Vận động người dân tiếp sức thí sinh thi THPT quốc gia 2016

Theo Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), số cụm thi đại học (ĐH) năm 2016 tăng lên 70 cụm so với 38 cụm thi của năm 2015. Rất nhiều tỉnh, thành phố lần đầu tiên tổ chức cụm thi ĐH như Đồng Nai, Bình Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau… nên chưa có kinh nghiệm ứng phó với việc quá tải thí sinh, phụ huynh tập trung. Do đó, Bộ GD-ĐT đặc biệt lưu ý phải đặc biệt quan tâm công tác hỗ trợ thí sinh, đặc biệt phải tuyên truyền vận động để người dân mở cửa sẵn sàng hỗ trợ, tiếp sức cho thí sinh.
Vận động người dân tiếp sức thí sinh thi THPT quốc gia 2016

Theo Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), số cụm thi đại học (ĐH) năm 2016 tăng lên 70 cụm so với 38 cụm thi của năm 2015. Rất nhiều tỉnh, thành phố lần đầu tiên tổ chức cụm thi ĐH như Đồng Nai, Bình Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau… nên chưa có kinh nghiệm ứng phó với việc quá tải thí sinh, phụ huynh tập trung. Do đó, Bộ GD-ĐT đặc biệt lưu ý phải đặc biệt quan tâm công tác hỗ trợ thí sinh, đặc biệt phải tuyên truyền vận động để người dân mở cửa sẵn sàng hỗ trợ, tiếp sức cho thí sinh.

Vận động người dân tiếp sức thí sinh thi THPT quốc gia 2016 ảnh 1

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga kiểm tra phòng thi và chúc học sinh Trường THPT chuyên Bến Tre (tỉnh Bến Tre) thi tốt



Nơi thừa, nơi thiếu

Chỉ còn vài ngày nữa hơn 800.000 thí sinh trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2016. Kỳ thi năm nay sẽ có hiện tượng các thành phố lớn thừa nguồn lực hỗ trợ thí sinh (vì lượng thí sinh đổ về thi ĐH ít hơn mọi năm), trong khi các tỉnh, thành phố nhỏ khác lại trở nên thiếu chỗ ăn ở vì quá tải.
Nếu như mọi năm TPHCM, Hà Nội luôn căng sức để tiếp sức cho thí sinh thì năm nay mọi việc đều dễ dàng. Ông Lê Xuân Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM kiêm Trưởng ban tổ chức chương trình Tiếp sức mùa thi tại TPHCM, phấn khởi: “TPHCM năm nay có khoảng 68.000 thí sinh tụ về dự thi, giảm hơn 50% số lượng so với năm ngoái. Đến thời điểm này, tất cả đều đã sẵn sàng tiếp đón, hỗ trợ thí sinh dự thi tại TPHCM. Chương trình tiếp sức được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ ngày 25-6 đến 4-7, có từ 4.000 - 5.000 sinh viên tình nguyện ra quân trực tại 64 điểm thi. Giai đoạn 2 là hỗ trợ thí sinh và người nhà nộp hồ sơ xét tuyển, kéo dài từ ngày 1 đến 12-8. Tất cả sinh viên tình nguyện sẽ được bố trí ở các bến xe, các trường, trên các tuyến xe buýt để hỗ trợ thí sinh”. Ông Dũng cũng cho biết thêm, sinh viên tình nguyện đều được tập huấn kỹ các kỹ năng và nắm bắt những thay đổi của kỳ thi cũng như cách xét tuyển của các trường để hỗ trợ thí sinh có hiệu quả. 

Trong khi đó, với nhiều tỉnh, thành phố lần đầu tổ chức cụm thi ĐH tập trung thí sinh thi sẽ trở nên quá tải. Đồng Nai tổ chức cụm thi ĐH tập trung tại thành phố Biên Hòa cho 14.500 thí sinh. Dù tỉnh đã triển khai, chỉ đạo nhưng thực tế nguồn nhà trọ miễn phí, giá rẻ cho thí sinh, phụ huynh cũng chưa xác định được số lượng cụ thể. Ngoài ra, vấn đề phòng chống ngập lụt do thời tiết cũng chưa được tính tới.   
Tương tự, tỉnh Bến Tre cũng là năm đầu tiên tổ chức cụm thi ĐH cho gần 7.500 học sinh của tỉnh nhà. Thực tế sức chứa của trung tâm thành phố Bến Tre khoảng 3.000 người, nhưng kỳ thi có đến khoảng 10.000 người (tính thêm cả người nhà thí sinh đi theo) thì chỗ ăn, ở là đáng lo nhất. Ngay cả Tỉnh đoàn cũng cho rằng nguồn nhà trọ đã khảo sát có nhưng rất ít, không thể đáp ứng đủ. 

Tại các địa phương có tổ chức cụm thi ĐH khác, vấn đề quá tải thí sinh cũng trở thành bài toán khó cho ban chỉ đạo thi của địa phương. 
              
Huy động người dân hỗ trợ thí sinh

GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, băn khoăn: “Qua khảo sát tình hình công tác tổ chức, Bộ GD-ĐT cho rằng những địa phương lần đầu tổ chức cụm thi ĐH dù đã rất nỗ lực nhưng bài toán chỗ ăn, ở cho thí sinh là nan giải nhất. Ở những tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM một phần vì có kinh nghiệm, một phần vì lực lương tiếp sức đông đảo (có sinh viên, có nhà dân, các tổ chức xã hội, mạnh thường quân…) nên đông mấy cũng lo được. Tuy nhiên, các thành phố nhỏ ở địa phương một phần thiếu kinh nghiệm tổ chức, một phần người dân cũng e dè chưa mở cửa đón TS như ở các thành phố lớn”.
Trước thực tế trên, Thứ trường Bùi Văn Ga lưu ý: “Ban chỉ đạo thi của các tỉnh, thành phố và Tỉnh đoàn trước hết phải tập trung tuyên truyền, phổ biến ý nghĩa kỳ thi cho người dân hiểu. Khi người dân đã hiểu thì họ sẽ sẵn sàng tiếp sức, mở cửa đón tiếp hỗ trợ thí sinh hoàn thành kỳ thi. Một khi người dân cùng góp sức thì chắc chắn bài toán thiếu chỗ ăn ở sẽ được giải quyết”. 

Cùng với Bộ GD-ĐT, Trung ương Đoàn cũng đã phát động chương trình Tiếp sức mùa thi triển khai trên 63 tỉnh, thành của cả nước. Các đội hình chính gồm tư vấn mùa thi, tìm kiếm nhà trọ, đón tiếp và hỗ trợ thí sinh cũng đã ra mắt, sẵn sàng giúp đỡ thí sinh trên cả nước. Những thí sinh người dân tộc thiểu số, con em của các gia đình có công với cách mạng, con em các lực lượng công tác tại biên giới, hải đảo, những thí sinh ở xa địa điểm sẽ được lực lương tình nguyện hỗ trợ đặc biệt. Cùng với đó, các Tỉnh đoàn ở các địa phương cũng thành lập đường dây nóng để hỗ trợ cho thí sinh. Ban tổ chức chương trình cho hay, một điểm mới của Tiếp sức mùa thi năm nay là thông tin tư vấn, thông tin công tác hỗ trợ sẽ được cập nhật thường xuyên thông qua website www.hoisinhvien.com.vn, đồng thời nhiều Tỉnh đoàn cũng đưa thông tin tiếp sức lên các trang mạng xã hội để thí sinh tìm hiểu, nắm bắt thông tin.

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục