Giáo dục trẻ khuyết tật: Cần phối hợp tốt hơn từ nhiều phía

Giáo dục trẻ khuyết tật: Cần phối hợp tốt hơn từ nhiều phía

TPHCM hiện là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ. Hiện nay, mạng lưới trường chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập đã phủ khắp 24 quận, huyện, chất lượng đội ngũ ngày càng ổn định. Tuy nhiên, vẫn tồn tại không ít lo ngại về nguy cơ thiếu hụt đội ngũ, phát triển hoạt động kém bền vững. Vì sao?

“Chảy máu” giáo viên, xuống cấp cơ sở vật chất

Sáng 1-12, tại buổi họp giao ban công tác giáo dục đặc biệt lần 1 năm học 2016-2017, bà Nguyễn Từ Dũ, Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo Giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn TPHCM, cho biết theo đề án phát triển của UBND TP, đã có 2 trường chuyên biệt trên địa bàn TP chuyển đổi mô hình hoạt động thành trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập là Trường chuyên biệt Hướng Dương (quận Tân Bình) và Trường chuyên biệt Rạng Đông (huyện Bình Chánh).

Dự kiến từ đây đến năm 2020, sẽ có thêm 3 trường chuyên biệt chuyển đổi hoạt động theo hình thức này. Đây là một trong những nỗ lực của TP trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật, chuyển đổi mô hình quản lý từ UBND quận, huyện (đối với trường chuyên biệt) sang Sở GD-ĐT (đối với trung tâm).

Ngoài ra, TP cũng đang xây dựng đề án “Chế độ hỗ trợ cho nhân viên công tác tại các trường chuyên biệt và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập” để góp phần ổn định và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

Một giờ học ngoại khóa của cô và học sinh Trường chuyên biệt Hy Vọng (quận 6)

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật TPHCM, hiện nay đang xuất hiện tình trạng “chảy máu” giáo viên tại các cơ sở giáo dục trẻ khuyết tật. Nguyên nhân là do nhu cầu phụ huynh mời giáo viên về nhà can thiệp các dạng khuyết tật cho con em ngày càng nhiều, với mức lương làm việc tại gia gấp 2, 3 lần trường công lập, thời gian và chương trình không bị ràng buộc, khiến nhiều giáo viên quyết định bỏ việc ở trường công.

“Toàn TP hiện chỉ có hai đơn vị đào tạo giáo viên giáo dục đặc biệt là Trường Đại học Sư phạm TPHCM và Cao đẳng Sư phạm trung ương. Ngay từ đầu vào, chỉ có rất ít sinh viên có hộ khẩu TP nhập học, ra trường các em không đủ điều kiện tuyển dụng vào trường công; hoặc nếu tuyển được giáo viên, các trường cũng đau đầu bài toán giữ chân đội ngũ”, ông Tâm bày tỏ.

Đồng quan điểm, đại diện Phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận, cho biết sau các đợt tuyển dụng viên chức hàng năm tại địa phương luôn có giáo viên bỏ việc, do không chịu được áp lực công việc hoặc định kiến từ gia đình.

Về cơ sở vật chất, bà Nguyễn Từ Dũ cho biết qua các đợt đi kiểm tra, vẫn tồn tại cơ sở sử dụng ti vi loại “nguyên cục lớn”, diện tích phòng học nhỏ hẹp tạo tâm lý bức bối cho giáo viên. Có nơi nhà vệ sinh chưa được trang bị xà bông, nước rửa tay, tay vịn cho trẻ gặp khó khăn về vận động và vách ngăn giữa các bồn tiểu (đối với các lớp trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên, có nhận thức về hành vi giới tính).

Riêng về đồ dùng, đồ chơi, nhiều đơn vị vẫn chưa đạt yêu cầu chất lượng ở mức tối thiểu. Trường có cơ sở vật chất khang trang nhưng không có phòng hỗ trợ giáo dục cá nhân khiến hoạt động hỗ trợ bị ảnh hưởng. Cá biệt có Trường chuyên biệt Hi Vọng (quận 8) do cơ sở chật hẹp, phải tận dụng sân thượng làm phòng dạy chuyên đề cho giáo viên.

Quan tâm hơn hệ thống ngoài công lập

Phát biểu tại buổi họp, bà Võ Thị Thùy, Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Khai Trí (huyện Củ Chi), bày tỏ hội thi giáo viên dạy khuyết tật giỏi cấp TP nhiều năm qua mới là cuộc chơi của các trường công lập, giáo viên ở các trường ngoài công lập chưa được tạo điều kiện tham gia.

Đặc biệt, với đặc thù giáo viên dạy khuyết tật có nhiều chuyên môn khác nhau như dạy lớp khiếm thính, khiếm thị, giáo viên dạy trẻ tự kỷ, rối loạn tâm thần nhưng khi tham gia hội thi lại chỉ quy định mỗi quận, huyện cử 1 - 2 giáo viên tiêu biểu, khiến cơ hội được học tập, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các giáo viên ở từng lĩnh vực bị bó hẹp.

Theo bà Thùy, với công việc nuôi dạy trẻ khuyết tật, áp lực và đòi hỏi công việc đối với các giáo viên rất lớn. Nếu không có các sân chơi như hội thi, hội diễn văn nghệ sẽ khiến các thầy cô dễ bị stress, khó đạt hiệu quả cao trong công việc.     

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, năm học 2015-2016, toàn TP có 4 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập ngoài công lập đang hoạt động tại các quận 7, 9, Gò Vấp và huyện Củ Chi. Tuy nhiên, đến đầu năm học 2016-2017 chỉ còn 3 trung tâm do đơn vị ở quận 7 xin giải thể.

Hiện nay, Sở GD đang tiếp nhận 2 hồ sơ thành lập mới trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, đang trong giai đoạn thẩm định điều kiện để cấp phép hoạt động. Dự kiến trong thời gian tới, số cơ sở sẽ tăng do nhu cầu gửi con của phụ huynh rất lớn.

Trước thực tế này, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, Trưởng ban chỉ đạo Giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn TP, yêu cầu các quận, huyện tạo mọi điều kiện cho giáo viên trường công và ngoài công lập cùng tham gia các sân chơi, hội thi nghề nghiệp; phòng GD-ĐT các quận, huyện tăng cường tham mưu UBND quận, huyện trong việc tổ chức hoạt động tuyên truyền, giúp người dân hiểu đúng, hiểu đủ về giáo dục khuyết tật, nâng cao hiệu quả giám định y tế để có định hướng đúng đắn trong chăm sóc và giáo dục trẻ khuyết tật.

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục