Thực hiện đổi mới giáo dục: Cần công khai, minh bạch

Giáo dục là quyền lợi chung của xã hội, nên bất cứ vấn đề nào của ngành giáo dục đưa ra cũng tác động đến từng gia đình. Một thực tế là trong những năm qua, xã hội thường xuyên phản ứng mạnh với nhiều vấn đề mà ngành giáo dục thực hiện đổi mới giáo dục, đào tạo.
Thực hiện đổi mới giáo dục: Cần công khai, minh bạch

Giáo dục là quyền lợi chung của xã hội, nên bất cứ vấn đề nào của ngành giáo dục đưa ra cũng tác động đến từng gia đình. Một thực tế là trong những năm qua, xã hội thường xuyên phản ứng mạnh với nhiều vấn đề mà ngành giáo dục thực hiện đổi mới giáo dục, đào tạo.

Tại sao, vì cách làm của Bộ GD-ĐT, hay vì dư luận hiểu chưa thông? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với GS Đào Trọng Thi (ảnh), nguyên Giám đốc ĐHQG Hà Nội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội xung quanh vấn đề này.

* Phóng viên: Nhiều ý kiến người dân cho rằng rất nản vì năm nào Bộ GD-ĐT cũng đổi mới, nhất là thi cử, giáo sư nghĩ sao?

Thực hiện đổi mới giáo dục: Cần công khai, minh bạch ảnh 1

* GS ĐÀO TRỌNG THI: Đổi mới là cần thiết, nhưng đổi mới phải đúng định hướng, nhắm đến được các mục tiêu của đổi mới. Cụ thể như đổi mới thi thì phải nhắm đến 2 mục tiêu: với phổ thông thì bảo đảm được mục tiêu chuyển từ dạy theo lối truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực học sinh; bảo đảm tự chủ đại học. Đổi mới khác với cải cách, cải cách là chuẩn bị thật kỹ và tiến hành thành bước ngoặt luôn. Đổi mới cũng nhắm đến mục tiêu cuối cùng nhưng lại làm thường xuyên, trong thời gian dài, vì vậy phải có lộ trình, và quan trọng nhất là không được gây sốc. Đổi mới có thể làm liên tục, qua nhiều năm. Vì vậy, ý kiến cho rằng năm nay chưa đổi mới, để sang năm hãy làm là cũng không đúng, vì dồn nhiều thay đổi vào một năm sẽ gây sốc. Vì vậy, phải chia thành nhiều năm để làm. Bộ GD-ĐT từng năm đều đổi mới thi cử là đúng, vì ở mức độ điều chỉnh.

Nhưng đổi mới phải nhắm đến mục đích rõ ràng. Không phải vì áp lực giảm tải cho người học, xã hội mà phải đổi mới để từng bước đạt tới mục tiêu cuối cùng. Nếu so với những yêu cầu đó, thì rõ ràng đổi mới thi cử trong 2 năm 2015 và 2016 không đạt tới mục tiêu đó, vì vậy bị dư luận xã hội phản ứng là điều dễ hiểu. Ví dụ, hình thành kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích là bước thụt lùi về tự chủ của các trường ĐH-CĐ, Bộ GD-ĐT tự biến thành một ban giám hiệu với các trường; phân cấp địa phương cũng không thực hiện được khi hình thành 2 loại cụm thi ĐH; cho thí sinh tự chọn môn thi trong khi đang hướng tới giáo dục tích hợp; cho thí sinh rút hồ sơ, thay đổi nguyện vọng… Những đổi mới đó mang tính tùy tiện, ngẫu hứng, không nhắm tới mục tiêu nào, gây hoài nghi cho xã hội, dù Bộ GD-ĐT biện hộ là vì quyền lợi học sinh.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh đó là cách làm của 2 năm trước. Gần đây, Bộ GD-ĐT đưa ra phương án thi 2017 thì tôi lại ủng hộ, vì nó đúng hướng, nhắm đến được mục tiêu đổi mới.

* Giáo sư ủng hộ cụ thể ra sao?

