Bộ GD-ĐT: Sẽ xem xét phù hợp đề án thi và xét tốt nghiệp THPT tại TPHCM

Trong ngày 22-9, một số cơ quan báo chí đưa tin UBND TPHCM đã có tờ trình gửi Bộ GD-ĐT xin thẩm định về “Đề án thi và xét tốt nghiệp THPT tại TPHCM từ năm 2017”. Theo đề án, phương án thi và xét tốt nghiệp THPT của TPHCM sẽ có 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, năm 2017, công tác thi và xét tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức vào ngày 2 và 3-6-2017.
Bộ GD-ĐT: Sẽ xem xét phù hợp đề án thi và xét tốt nghiệp THPT tại TPHCM

(SGGP).- Trong ngày 22-9, một số cơ quan báo chí đưa tin UBND TPHCM đã có tờ trình gửi Bộ GD-ĐT xin thẩm định về “Đề án thi và xét tốt nghiệp THPT tại TPHCM từ năm 2017”. Theo đề án, phương án thi và xét tốt nghiệp THPT của TPHCM sẽ có 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, năm 2017, công tác thi và xét tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức vào ngày 2 và 3-6-2017.

Thí sinh dự thi ba bài thi: Ngữ văn và Toán (120 phút), Ngoại ngữ (90 phút, đối với hệ GDTX sẽ thi môn thay thế). Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm tổ chức ra đề thi. Giai đoạn 2, từ năm 2018 trở về sau, thời gian thi, nội dung ra đề thi giống như giai đoạn 1, nhưng ngoài 3 bài như giai đoạn 1 là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ, giai đoạn này thí sinh sẽ thi thêm môn tích hợp thời gian làm bài 120 phút; điểm xét tốt nghiệp sẽ không lấy điểm học bạ (trung bình cả năm lớp 12) như giai đoạn 1…

Tuy nhiên, tối 22-9, trong thông cáo phát ra, Bộ GD-ĐT cho biết chưa nhận được văn bản chính thức của TPHCM. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, Bộ GD-ĐT đã biết việc này.

Học sinh Trường THPT An Lạc, quận Tân Bình, TPHCM trong giờ học nhóm. Ảnh: MAI HẢI

Về nội dung này, Bộ GD-ĐT cho biết, ngày 7-6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã làm việc với lãnh đạo TPHCM về phát triển GD-ĐT của thành phố. Kết luận buổi làm việc, hai bên thống nhất: Thành ủy TPHCM sẽ ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển GD-ĐT thành phố, đồng thời chỉ đạo UBND thành phố xây dựng Đề án tổng thể phát triển GD-ĐT thành phố đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Trong đề án này, TPHCM sẽ thí điểm thực hiện một số mô hình giáo dục và cơ chế phù hợp với đặc thù của thành phố, trong đó có nội dung “tăng cường phân cấp cho thành phố thực hiện hầu hết các khâu trong tổ chức thi và xét tốt nghiệp THPT dưới sự giám sát, hỗ trợ của Bộ GD-ĐT, đảm bảo độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh”.

Về thí điểm chương trình giảng dạy tiếng Nga và tiếng Trung Quốc hệ 10 năm của ngoại ngữ thứ nhất, Bộ GD-ĐT cho biết, “Ngoại ngữ thứ nhất” là ngoại ngữ bắt buộc. Theo Quy định của Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5-5-2006, học sinh được lựa chọn một trong bốn ngoại ngữ: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc làm Ngoại ngữ thứ nhất. Năm 2011, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ban hành Quyết định số 2051/QĐ-BGDĐT ngày 18-5-2011 về việc Tiếng Nhật được bổ sung dạy và học trong trường phổ thông như Ngoại ngữ thứ nhất hoặc Ngoại ngữ thứ hai tùy theo nhu cầu và lựa chọn của các địa phương và trường học.

Theo Quyết định 1400/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, một trong những nhiệm vụ của Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” là xây dựng và triển khai chương trình mới đào tạo ngoại ngữ bắt buộc ở cấp học phổ thông đạt tới các bậc trình độ. Tổ chức xây dựng các chương trình ngoại ngữ phổ thông 10 năm, bắt đầu từ lớp 3 đến lớp 12, biên soạn sách giáo khoa, tài liệu học tập, giảng dạy, phù hợp với quy định về năng lực trình độ của mỗi cấp, lớp học. Ngoài chương trình đào tạo môn Ngoại ngữ bắt buộc (Ngoại ngữ 1), học sinh có thể tự chọn học thêm một ngoại ngữ khác (Ngoại ngữ 2). Việc bố trí dạy môn ngoại ngữ 2 chỉ thực hiện từ lớp 6 đến lớp 12 với trình độ đạt tương đương bậc 2 theo Khung năng lực ngoại ngữ sau khi tốt nghiệp THPT.

Thực hiện nhiệm vụ nêu tại Quyết định số1400/QĐ-TTg của Thủ tướng, Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 đã trình Bộ trưởng Bộ GD-ĐT kế hoạch triển khai giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có hoạt động xây dựng chương trình môn học Tiếng Nga, Tiếng Trung Quốc theo chương trình mới - hệ 10 năm như đã xây dựng đối với Tiếng Anh, Tiếng Pháp và Tiếng Nhật. Việc xây dựng chương trình này nhằm đảm bảo người học khi hoàn thành chương trình tiểu học, THCS và THPT đạt được các chuẩn đầu ra quy định theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam đã được ban hành.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục