Băn khoăn

Thông tư 30 (TT30) của Bộ GD-ĐT về đổi mới đánh giá học sinh tiểu học đã vào thực tế từ năm học 2014-2015, tuy nhiên, đến nay dư luận trong giáo viên cũng như các bậc phụ huynh vẫn chưa hết băn khoăn.

Thông tư 30 (TT30) của Bộ GD-ĐT về đổi mới đánh giá học sinh tiểu học đã vào thực tế từ năm học 2014-2015, tuy nhiên, đến nay dư luận trong giáo viên cũng như các bậc phụ huynh vẫn chưa hết băn khoăn.

Mới đây tại Hà Nội, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức diễn đàn khoa học đánh giá kết quả thực hiện TT30. Tại đây, nhóm nghiên cứu của Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam công bố một kết quả nghiên cứu thông qua phỏng vấn trực tiếp, phiếu hỏi, tọa đàm với 630 giáo viên, 30 hiệu trưởng các trường tiểu học ở 5 tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Dương, Hòa Bình, Phú Thọ và Đà Nẵng. Nghiên cứu do PGS-TS Vũ Trọng Rỹ và các cộng sự (Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam) thực hiện.

Theo đó ở mỗi tỉnh, thành, nhóm phỏng vấn 10 trường (5 trường ở thành phố và 5 trường ở nông thôn). Các phiếu được đưa ra gồm 20 câu với nhiều khía cạnh của TT30. Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 95,2% giáo viên được hỏi khẳng định thực hiện TT30 vô cùng vất vả, phần lớn thời gian họ dành cho ghi nhận xét học sinh. Điều này cũng được các hiệu trưởng, cán bộ quản lý phòng và các sở GD-ĐT thừa nhận. Đặc biệt, thầy cô gặp khó khăn khi thực hiện xét khen thưởng cuối kỳ và cuối năm học. Trong khi đó, phụ huynh cũng ít quan tâm chuyện học của con hơn vì ít nhận được bằng chứng về điểm học tập của con.

Cụ thể, có tới 59% phụ huynh trả lời phản đối, không tán thành; 35% phụ huynh thờ ơ. Về phía học trò, các em thấy thoải mái, tự tin, chủ động hơn nhưng lại ít quan tâm việc học hơn trước và thiếu động lực học tập. Có 63,6% giáo viên trả lời “không” cho câu hỏi: “Thực hiện đánh giá học sinh theo TT30 có khuyến khích học sinh phấn đấu vươn lên trong học tập không?”, 63,7% cho rằng học sinh lười học hơn trước, 30,5% cho rằng “bình thường”, chỉ 5,9% cho là “học sinh chăm học hơn trước”. Gần 94% giáo viên cho rằng, học sinh có học lực khá trở lên đều muốn đánh giá bằng điểm số. Khoảng 60% cho rằng, học sinh có học lực yếu thích được đánh giá bằng nhận xét.

Ngoài ra, qua khảo sát cho thấy, đối với cán bộ quản lý đều ủng hộ chủ trương đổi mới của Bộ GD-ĐT, cần tiếp tục thực hiện TT30. Tuy nhiên, phần lớn giáo viên (và thông qua giáo viên về ý kiến cha mẹ học sinh) - những người đang trực tiếp thực hiện TT30 - thì cho rằng muốn quay về đánh giá bằng điểm số. Một phụ huynh ở quận Hà Đông (Hà Nội) có con học lớp 3 cho biết: Vở Toán giáo viên chấm đúng - sai, sau đó nhận xét: bài làm rất tốt - tốt - khá - yếu… Còn bài tiếng Việt cô chỉ nhận xét dạng bài làm tốt, bài làm đủ ý, hay chữ viết còn cẩu thả… Học sinh thì tự suy luận bài làm rất tốt tương đương 10 điểm; tốt thì 9 điểm… Nói chung vì không có chấm điểm nên học sinh cũng lười học hơn.

Có thể TT30 mang một ý nghĩa nhân văn rất lớn là giảm áp lực điểm số cho học sinh, không được so sánh giữa học sinh này và học sinh khác, giáo viên phải theo sát năng lực từng em để có nhận xét cụ thể, giúp học sinh tiến bộ. Tuy nhiên, sau gần 2 năm thực hiện TT30 đã nảy sinh nhiều khó khăn, khiếm khuyết, phàn nàn từ thực tiễn và đòi hỏi Bộ GD-ĐT phải thực sự lắng nghe, thay đổi.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục