo viên, bảo mẫu ở các trường mầm non thuộc một số địa phương khác hành hạ, đánh đập trẻ em không thương tiếc.

Bạo lực học đường hay nạn bắt nạt học sinh diễn ra dưới nhiều hình thức từ bạo hành tinh thần đến thể chất đang len lỏi, xâm nhập vào trường học, đe dọa sự an toàn ở các cấp học. Đáng buồn hơn là hình ảnh người thầy đang bị lu mờ bởi những hành động nóng giận, chửi mắng, lăng nhục hoặc đánh học trò đến thương tích, chảy máu… Mới đây, hành vi đánh học trò lớp 7 bầm mông, bầm đùi của một thầy giáo ở Trường THCS Bến Ván (Thừa Thiên - Huế) chỉ vì các em vô tình làm gãy một chiếc ghế trong giờ học khiến phụ huynh, dư luận bức xúc.

Mối lo ngại về bạo lực học đường đang trở thành vấn đề nóng bỏng và nó khiến tất cả chúng ta day dứt không yên. Bức tranh chung phản chiếu mức độ nghiêm trọng của nó, dù xảy ra trong và ngoài cổng trường, đều là dấu hiệu sa sút về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử và thiếu hụt kỹ năng sống của một bộ phận học sinh, giới trẻ. Dù ngành giáo dục đã triển khai nhiều biện pháp, mở rộng chương trình tư vấn học đường, tăng thêm giáo viên chuyên trách tâm lý… nhưng tại sao bạo lực học đường vẫn không thuyên giảm mà ngày một tăng?

Việc ngăn chặn hành vi bạo lực cần nhiều giải pháp đồng bộ và sự chung tay của toàn xã hội, trong đó trường học, gia đình phải trở thành giá đỡ, lá chắn an toàn cho học sinh, con trẻ. Theo chuyên gia tâm lý - TS Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính quốc gia TPHCM), để giảm thiểu những câu chuyện đau lòng như trên, cần mở rộng việc tuyên truyền, trang bị kỹ năng phòng vệ cho học sinh trước các vấn nạn có thể xảy ra đối với các em. Hơn nữa, phải dạy học sinh kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp để các em biết cách ứng xử, giải quyết các mâu thuẫn, xung đột theo hướng ôn hòa. Và thay vì nhồi nhét kiến thức, bắt học sinh học quá nhiều những điều xa rời thực tế, hãy tạo thêm sân chơi lành mạnh, bổ ích để các em học làm người, lĩnh hội những giá trị sống nhân văn, rèn luyện nhân cách. Hãy nhân rộng vòng tay yêu thương, sẻ chia điều tử tế để nó đẩy lùi bạo lực, hành vi ứng xử thiếu văn hóa trong giới trẻ.

KHÁNH HÀ

Tin cùng chuyên mục