Nỗi trăn trở của những người thầy

Nỗi trăn trở của những người thầy

Mới đây, tại buổi làm việc giữa đoàn khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM với UBND quận Gò Vấp về tình hình quản lý dạy thêm, học thêm  trên địa bàn quận, ông Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) quận Gò Vấp, cho biết ngoài việc phổ biến văn bản chỉ đạo của UBND TP đến cán bộ, giáo viên, nhân viên các đơn vị trường học, lãnh đạo các đơn vị còn tổ chức phổ biến đến toàn thể học sinh trong buổi lễ chào cờ đầu tuần, trong tiết sinh hoạt lớp và tuyên truyền đến phụ huynh. Tuy nhiên, việc làm này đã bị đại diện Sở GD-ĐT TPHCM “tuýt còi”.

Hai chữ “uy tín” trong giáo dục rất quan trọng

Theo đó, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT), giải thích văn bản chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm chỉ triển khai ở cấp quản lý, lãnh đạo các đơn vị nhắc nhở giáo viên của mình thực hiện. “Học sinh không phải đối tượng điều chỉnh của văn bản. Hơn nữa, nếu phổ biến không đúng tinh thần văn bản sẽ khiến các em hiểu không đúng về quy định, mang suy nghĩ thầy cô giáo của mình bị nhắc nhở, chấn chỉnh việc này việc nọ. Trong khi đó, hai chữ “uy tín” trong giáo dục rất quan trọng và dù với quy định gì thì hình ảnh thầy cô giáo vẫn nên được coi trọng”, ông Tân bày tỏ.

Vì sao một chủ trương được xem là đúng đắn, phù hợp nguyện vọng của người dân được UBND TP ban hành, khi triển khai, phổ biến xuống đơn vị lại khiến nhiều người trong ngành giáo dục trăn trở? Giải thích vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hải, thành viên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP, cho biết: “Văn bản quy định của UBND TP sử dụng thuật ngữ “không tổ chức dạy thêm, học thêm”. Nhưng khi phổ biến ra ngoài xã hội, đặc biệt trong nhà trường, khái niệm này đã bị đổi thành “cấm dạy thêm, học thêm” gây bức xúc, buồn lòng các thầy cô giáo”. Cũng theo vị này, mục tiêu triển khai của quy định là nhằm chấn chỉnh, nhắc nhở hoạt động dạy thêm, học thêm, hạn chế tối đa những biến tướng, tiêu cực đã xảy ra như thời gian qua chứ không phải “cấm đoán”, vốn là từ ngữ dùng để chỉ những hoạt động sai trái, đáng lên án, cần loại bỏ khỏi xã hội. Chính vì cách dùng từ chưa đúng ý nghĩa và tinh thần chỉ đạo của văn bản đã khiến sự tiếp nhận của xã hội có phần sai lệch, tạo nên một số suy nghĩ và nhận thức không hay trong dư luận. Từ thực tế đó, ông Hải kiến nghị các địa phương thực hiện tốt hơn công tác tuyên truyền, định hướng dư luận, không nên dùng từ “cấm” gây bức xúc cho giáo viên.

Nghề giáo, cũng như bất kỳ ngành nghề lao động nào khác trong xã hội, cũng cần có những quy định, nhắc nhở phù hợp để các hoạt động triển khai đúng định hướng. Tuy nhiên, do công việc có tính chất đặc thù, cùng với truyền thống “tôn sư trọng đạo” tốt đẹp ngàn đời của dân tộc, đã đến lúc các cấp quản lý dành nhiều quan tâm hơn công tác tuyên truyền, triển khai quy định dựa trên cơ sở cả tình và lý, hạn chế tối đa những cách hiểu không đúng gây ồn ào trong dư luận như thời gian qua.

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục