Học sinh THPT Bùi Thị Xuân học cách nhận diện, thực hiện ước mơ

Sáng 5-12, hơn 2.000 học sinh trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM) đã có buổi giao lưu lý thú với anh Dương Trọng Phúc - Phó Giám đốc Nhà Văn hóa sinh viên trong chuyên đề “Tôi có một ước mơ”.
Học sinh THPT Bùi Thị Xuân học cách nhận diện, thực hiện ước mơ

(SGGPO).- Sáng 5-12, hơn 2.000 học sinh trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM) đã có buổi giao lưu lý thú với anh Dương Trọng Phúc - Phó Giám đốc Nhà Văn hóa sinh viên trong chuyên đề “Tôi có một ước mơ”.

Với cách chia sẻ hài hước nhưng rất chân tình, anh Phúc gợi mở, hướng dẫn cụ thể từng bước để học sinh có thể đi đến ước mơ nghề nghiệp.

Dưới sự dẫn dắt của anh Dương Trọng Phúc, nhiều học sinh mạnh dạn nói về ước mơ của mình. Đáp lại những chia sẻ của học sinh, anh Phúc tận tình bật mí bí quyết “5 biết”: biết mình là ai, biết ước mơ, biết chia sẻ ước mơ, biết lập kế hoạch thực hiện ước mơ, biết cách vượt qua khó khăn.

Anh cho rằng hiện nay nhiều học sinh chọn nghề theo phong trào chứ không hiểu rõ khả năng bản thân, xuất phát điểm của mình ở mức độ như thế nào… Do vậy, việc đầu tiên học sinh cần là phải suy nghĩ, tự mình phân tích điểm mạnh - điểm yếu trong khả năng, tiềm năng của bản thân. Hơn nữa, theo anh, hạn chế của học sinh là nhiều em có ước mơ nhưng không tự tin nói cho người khác nghe. Việc chia sẻ với ba mẹ, thầy cô, bạn bè thân… vào đúng thời điểm, đúng cách thức sẽ giúp học sinh được tiếp thêm động lực, nhận được nhiều tư vấn, lời khuyên phù hợp.

Học sinh THPT Bùi Thị Xuân học cách nhận diện, thực hiện ước mơ ảnh 1

Hơn 2.000 học sinh tham gia chuyên đề “Tôi có một ước mơ”

Anh cũng nhấn mạnh: “Trong quá trình đi dạy, tôi tiếp xúc khá nhiều sinh viên. Khi nói chuyện với họ về ước mơ nghề nghiệp, đa phần đều nói rằng mơ ước ra trường có việc làm ổn định. Riêng tôi, tôi nghĩ chúng ta đừng chung chung với ước mơ mà hãy thật cụ thể. Ngay từ sớm, các bạn phải có mục tiêu cụ thể, biết chia nhỏ từng mốc giai đoạn để phấn đấu. Trên con đường đến với ước mơ sẽ có vô vàn khó khăn. Vượt qua thử thách không phải cứ đâm đầu vào mà chính là tìm cách hợp lý nhất để vượt qua nó. Sự đánh đổi cho một ước mơ, cho một mục đích sống vốn chưa bao giờ đơn giản, nhưng nó phụ thuộc rất nhiều vào chính bản thân mỗi người”. 

Kết thúc buổi giao lưu, Nguyễn Khánh Linh - học sinh lớp 12A7, tâm sự: “Ba mẹ em mong muốn em trở thành một bác sĩ hoặc giáo viên, nhưng em lại ước mơ trở thành quản lý nhà hàng khách sạn. Điều đó khiến em rất băn khoăn khi chọn lựa nghề nghiệp. Bản thân em là một người giao tiếp tốt, có khả năng thấu hiểu - chia sẻ với người khác và em tin mình có thể thực hiện được ước mơ. Sau chuyên đề này, em sẽ tự tin chia sẻ điều đó đến ba mẹ để họ hiểu, ủng hộ nghề nghiệp em sẽ lựa chọn”.

Sau chuyên đề “Tôi có một ước mơ”, các học sinh của Trường THPT Bùi Thị Xuân tiếp tục hoàn thành bài trắc nghiệm Vòng sơ loại cuộc thi Thực hiện ước mơ lần 5 ngay tại lớp học.

Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân thực hiện bài thi trắc nghiệm. Ảnh: VÕ THẮM

Hôm nay 5-12, hàng ngàn học sinh các trường: THPT Tạ Quang Bửu (quận 8), THPT Long Trường (quận 9), THPT Tân Bình (quận Tân Phú), TH- THCS-THPT Bác Ái (quận Tân Bình), THPT Lý Tự Trọng (quận Tân Bình), THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) cũng đã hoàn thành bài thi bài trắc nghiệm Vòng sơ loại cuộc thi Thực hiện ước mơ.

Đến nay, vòng sơ loại đã đến với 62 trường THPT trên địa bàn TPHCM, thu hút hơn 80.000 thí sinh. Riêng phần thi trực tuyến tại website www.thuchienuocmo.vn thu hút hơn 13.000 thí sinh từ Đà Nẵng đến Cà Mau tham gia. Vòng sơ loại cuộc thi sẽ diễn ra đến hết ngày 16-12.

VÕ THẮM

Học sinh THPT Bùi Thị Xuân học cách nhận diện, thực hiện ước mơ ảnh 3

Các tin, bài viết khác

Tin cùng chuyên mục