* Có 3 điều chỉnh mới nhất là cụm thi, thi trắc nghiệm, bài thi tổ hợp. Trong đó, việc chỉ còn 1 loại cụm thi, giao hết về cho 63 tỉnh, thành làm thực chất là quay về trước thời “3 chung”, cách đây khoảng 15 năm. Như vậy là tiến tới giao quyền cho các địa phương tổ chức thi tốt nghiệp. Các trường ĐH cũng không còn bị bắt buộc lệ thuộc vào kỳ thi THPT quốc gia nữa mà có quyền lựa chọn tới 4 phương thức tuyển sinh, quyền tự chủ của các trường được bảo đảm hơn. Như vậy, phương án thi năm nay đã tiến tới phân cấp triệt để cho các địa phương, giao quyền tự chủ cho các trường ĐH.

Về lộ trình thực hiện, có nhiều ý kiến nói bất ngờ nhưng tôi nghĩ khác. Ví dụ, 63 cụm thi địa phương thì không có gì mới. Về bài thi tổ hợp học sinh phải học nhiều môn hơn nhưng bảo đảm mục tiêu toàn diện hơn, các em sẽ phải ôn thêm một môn thuộc khối tự nhiên hay xã hội, thời gian 1 năm học là đủ để các em ôn. Tôi cũng không ủng hộ các em phải ôn thi sớm vì sẽ có tình trạng các trường bỏ chương trình, tập trung vào môn thi, gây học lệch. Ban đầu khi công bố bài thi tổ hợp thì dư luận phản ứng rất dữ vì cho rằng đó là bài thi tích hợp, nhưng sau khi Bộ GD-ĐT giải thích là bài thi tổ hợp, ghép các môn riêng rẽ, điểm chấm theo từng môn thì xã hội cũng đã hết lo.

Nhưng vấn đề bài thi tổ hợp có một nội dung mà tôi cho rằng Bộ GD-ĐT phải tính toán, tiếp thu ý kiến xã hội để điều chỉnh triệt để, đó là tỷ lệ các môn thi. Bài thi tổ hợp như Bộ GD-ĐT giải thích gồm 3 môn 60 câu, mỗi môn 20 câu, làm trong thời gian 90 phút là đủ để kiểm tra năng lực học sinh thì đó là giải thích ngụy biện. Chúng ta chỉ cần hỏi ngược lại, nếu mỗi môn 20 câu, thi trong 30 phút là đủ đánh giá học sinh, vậy tại sao các năm trước, bộ lại cho thi từng môn 60 câu và cần tới 90 phút cho thời gian làm bài một môn? Bài thi tích hợp có thể có 60 câu thi trong 90 phút vì đó là kiến thức liên môn. Nhưng bài thi tổ hợp với 3 môn riêng rẽ thì thời lượng đó lại không thích hợp, quá ít câu hỏi, thời gian thi quá ngắn. Phải chăng điều này là vì Bộ GD-ĐT bị áp lực phải làm cho kỳ thi trở nên nhẹ nhàng, thi trong ít ngày? Đó không phải là mục tiêu đổi mới thi. Theo tôi, cần tăng câu hỏi lên, thời gian làm bài lâu hơn; mặt khác không nhất thiết phải đều mỗi môn 20 câu mà có thể khác nhau tùy vị trí, vai trò từng môn học. Điều này Bộ GD-ĐT phải tính lại, không thể giải thích cho xong chuyện.

* Về thi trắc nghiệm (TN) thì sao thưa giáo sư, ông có ủng hộ? Mới đây, Hội Toán học Việt Nam đã đề nghị Bộ GD-ĐT hoãn việc áp dụng hình thức thi TN, tiếp tục thi tự luận đối với môn Toán trong kỳ thi năm 2017?

Phụ huynh, học sinh đều lo lắng khi cứ mỗi mùa thi lại có sự thay đổi


* Tôi lại ủng hộ thi TN để bảo đảm tính khách quan, chống tiêu cực trong khâu coi thi, chấm thi, nhất là khi giao địa phương tổ chức thi. Tôi cũng cho rằng, thi TN trong kỳ thi THPT quốc gia hoàn toàn có thể đánh giá được năng lực học sinh, bởi kỳ thi này chủ yếu để xét tốt nghiệp cũng như xét tuyển ĐH chọn số đông, không phải là kỳ thi chọn nhân tài cần đánh giá năng lực đỉnh cao. Nếu các trường ĐH cần lựa chọn thí sinh giỏi thì có thể đánh giá lại bằng một kỳ thi tự luận. Cũng không nên lo thi TN thì thí sinh sẽ luyện cách thi TN để tránh điểm liệt. Bởi nếu có khoanh bừa, có tránh được điểm liệt thì cũng còn xa số điểm để được xét tốt nghiệp, được xét tuyển ĐH. Để chọn được đáp án đúng thì thí sinh cũng cần giải bài trên giấy nháp, vì vậy thí sinh khá thì mới có được điểm cao để vào ĐH.

Vấn đề chính của vấn đề thi TN là ở khâu đề thi. Đề thi phải có ngân hàng đề thi phong phú, chuẩn hóa. Các nước họ đã quen với cách làm này, còn ở Việt Nam còn mới mẻ. Ngân hàng đề thi gồm hàng chục ngàn câu hỏi, được chuẩn bị trong thời gian dài, được kiểm nghiệm trong thực tiễn, vì thế Bộ GD-ĐT phải chuẩn bị thật kỹ, phải tiếp tục hoàn thiện ngân hàng đề thi. Khi đề thi được chuẩn hóa thì sẽ đánh giá được trình độ của người thi. 

* Như vậy theo giáo sư, phương án thi năm 2017 là có thể thực hiện và đáp ứng được mục tiêu đổi mới. Vậy tại sao bị dư luận phản ứng dữ dội như vậy, tại cách làm của Bộ GD-ĐT hay lý do gì?

* Phương án là ổn, nhưng cần tiếp tục chuẩn bị, cân nhắc, bổ sung, tính toán thật đầy đủ. Những vấn đề đó còn 1 năm để chuẩn bị, vì thế hoàn toàn có thể triển khai. Trước mắt bộ sớm công bố đề thi minh họa cho thí sinh yên tâm. Chúng ta cần phải làm trong năm 2017, rồi đến năm 2018 lại tiếp tục đổi mới để sau năm 2018 thì chúng ta tương thích với chương trình - sách giáo khoa mới. Nhưng tôi cho rằng Bộ GD-ĐT phải tính toán kỹ để đưa vào quy chế thi, sau đó thì không nên có thay đổi nữa, tránh tình trạng đến sát ngày thi rồi vẫn còn nghĩ thêm cái này, thay đổi cái kia làm học sinh rối.

Tại sao dư luận luôn phản ứng với Bộ GD-ĐT? Là do Bộ GD-ĐT vẫn không có sự chuẩn bị, ngay khâu truyền thông cũng làm không tốt. Khi công bố phương án thi chẳng hạn, rất không thận trọng, ban đầu nói là bài thi tổng hợp khiến xã hội hoang mang, sau đó phải nói rõ là bài thi tổ hợp. Ít nhất Bộ GD-ĐT phải dự báo được dư luận sẽ sốc ở điểm nào để công bố rõ điểm đó, tránh dư luận phản ứng. Mặt khác, Bộ GD-ĐT không nên giấu giếm, lảng tránh. Ví dụ Bộ GD-ĐT phải nói rõ cho xã hội lộ trình đổi mới của mình. Tôi thấy Bộ GD-ĐT đang lảng tránh vấn đề bài thi khoa học tự nhiên, khoa học xã hội chính là bài thi tích hợp trong tương lai. Tại sao không nói rõ ra đích đến của Bộ GD-ĐT là từ năm 2018 sẽ là các môn tích hợp, bây giờ chưa học tích hợp nên tạm thời thi bài thi tổ hợp, bài thi tổ hợp là từng bước để tiến tới bài thi tích hợp. Tôi tin nếu nói rõ như thế thì học sinh biết, phụ huynh biết, xã hội biết để yên tâm chuẩn bị. Càng nói rõ, càng công khai thì xã hội càng yên tâm. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cần chú ý đến tiếp thu ý kiến các chuyên gia, trước khi công bố cho xã hội rất cần làm cho đội ngũ chuyên gia, trong ngành thông suốt. Bởi họ thông suốt thì xã hội sẽ thông suốt. Đó là cách làm mà Bộ GD-ĐT phát hết sức rút kinh nghiệm để tạo niềm tin cho xã hội.

* Xin cảm ơn giáo sư!

PHAN THẢO (thực hiện) 

Tin cùng chuyên mục