Nhiều phụ huynh chọn trường tiểu học ngoài công lập

Khoảng 5 năm trở lại đây, sự phát triển ồ ạt của hệ thống các trường ngoài công lập cùng với nhiều ưu điểm nắm bắt đúng nhu cầu của phụ huynh như tăng cường giáo dục kỹ năng sống, tạo môi trường học tập đa ngôn ngữ đã khiến nhiều phụ huynh chuyển hướng cho con học trường tư thục, quốc tế. Liệu đây có phải tín hiệu tốt?
Nhiều phụ huynh chọn trường tiểu học ngoài công lập

Khoảng 5 năm trở lại đây, sự phát triển ồ ạt của hệ thống các trường ngoài công lập cùng với nhiều ưu điểm nắm bắt đúng nhu cầu của phụ huynh như tăng cường giáo dục kỹ năng sống, tạo môi trường học tập đa ngôn ngữ đã khiến nhiều phụ huynh chuyển hướng cho con học trường tư thục, quốc tế. Liệu đây có phải tín hiệu tốt?

Học sinh Trường TH-THCS-THPT Việt Úc (cơ sở quận 1) trong một giờ học ngoại khóa

Chuyển nhà cho con tiện đi học

Chị Thùy Trang, một phụ huynh có con đang học mầm non ở quận Gò Vấp, cho biết bé nhà chị năm nay 4 tuổi, tức 2 năm nữa mới vào lớp 1, nhưng ngay từ bây giờ, hai vợ chồng đã tìm hiểu giá căn hộ ở quận 7 với ý định sẽ chuyển nhà về đó vào giữa năm sau vì gia đình đã nhắm trước cho con một suất học ở Trường Tiểu học V.S (quận 7). “Nếu tìm được căn hộ giá cả hợp lý, tôi sẽ chuyển trường cho con về quận 7 học tiếp lớp lá để năm sau, bé tiện đi học ở V.S vì xe buýt đưa đón của trường này không có điểm dừng chân ở Gò Vấp”, chị Trang bày tỏ. Cũng theo chị Trang, để chọn trường tiểu học cho con, hai vợ chồng đã tìm hiểu rất nhiều từ trường công lập đến tư thục, nhưng vì ngại sĩ số trường công luôn quá tải, học sinh chỉ được học kiến thức mà thiếu các hoạt động trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống nên chị quyết định chọn một trường tư thục có mục tiêu giáo dục phù hợp với định hướng của gia đình, phương pháp dạy thiên về rèn kỹ năng sống, trường có đủ 3 cấp học với sĩ số không quá 25 học sinh/lớp để con có môi trường học tập tốt, không bị gián đoạn mỗi khi chuyển cấp học.  

Cùng suy nghĩ, anh Tấn Minh, phụ huynh có hộ khẩu ở quận 5, cho biết gia đình đã có kế hoạch dời nhà về quận 8 để năm sau con trai anh vào lớp 1 Trường Tiểu học, THCS và THPT A.E (huyện Bình Chánh). Anh giải thích: “Lúc đầu nghe tôi nói chuyển hộ khẩu về quận 8, cho con học ở Bình Chánh ai cũng phản đối vì người ta từ ngoại thành tiến về trung tâm chứ không ai tính chuyện ngược đời như tôi cả. Nhưng sau khi tìm hiểu nhiều nơi, hai vợ chồng chấp nhận đi xa để con có môi trường học tập ưng ý”. Theo lý giải của anh Minh, A.E hiện là một trong những trường có cơ sở vật chất tốt nhất ở bậc tiểu học với hai sân bóng đá đa năng, hồ bơi hiện đại, cụm rạp chiếu phim 2D và 3D phục vụ nhu cầu học tập của học sinh. Ngoài ra, theo học tại đây, các bé sẽ được học trong môi trường học tập song ngữ có 15 - 17 tiết tiếng Anh/tuần với giáo viên bản ngữ. Hiện trường đang có chương trình học phí ưu đãi trọn gói 620 triệu đồng cho 12 năm học, phụ huynh có thể chia nhỏ số tiền đóng nhiều lần trong 5 năm đầu tiên và không tốn thêm bất kỳ chi phí nào trong 7 năm học tiếp theo. “Số tiền bỏ ra tuy không nhỏ nhưng bù lại tôi có thể yên tâm về chỗ học của con suốt 12 năm phổ thông, xem như một hình thức đầu tư trọn gói một lần vậy”, anh Minh bày tỏ. 

Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp phụ huynh chọn trường tư thục cho bậc học nền tảng của con. Trao đổi với chúng tôi, một hiệu trưởng trường công lập đã về hưu, nay đang là phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo một trường tư thục ở huyện Bình Chánh cho biết, đa phần các tập đoàn giáo dục khi mở trường tại Việt Nam đều ưu tiên săn lùng quản lý là hiệu trưởng, hiệu phó đã về hưu của các trường công lập có tiếng trên địa bàn thành phố. “Một mặt họ có trong tay cơ sở vật chất tốt do mạnh vốn đầu tư, mặt khác thừa hưởng kinh nghiệm từ những nhà quản lý giáo dục lâu năm trong hệ thống trường công nên chất lượng giáo dục không có gì bàn cãi”, vị này khẳng định.    

Chú trọng phát triển “bản sắc riêng”

Không thể phủ nhận những đóng góp của hệ thống trường tư trong bức tranh giáo dục tổng thể chung của thành phố. Kết quả ghi nhận nhiều năm qua cho thấy, danh sách học sinh đoạt giải thưởng cao trong các kỳ thi tiếng Anh, thi hùng biện bằng hai ngôn ngữ Anh và Việt, giải toán qua mạng Internet, nhà tin học trẻ tuổi dành cho học sinh tiểu học đều có sự góp mặt đáng kể của các trường tư thục. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là vì sao trường tư ngày càng khẳng định được vị thế, các tập đoàn giáo dục không ngừng mở rộng đầu tư thêm cơ sở mới trong khi một số không ít trường công dù có lợi thế sân nhà, học phí ưu đãi nhưng ngày càng thất thế trên các bảng vàng thành tích chung của thành phố?

Trả lời câu hỏi này, hiệu trưởng một trường tiểu học công lập ở quận 3 cho biết, cái mà hiện nay trường công đang thiếu chính là việc khẳng định và giữ gìn bản sắc giáo dục riêng của mỗi đơn vị. “Thử hỏi trong số 514 trường tiểu học công lập đang hoạt động ở 24 quận, huyện, có bao nhiêu trường được phụ huynh nhắc đến với một ưu thế riêng nào đó. Đa số phụ huynh chạy trường vì tâm lý số đông, chứ không thật sự biết trường đó tốt nhất ở điểm gì. Nếu cứ khư khư bám mãi khung chương trình của Bộ GD-ĐT, mấy trăm trường như một thì đến bao giờ giáo dục tiểu học mới cất cánh”, vị này trăn trở.

Ngoài ra, chính thực tế thường xuyên thay đổi, luân chuyển cán bộ của hệ thống trường công đã góp phần khiến chất lượng hoạt động bị ảnh hưởng, có những sáng kiến đời hiệu trưởng này làm tốt nhưng người mới lên thay không tiếp tục duy trì khiến thương hiệu trồi sụt theo tên tuổi của hiệu trưởng. Vấn đề đặt ra là phải có suy nghĩ đúng hướng, giải pháp phù hợp để giáo dục ở trường công thật sự chuyển mình theo hướng bứt phá, sáng tạo.

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục