Cần hành xử lý trí

LÂM NGUYÊN

Mấy ngày qua, phụ huynh, giáo viên và học sinh Trường Tiểu học số 1 Nhơn Hậu (phường Đập Đá, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) rất bức xúc trước việc một phụ huynh ngang nhiên xông vào trường đánh một nam học sinh của trường đến ngất xỉu trước sự chứng kiến của nhiều người. Cụ thể, sau khi nghe con gái kể bị một bạn trai trong lớp chọc ghẹo, bố của học sinh nữ này đã  tức giận đến trường hành hung, dùng khăn quàng trói tay và đánh đấm vào đầu, mặt, bụng… khiến học sinh nam đó ngất xỉu phải đưa đi bệnh viện cấp cứu…

Câu chuyện này diễn ra là thêm một  nỗi buồn ở trường học, thêm một nỗi ám ảnh về bạo lực học đường vốn dĩ đã khiến xã hội, nhà trường, giáo viên, các bậc phụ huynh buồn phiền thời gian qua. Đã rất nhiều hội thảo, nhiều diễn đàn được mở ra trước vấn nạn bạo lực học đường ngày càng gia tăng, trong đó những câu chuyện học trò đánh nhau, giáo viên ứng xử không đúng chuẩn mực với học trò, học trò vô lễ thậm chí hỗn hào, gây thương tích cho thầy cô... luôn là những câu chuyện mà người ta không bao giờ muốn nghe. Nay, có thêm câu chuyện phụ huynh xông vào trường hành hung học sinh trước sự chứng kiến của nhiều học sinh ngay trong trường học càng là nỗi đau lòng không hề dễ quên. 

Chúng ta đều biết, bạo lực học đường đang  có chiều hướng tăng lên trong những năm gần đây. Dù ngành giáo dục đã có nhiều giải pháp để ngăn ngừa nhưng chắc chắn, đó là hành vi đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra. Và hành vi đó dù diễn ra một lần hoặc nhiều lần, diễn ra ở trong hoặc ngoài trường, diễn ra có chủ đích hoặc vô ý thì cũng tác động không tốt đến sự phát triển nhân cách của học sinh cũng như ảnh hưởng không tốt đến môi trường giáo dục. Bộ GD-ĐT cũng đã trăn trở, nỗ lực rất nhiều để ngăn ngừa nạn bạo lực học đường nhằm trả  lại môi trường học đường an toàn nhất, trong sáng, đẹp đẽ nhất của tình thầy trò, tình học trò đối với hàng chục triệu học sinh - sinh viên. Tuy nhiên, bất chấp mọi nỗ lực của ngành giáo dục cũng như hy vọng của xã hội, bạo lực học đường vẫn cứ diễn ra, dù ở cấp độ nào. Vì đâu nên nỗi?

Nhiều nguyên nhân của hành vi bạo lực học đường cũng đã được chỉ ra như từ gia đình (thiếu sự quan tâm giáo dục của cha mẹ, ảnh hưởng từ văn hóa gia đình,…), nguyên nhân từ nhà trường (việc quản lý nhà trường chưa được chú trọng, thiếu hụt đội ngũ tư vấn tâm lý giúp học sinh giải quyết các mâu thuẫn, giải tỏa căng thẳng,…), nguyên nhân từ xã hội (những tác động không mong muốn của việc bùng nổ internet, toàn cầu hóa, còn thiếu khu vui chơi giải trí lành mạnh cho học sinh,…), nguyên nhân thiếu sự liên kết giáo dục giữa gia đình - nhà trường - xã hội... Các nguyên nhân đó đều trực tiếp dẫn đến bạo lực học đường, góp phần ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của học sinh, làm ảnh hưởng xấu đến việc tự nhận thức về hành vi của các em.

Xã hội ngày càng thay đổi theo xu thế của thời đại công nghệ. Các mối quan hệ cũng như những con đường để “mở” vào tâm hồn, nhận thức của giới trẻ, của học sinh ngày càng nhiều hơn. Cùng với những cải thiện từ quản lý nhà nước để làm xã hội trở nên lành mạnh hơn; từ quản lý nhà trường để môi trường học đường trở nên trong sáng hơn… thì tác động từ phía gia đình, từ từng ông bố bà mẹ là rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách của  trẻ em, của học sinh, của từng thanh thiếu niên chuẩn bị bước vào đời. Mỗi hành vi, lời nói, việc làm của bố mẹ đều có thể là tấm gương soi chiếu trở lại đứa con của mình. Điều tốt sẽ được nhân lên nhưng điều xấu cũng dễ dàng bị ảnh hưởng bởi những tâm hồn trẻ con non nớt.

Vì vậy, câu chuyện một ông bố xông vào trường đánh một học sinh khác để bảo vệ con gái mình không thể là một hành vi được chấp nhận trong quá trình giáo dục nhân cách con trẻ. Các em sẽ học được gì tốt đẹp từ câu chuyện đó: niềm kiêu hãnh bởi được đấng sinh thành bảo vệ mọi lúc mọi nơi, niềm cảm phục tình phụ tử, lòng biết ơn bố mẹ được nhân lên? Hay ngược lại, là sự mở đường cho những hành vi bạo lực, ứng xử bằng cú đấm và sự chở che, bảo vệ người khác bằng mọi cách, bất chấp đúng sai và tác động tiêu cực đến xung quanh? Rõ ràng, để giáo dục nhân cách trẻ, một học sinh, một thanh thiếu niên đang chuẩn bị vào đời trưởng thành, bất cứ một ông bố bà mẹ nào, người thầy nào, một công dân có trách nhiệm nào cũng phải tự ý thức được hành vi, lời nói của mình. Ở mọi lúc mọi nơi, đều cần những lời nói hay nhất, những hành vi đẹp nhất.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục