“Tôi bảo vệ tôi”

Đó là thông điệp mà học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (TPHCM) thể hiện trong chuyên đề học về kỹ năng sống. Ngoài áp lực học hành, lứa tuổi áo trắng đang chịu nhiều sức ép, thử thách lẫn nguy cơ thiếu an toàn từ môi trường học đường lẫn ngoài xã hội. Ai sẽ bảo vệ các em tốt nhất nếu không phải là người trong cuộc?
“Tôi bảo vệ tôi”

Đó là thông điệp mà học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (TPHCM) thể hiện trong chuyên đề học về kỹ năng sống. Ngoài áp lực học hành, lứa tuổi áo trắng đang chịu nhiều sức ép, thử thách lẫn nguy cơ thiếu an toàn từ môi trường học đường lẫn ngoài xã hội. Ai sẽ bảo vệ các em tốt nhất nếu không phải là người trong cuộc?

Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn tham gia chuyên đề học kỹ năng sống “Tôi bảo vệ tôi”



Thử thách, áp lực là cơ hội vươn lên

Học sinh các cấp đang phải đối mặt, chịu đựng áp lực học hành, thi cử như thế nào? Trò chơi của nhóm học sinh lớp 11D3 Trường Lê Quý Đôn đã khuấy động hội trường bởi những câu hỏi đơn giản nhưng chất chứa nỗi niềm chung - đó là áp lực học hành đang bủa vây, đè nặng. Đó là những câu hỏi nhói lòng: Bao nhiêu bạn ở đây phải đi học thêm, phải chịu áp lực vì kỳ vọng của bố mẹ, thiếu thời gian vui chơi, giải trí, từng phải nói dối điểm số với bố mẹ…

Trình bày thực trạng, nguyên nhân, giải pháp, nhóm này đưa ra con số đáng báo động: mỗi năm có hàng chục ngàn lượt học sinh phải tìm đến Bệnh viện Tâm thần TPHCM để khám chữa bệnh và nó đang gia tăng mỗi năm. Chạy theo áp lực học hành, thi cử triền miên và kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô, nhiều học trò mờ mắt, còng lưng vì nhồi nhét kiến thức, học thêm từ sáng đến tối mịt. Không chỉ trình chiếu hình ảnh nhiều bạn học trò đang gục trên bàn vì mệt mỏi, đưa ra những câu chuyện bi thương, bế tắc vì chuyện học, các bạn còn cảnh báo nỗi đau phải tìm đến cái chết của nhiều học sinh. Để nghe tiếng nói đa chiều, nhóm học sinh lớp 11D3 còn làm video clip phỏng vấn ngẫu nhiên nhiều học sinh ở ngoài đường. Khi nghe bạn học sinh thổ lộ rằng “mơ ước của em chỉ là ngủ một giấc không mộng mị, không phải sống thay phần ước mơ của bố mẹ” khiến người xem, trong đó có nhiều phụ huynh phải suy ngẫm. Nghe được tiếng nói đồng cảm này, nhiều học sinh vỗ tay thích thú, hưởng ứng. Bên cạnh đó, nhóm học sinh này còn đưa ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm bảo vệ mình như giảm căng thẳng, cân bằng giữa học hành với vui chơi, giải trí lành mạnh, tránh tìm đến hành vi tiêu cực… Kết thúc đề tài của mình, nhóm này nhắn nhủ rằng “mọi thứ tiêu cực, áp lực thử thách đều là cơ hội vươn lên”.

Còn nhóm lớp 12N đặt vấn đề gần gũi và thực tế: “Thế giới đầy rẫy hiểm nguy, bạn đã bảo vệ được mình chưa?”. Không chỉ trình bày poster đầy màu sắc, hình ảnh sinh động về thế giới xung quanh đầy rẫy hiểm nguy, nhóm này còn tư vấn giới trẻ phải trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh. Với chủ đề “Im lặng, chịu đựng hay lên tiếng”, nhóm học sinh lớp 12D2 đã cảnh báo tình trạng phụ nữ Việt Nam bị quấy rối tình dục nơi công cộng và đưa ra nhiều tình huống tự bảo vệ mình, tránh xa các nguy cơ bị lợi dụng, xâm hại. Thay vì chịu đựng, các bé gái, phụ nữ phải lên tiếng, tìm sự giúp đỡ để những hành vi xấu, tội phạm không có đất sống.

Sáng tạo trong từng sản phẩm

Thông qua các hình thức làm dự án dạy và học sáng tạo như thiết kế poster, làm phim và thuyết trình về những đề tài thực tế, gần gũi, học sinh khối lớp 10, 11, 12 của Trường THPT Lê Quý Đôn đã có một buổi học lồng ghép môn Giáo dục công dân với trang bị kỹ năng sống bổ ích, lý thú. Không chỉ được thỏa thích chọn đề tài, nói lên suy nghĩ, quan điểm trước các vấn đề liên quan đến mình, các em còn truyền tải thông điệp mạnh mẽ “Tôi bảo vệ tôi” trong từng sản phẩm được đầu tư, lồng ghép công phu, bài bản. Khi xem bộ phim Quấy rối tình dục của lớp 10D1, người xem cảm nhận được sự hài hước, vui nhộn nhưng cũng rất sâu lắng. Đặc biệt ở video clip Lừa gạt, dụ dỗ, buôn bán trẻ em nữ qua biên giới, nhóm học sinh của lớp 11D1 đã cảnh báo nguy hiểm từ những cái bẫy ngọt ngào, tinh vi được giăng ra ở khắp mọi nơi. Người xem thực sự xúc động khi xem Lăng kính yêu thương của lớp 12AD2. Đặt mình vào từng hoàn cảnh, trường hợp bị bạo lực gia đình, bạn Thái Hòa (lớp 12AD2) đã gửi đi thông điệp sẻ chia, yêu thương và chỉ có gia đình mới là cái nôi yêu thương bền vững nhất.

Cô Nguyễn Thị Hồng Châu, Tổ trưởng Tổ Giáo dục công dân của Trường THPT Lê Quý Đôn, cho biết: “Tất cả sản phẩm học theo dự án này đều do chính học sinh thực hiện, thu thập tài liệu, trải nghiệm thực tế, sáng tạo về  kỹ thuật, công nghệ. Với kiến thức thu thập được, các em tự tin, làm chủ tiết học và trình bày lưu loát, chuyên nghiệp”. Thay vì học lý thuyết khô khan và khó tiếp thu với những bài học về kỹ năng sống theo cách dạy truyền thống, chuyên đề “Tôi bảo vệ tôi” đã trở thành sân chơi sôi động, hào hứng, tạo cơ hội cho các đội thi thuộc ba khối lớp 10, 11, 12 thể hiện sở trường, tài năng. Bằng những đề tài, câu chuyện mang tính thời sự, hình ảnh gần gũi với lứa tuổi học trò, lồng ghép nội dung sáng tạo, các em đã tạo ra giờ học bổ ích, giàu cảm xúc. Theo chia sẻ của Th.S Phạm Phúc Thịnh và TS Tâm lý Lê Thị Linh Trang (khách mời), ở độ tuổi mới lớn, các em luôn phải đối phó với nhiều nguy cơ rình rập, cạm bẫy thiếu an toàn. Vì thế, các em phải chủ động trang bị kỹ năng sống để vượt qua cám dỗ, dũng cảm tố cáo những hành vi xấu với người thân, thầy cô. Pháp luật luôn bảo vệ các em ở lứa tuổi dưới 18 và để tránh khỏi những cạm bẫy nguy hiểm, thiếu an toàn, chỉ có các em mới bảo vệ được chính mình.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục