Trường mầm non tiên tiến chưa thể thực hiện đại trà

Năm học 2016-2017 là năm đầu tiên TPHCM triển khai thí điểm mô hình trường học tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế, theo Quyết định số 3036 của UBND TPHCM. Theo đó, bậc mầm non sẽ có 11 trường tham gia thí điểm mô hình này, rải đều ở các quận 2, 5, 6, 10, Bình Tân, Tân Bình…
Trường mầm non tiên tiến chưa thể thực hiện đại trà

Năm học 2016-2017 là năm đầu tiên TPHCM triển khai thí điểm mô hình trường học tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế, theo Quyết định số 3036 của UBND TPHCM. Theo đó, bậc mầm non sẽ có 11 trường tham gia thí điểm mô hình này, rải đều ở các quận 2, 5, 6, 10, Bình Tân, Tân Bình…

Học sinh Trường Mầm non Vàng Anh (quận 5) trong một giờ học làm quen với ngoại ngữ


Tăng cường ngoại ngữ và giáo dục kỹ năng sống

Theo quyết định của UBND TP, tiêu chí xây dựng trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế hướng đến sự phát triển toàn diện của học sinh. Trong đó, ngoài những yêu cầu riêng về cơ sở vật chất, trình độ đội ngũ cán bộ giáo viên, ở bậc mầm non còn có thêm một số tiêu chí như trường được đánh giá đạt cấp độ 2 về kiểm định chất lượng giáo dục, có các dịch vụ cung ứng như hoạt động làm quen ngoại ngữ, âm nhạc, vẽ, thể dục, bơi lội, đá bóng, võ thuật, tâm lý…

Trao đổi với chúng tôi, bà La Thị Hồng Cúc, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Vàng Anh (quận 5), cho biết chương trình học theo mô hình tiên tiến sẽ tập trung đẩy mạnh hai nhiệm vụ là tăng cường cho trẻ làm quen với ngoại ngữ và giáo dục kỹ năng sống. Theo đó, năm học 2016-2017, trường thực hiện mô hình này đối với 4 lớp mầm, tổng chỉ tiêu dự kiến khoảng 140 học sinh. Bà Cúc bày tỏ: “Trước đây, việc cho trẻ làm quen với ngoại ngữ và học các môn năng khiếu phụ thuộc đăng ký của phụ huynh. Nhưng khi theo học mô hình này, 100% trẻ sẽ được làm quen với ngoại ngữ và học năng khiếu, kết hợp với việc tăng cường các hoạt động ngoại khóa, tham quan dã ngoại, giáo dục kỹ năng sống”. Về cơ sở vật chất, tất cả lớp tham gia mô hình này đều được lót sàn gỗ, gắn máy lạnh và bổ sung đồ dùng, đồ chơi theo danh mục hướng dẫn của Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT). Dự kiến, sau năm đầu tiên thí điểm ở khối mầm, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai cuốn chiếu đối với hai khối chồi và lá.  

Tương tự, tại Trường Mầm non 14 (quận Tân Bình), bà Lê Thị Thiếu Hoa, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết năm học 2016-2017, đơn vị thí điểm mô hình ở 4 lớp mầm, sĩ số mỗi lớp không quá 35 học sinh. Bên cạnh việc đẩy mạnh các hoạt động lễ hội, âm nhạc nhằm giúp trẻ tăng thêm tự tin, mạnh dạn, có hiểu biết về các điệu nhảy, âm nhạc truyền thống của dân tộc, năm học này, nhà trường chú trọng các hoạt động cho trẻ làm quen ngoại ngữ, tăng cường vận động qua thể dục 10 môn phối hợp, thường xuyên tổ chức các chuyến tham quan nhà sách, siêu thị, di tích lịch sử để giáo dục trẻ kỹ năng sống. “Mỗi tuần, các bé sẽ có 3 buổi làm quen với ngoại ngữ, trong đó 2 buổi học với giáo viên người nước ngoài, số còn lại học với giáo viên bản xứ. Học phí dự kiến sẽ không tăng quá 1,5 triệu đồng/tháng so với mức thu học phí theo quy định của Nhà nước đối với các trường mầm non công lập”, bà Hoa cho biết.

Báo cáo nhanh từ các quận huyện, mặc dù có mức thu học phí cao hơn các trường công lập khác trên địa bàn nhưng tính đến hết ngày 20-7, hơn 60% đơn vị tham gia thí điểm đã nhận đủ hồ sơ, một số nơi còn phải lên “danh sách học sinh chờ nhập học” vì số lượng hồ sơ đăng ký vượt quá chỉ tiêu tiếp nhận. Riêng Trường Mầm non Hương Sen (quận Bình Tân) vẫn tiếp tục nhận hồ sơ từ nay đến hết ngày 30-7.  

Thận trọng triển khai

Mô hình trường tiên tiến TPHCM đã triển khai nhiều năm ở bậc THPT, song theo nhận xét của nhiều quận, huyện, khi đem thí điểm ở hai bậc mầm non và tiểu học cần phải hết sức thận trọng. Trưởng phòng GD-ĐT một quận ở trung tâm TPHCM bày tỏ: Không thể phủ nhận những lợi ích mà chương trình đem lại trong việc nâng cao chất lượng giáo dục học sinh, song chúng ta đang hướng đến một nền giáo dục đại trà, trong đó ưu tiên hàng đầu vẫn là đảm bảo đủ chỗ học cho tất cả học sinh.

Chính vì lý do đó, năm học này các quận, huyện đăng ký thí điểm hết sức dè dặt, mỗi quận chỉ triển khai 1 - 2 trường với mục đích vừa làm vừa rút kinh nghiệm và không tạo ra áp lực quá lớn cho bài toán tuyển sinh. Một số địa phương có điều kiện cơ sở vật chất trường, lớp rất tốt nhưng vướng áp lực về mặt sĩ số nên phải lùi thời hạn triển khai. Nói như chia sẻ chân tình của một vị hiệu trưởng, khi tổ chức giới thiệu mô hình trường tiên tiến với phụ huynh, đơn vị phải đồng thời giới thiệu luôn các địa chỉ trường học lân cận, đề phòng trường hợp phụ huynh không có đủ điều kiện cho con học trường tiên tiến, trẻ vẫn có thể được nhận vào các trường công lập khác trên địa bàn.

Ngoài ra, theo bà La Thị Hồng Cúc, việc triển khai mô hình trường tiên tiến cũng đặt ra khó khăn chung cho các đơn vị là phải sắp xếp lại đội ngũ. Do sĩ số học sinh/lớp theo quy định của mô hình này giảm nên tổng số học sinh toàn trường giảm, dẫn đến ảnh hưởng chỉ tiêu định biên giáo viên. Đó cũng là lý do vì sao các trường chưa thể triển khai đại trà mà chỉ thí điểm ở khối mầm, nhân lực dôi dư sẽ được chuyển qua tăng cường cho các khối chồi, lá. Song trong vòng 2 năm tới, khi mô hình áp dụng đại trà cho cả bậc mầm non, vấn đề đội ngũ sẽ đặt ra bài toán lớn. Do đó, các đơn vị kiến nghị Sở GD-ĐT TP sớm ban hành văn bản hướng dẫn bố trí lại nhân sự, đồng thời tham mưu Sở Nội vụ phân bổ định biên giáo viên hợp lý, tránh làm ảnh hưởng tâm lý, gián đoạn quá trình công tác của các cô giáo mầm non.

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục