Luẩn quẩn bài toán thừa, thiếu giáo viên

Mới đây, báo cáo của Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tại hội nghị sơ kết học kỳ 1 năm học 2016-2017 do Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) chủ trì cho biết, cả nước đang xảy ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các bậc học.
Luẩn quẩn bài toán thừa, thiếu giáo viên

Mới đây, báo cáo của Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tại hội nghị sơ kết học kỳ 1 năm học 2016-2017 do Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) chủ trì cho biết, cả nước đang xảy ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các bậc học.

Cụ thể, toàn quốc hiện dôi dư 26.750 giáo viên, trong đó nhiều nhất là bậc THCS với 21.005 người. Song, nhìn chung cả nước vẫn thiếu 45.058 giáo viên, trong đó chiếm tỷ lệ cao nhất là bậc mầm non với 32.641 người, tiểu học thiếu 7.824 người... Qua đó cho thấy, tình trạng thừa, thiếu giáo viên đang diễn ra ở nhiều địa phương và xuất hiện ở tất cả bậc học. Trước thực tế đó, một số tỉnh, thành đã có sáng kiến điều chuyển giáo viên dôi dư ở bậc THCS về làm giáo viên mầm non và tiểu học. Trước đó, tại hội nghị hiệu trưởng các trường đại học diễn ra ở Đà Nẵng (cũng do Bộ GD-ĐT chủ trì), nhiều ý kiến đã đề xuất phương án “điều chỉnh nội bộ”, tức đưa giáo viên phổ thông dư thừa về dạy ở các trường mầm non và tiểu học.

Cả nước đang xảy ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các bậc học

Qua 2 lần lắng nghe đề xuất của các địa phương, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ nghiên cứu, biên soạn chương trình đào tạo bổ sung dành cho giáo viên chuyển công tác giữa các bậc học. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, hiệu trưởng một trường mầm non công lập ở quận Bình Thạnh (TPHCM) cho biết, trước mắt bộ chỉ nên tính đến phương án điều chuyển giáo viên giữa 3 bậc tiểu học, THPT và THCS. Riêng ở bậc mầm non, với đặc thù chăm sóc nhiều hơn giảng dạy, nhà giáo này khẳng định không thể chuyển giáo viên phổ thông về đứng lớp mầm non. Nhất là trong tình trạng biên chế nhân sự ở các trường mầm non hiện nay chưa công nhận vị trí “nhân viên nuôi dưỡng”. Đối với các trường không thể tự bổ sung nhân sự dưới hình thức ký hợp đồng ngắn hạn, giáo viên đứng lớp phải kiêm nhiệm luôn việc dọn vệ sinh như quét dọn lớp học, vệ sinh đồ dùng, đồ chơi cho bé… Ngoài ra, với yêu cầu công việc liên quan đến các vấn đề về dinh dưỡng, sự an toàn, tính mạng trẻ, giáo viên mầm non phải được trang bị kiến thức về tâm sinh lý trẻ mầm non, một số hiểu biết về chăm sóc y tế, vận động. Đây là những yêu cầu chuyên môn rất khác so với giảng dạy ở bậc phổ thông, vốn đòi hỏi chuẩn kiến thức, kỹ năng nhiều hơn nuôi dưỡng. 

Tất cả địa phương đều khẳng định điều chuyển giáo viên chỉ là giải pháp tạm thời, giải quyết trước mắt bài toán thừa, thiếu giáo viên cục bộ giữa các bậc học, về lâu dài, vẫn đòi hỏi nhiều giải pháp quản lý căn cơ hơn từ phía Trung ương. Trong đó tập trung các vấn đề như dự báo nguồn nhân lực, kết nối giữa thực tế với đào tạo, điều chỉnh các phương án tuyển dụng phù hợp nhu cầu thực tế ở các địa phương, tránh tình trạng “đèn nhà ai nấy sáng” hiện nay.

THANH THU

Tin cùng chuyên mục